Một khoản vay "gánh" 2 hợp đồng: Đã đến lúc "hy sinh" tỷ giá để cứu lãi suất?

Nhật Minh Chủ nhật, ngày 25/12/2022 08:34 AM (GMT+7)
Lãi suất huy động thỏa thuận vọt lên 13%/năm, lãi suất cho vay có ngân hàng đẩy lên tới 16%/năm, thậm chí 18% khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Ngân hàng Nhà nước buộc phải ra thông điệp mạnh "tuýt còi" các ngân hàng tăng lãi suất. Còn các chuyên gia cho rằng, tạm thời "hy sinh" tỷ giá để hỗ trợ lãi suất.
Bình luận 0

Một khoản vay, 2 hợp đồng, Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi" và xử lý nhà băng tăng lãi suất

Chia sẻ với PV Dân Việt, TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, việc tăng lãi suất thời gian qua "rất nghiêm trọng".

Ông Nghĩa dẫn chứng, có tình trạng đến ngân hàng vay tiền, khách hàng buộc phải làm 2 hợp đồng. Một hợp đồng lãi suất cho vay là 14%, thêm một hợp đồng nữa là tư vấn tài chính là 4%. Như vậy, lãi suất tổng cộng lãi vay lên đến 18%.

Thực trạng này theo TS Lê Xuân Nghĩa, đó có thể là sự không minh bạch. Tuy nhiên đó chỉ là hiện tượng, còn bản chất chính là vấn đề thanh khoản. Thanh khoản nền kinh tế đang khó khăn nghiêm trọng.

Điều này gây ra rất nhiều khó khăn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và giờ quay lại hệ thống ngân hàng. Và giờ chưa lường trước được "cú đánh" thực sự vào nền kinh tế. Và những người trong cuộc đang như ngồi trên đống lửa.

Một khoản vay "gánh" 2 hợp đồng, đã đến lúc "hy sinh" tỷ giá để cứu lãi suất? - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Trước tình hình này, Hiệp hội Ngân hàng mới đây đã kêu gọi các hội viên đồng thuận đưa lãi suất tiết kiệm về tối đa 9,5%/năm để ngành ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Về phía nhà quản lý tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ hối thúc các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong văn bản mới nhất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng còn yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.

Một khoản vay "gánh" 2 hợp đồng, đã đến lúc "hy sinh" tỷ giá để cứu lãi suất? - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý đối với tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất.

Tạm thời "hy sinh" tỷ giá để hỗ trợ lãi suất

Các chuyên gia đánh giá, áp lực tăng lãi suất vẫn còn đang rất lớn, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có thể tăng lãi suất trong năm 2023, trước khi xem xét hạ lãi suất vào năm 2024.

Mặc dù vậy, tỷ giá hạ nhiệt đáng kể, từ mức chạm ngưỡng 25.000 đồng/USD hơn một tháng trước đây, giờ chỉ còn dưới 24.000 VND/USD, đang làm giảm bớt áp lực cho nhà điều hành.

Cũng theo giới phân tích, nếu như vài tháng trước, tỷ giá là câu chuyện bão tố nhất của chính sách tiền tệ, thì từ nay tới sang năm, lãi suất lại là vấn đề "nóng bỏng" nhất.

Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải "hy sinh" lãi suất để cứu tỷ giá, thì câu chuyện năm 2023 sẽ đi theo chiều ngược lại. Theo các chuyên gia, năm 2023, Việt Nam nên chấp nhận biến động tỷ giá và lạm phát cao hơn một chút để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

"Chúng ta cần phải cân bằng lãi suất và tỷ giá. Năm nay, nhằm kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất. Song nếu lãi suất tăng mạnh quá, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được. Chúng tôi đã có tính toán sơ bộ và thấy rằng, chúng ta cần phải hết sức thận trọng với công cụ lãi suất thời gian tới.

Năm 2023, chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút, song cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất. Điều tích cực là áp lực tỷ giá năm tới đã nhẹ đi đáng kể", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ.

Nói về việc giảm lãi suất, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn nhấn mạnh. đây là mong muốn không chỉ của doanh nghiệp, mà của cả ngân hàng. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều vào giảm lãi suất huy động, chỉ khi các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc duy trì mặt bằng lãi suất như cam kết (tối đa 9,5%/năm), thì mới có điều kiện để hỗ trợ khách hàng cũng như hỗ trợ hệ thống.

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), lãi suất huy động vẫn cao ở một số ngân hàng có mức thanh khoản kém do tỷ lệ LDR theo quy định mới. Dù các ngân hàng cam kết trần huy động lãi suất ở mức 9,5% nhưng tốc độ hạ lãi suất từ mức 10%-11% hiện tại sẽ diễn ra chậm. Động thái điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước mang tính hỗ trợ ngắn hạn, vẫn còn khá nhiều thách thức chủ yếu đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới.

Trong năm 2023, quan điểm của SSI Research là lãi suất có khả năng hạ nhiệt được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem