Nặng lòng với con chữ vùng cao

Thứ sáu, ngày 09/12/2022 06:12 AM (GMT+7)
Phà Noi trong tiếng Thái nghĩa là "len nhỏ", thế nhưng bản nghèo nơi xã biên giới Đoọc Mạy của huyện miền núi cao Kỳ Sơn nay gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bằng những vách đá dựng đứng, những dãy núi quanh năm mây phủ. Ở nơi thâm sơn, cùng cốc ấy, những thầy, cô giáo vẫn lặng thầm gieo chữ.
Bình luận 0

Đặc biệt hơn, nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, trong những năm qua, các thầy, cô giáo Phà Noi, Đoọc Mạy đã có thêm nguồn lực để đưa các em rời khỏi bản làng "2 không", ra điểm trường chính học tập.

Đưa đò ở bản "2 không"

Phải mất gần 4 tiếng đồng hồ, vượt qua con đường 60km với nhiều dốc cao dựng đứng, quanh co, vắt vẻo bên vực sâu từ thị trấn Mường Xén tôi mới đến được Trường Tiểu học Đoọc Mạy. Đây là một ngôi trường còn khá non trẻ với chưa đầy 15 năm thành lập, sau khi được tách ra từ trường liên cấp Phổ thông cơ sở Đoọc Mạy. Không thể nói hết những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất mà thầy, trò nơi đây phải trải qua. Đây là ngôi trường cấp 1 duy nhất của xã có phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Dù chỉ có 383 hộ dân, nhưng xã có đến 71,8% là hộ nghèo. Trường có 1 điểm chính, 3 điểm lẻ, nhưng chỉ duy nhất điểm chính là có điện, còn 3 điểm lẻ còn lại thì vẫn đang trong cảnh không điện, không sóng điện thoại.

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 1.

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 2.

Bản Phà Nọi nằm lưng chừng đỉnh núi Phà Và.

Đón và tiếp chuyện tôi là thầy Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoọc Mạy, một nhà giáo đã có gần 30 năm gắn bó với giáo dục Kỳ Sơn. Năm 1995 sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An đóng tại Tân Kỳ, một tay xách ba lô, thầy rời mảnh đất Cát Văn (Thanh Chương) để đến với đất khó Kỳ Sơn.

"Quanh quẩn hết Bắc Lý, Mỹ Lý rồi Na Ngoi, Đoọc Mạy, thế mà cũng gần được 30 năm rồi" – vừa nói thầy Trường vừa với tay rót ấm nước chè đặc mới om còn bốc khói nghi ngút. Kỳ Sơn chớm đông, hơi nước bốc lên hòa lẫn với màn sương mờ ảo len lỏi qua từng vách gỗ. Ở Đoọc Mạy mùa này là vậy, sáng sớm trời đặc quánh sương mù, nắng lên thì trong dần nhưng rất khô hanh. Những em học sinh nhỏ dẫu đã quen với thời tiết khắc nghiệt, nhưng hai má thì khô khan nứt nẻ trông giống như những chú búp bê được tô phấn.

Toàn Trường Tiểu học Đoọc Mạy chỉ có 25 cán bộ, giáo viên. Ngoài điểm chính đóng tại bản Phà Lệch Phay thì còn có 3 điểm lẻ ở Huồi Viêng, Phà Nọi và Noọng Hán. Các điểm lẻ nằm cách xa điểm chính từ 5-10 cây số. Thành ra, ai được phân đi cắm bản thì ở hẳn lại đó, thỉnh thoảng lại về điểm chính họp hội đồng hay giao ban hàng tháng.

Biết tôi có ý định vào Phà Nọi để xem phòng học mới được xây dựng khang trang như thế nào, thầy Trường liền cho một giáo viên "tháp tùng" và không quên dặn "vậy thì lên đường ngay đi để còn kịp quay ra, nếu không lỡ gặp mưa rừng là mắc kẹt lại đấy".

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 3.

Đường đến với bản Phà Nọi. Ảnh: Tiến Đông

Đường đến trung tâm xã Đoọc Mạy đã khó, đường vào Phà Nọi còn khổ cực hơn nữa. Một con đường đất đá lởm chởm xuyên qua những dãy núi cheo leo như chạm tới mây trời. Chiếc xe máy vừa oằn mình rà rà leo lên con dốc cao dựng ngược rồi bỗng chốc lại lao xuống theo con đường mòn hun hút. Sau hơn 30 phút vượt đèo, chúng tôi cũng đến được với Phà Nọi, một bản nhỏ chưa đầy 50 nóc nhà nằm lưng chừng đỉnh Phà Và. Ngay đầu con dốc là nhà Trưởng bản Già Vả Xấu. Biết chúng tôi vào điểm trường lẻ, ông liền níu lại bắt tay rối rít "bà con dân bản cảm ơn các anh cán bộ dưới xuôi nhiều lắm, may mà bây giờ phòng học đã xây mới chứ như ngày xưa thì trò khổ và thầy cũng khổ theo".

Điểm lẻ Phà Nọi có lớp học mầm non với 10 cháu từ 3 đến 5 tuổi, còn tiểu học thì có 2 lớp 1 và 2 với 12 cháu. Trước đây khi lớp học chưa được xây thì học sinh học trong một gian nhà nhỏ thưng ván. Từ tháng 8/2022 lại đây, điểm trường này đã được xây mới khang trang hơn.

Thầy giáo Già Bá Khù là người phụ trách điểm lẻ này. Bắt đầu cầm phấn từ năm 1995, là người Mông vừa biết tiếng, vừa biết chữ nên thầy được giao nhiệm vụ dạy điểm lẻ. Bởi các cháu lớp 1 đến lớp 2 tiếng Kinh chưa sõi nên gần như thầy phải dạy "song ngữ" sao cho các em vừa phát âm, nói chuẩn tiếng Việt nhưng cũng phải theo kịp chương trình học tập.

Những năm trước, điểm trường Phà Nọi do thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn người Thanh Chương đứng lớp. Sau nhiều năm công tác ở miền núi, thầy Toàn nay đã chuyển về xuôi. Thế là thầy Khù từ điểm lẻ Huồi Viêng được điều sang. Quá quen với việc cắm bản, thầy Khù bảo – "nhiều đồng nghiệp ở dưới xuôi lên còn ở được, mình sinh ra và lớn lên tại đây thì sao không. Miễn là các em học sinh còn cần thầy, phụ huynh còn cần thầy thì mình ở lại thôi".

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 4.

Sau giờ dạy, thầy Già Bá Khù lại xuống bếp chuẩn bị bữa trưa. Ảnh: Tiến Đông

Nhà thầy giáo Khù cách điểm lẻ hơn 10 cây số. Vào những ngày nắng ráo, tờ mờ sáng thầy đã chạy xe máy vào trường rồi chiều tối lại chạy về. Vào mùa đông hay những lúc trời mưa thầy đành phải ở lại bên cái chòi nhỏ nằm cạnh trường. Trong chòi đặt một chiếc giường đơn sơ, bếp củi và một ít gạo để nấu ăn. Thường mỗi buổi trưa thầy sẽ nấu cơm luôn cho cả ngày, rồi vùi vào tro bếp để ủ ấm. Nhưng cũng có lúc đột xuất, khẩu phần ăn tăng lên khi "khách quý" là đám học trò ở lại cùng thầy. Bởi ở đất Phà Nọi này, nhiều lúc bố mẹ các em đi rẫy xa, gặp mưa không về được, đành để con cho thầy. Đám trẻ lít nhít cứ bám theo thầy như đuôi, thầy một bước, trò một bước. Thỉnh thoảng còn sợ sệt bám vào vạt áo thầy đến xồng xệch nếu có người lạ đến thăm điểm trường.

Biết thầy dạy điểm lẻ vất vả nên dân bản cũng rất thương, họ luôn coi thầy như người nhà của mình. Thi thoảng từ rẫy về họ lại mang đến cho thầy ít rau và măng, có khi còn cả một con chuột rừng vừa bẫy được để thầy cải thiện bữa ăn.

Dạy điểm lẻ không có điện, không có sóng điện thoại, vì thế sau mỗi buổi học tranh thủ khi trời còn sáng thầy Khù lại xem lại bài vở để ngày mai tiếp tục đến lớp. Nhưng đó là vào mùa hè, còn mùa đông, nắng còn không đến nơi, lớp học không có điện tối om, thầy trò thậm chí còn phải tranh thủ học giữa trưa khi trời còn sáng. Chưa kể, dù sĩ số học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng do dạy lớp ghép 1+2 nên người giáo viên cắm bản như thầy Khù thường phải nỗ lực gấp đôi để có thể đảm nhận được song song hai lớp.

Sức mạnh của tình yêu thương

Cách đây khoảng 5 năm, để học sinh Kỳ Sơn không bị tụt lại phía sau khi thực hiện thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số trường tiểu học đã tiến hành thí điểm đưa học sinh từ lớp 3 trở lên về học tập trung tại điểm chính. Ngặt một nỗi, cơ sở vật chất, nhà bán trú, chỗ ăn ở của các em thì thiếu thốn, vì thế nhiều trường phải làm từng bước. Ngay tại Trường Tiểu học Đoọc Mạy, mãi đến năm học 2020-2021 nhà trường mới đưa được 34 em học sinh đầu tiên về học bán trú. Đến năm học 2021-2022 đã có 68 em được đưa về học tại điểm chính và đến năm học này đã có 88 em.

Thầy Trường bảo tôi, học sinh về ở bán trú tại trường ngoài 15kg gạo và 596.000 đồng/tháng được Nhà nước hỗ trợ, thì tất cả các đồ dùng phục vụ bán trú đều là con số không. Không đồ dùng nhà bếp, không bát đũa, khay đựng cơm, thậm chí giường, chiếu, chăn màn cũng chưa có.

Sau nhiều đêm trăn trở, thầy Trường đánh liều viết thư ngỏ, gửi cho anh em, bạn bè nhờ giúp đỡ. "Phải làm cách nào để đưa được các em về học bán trú, nếu không sẽ tụt hậu mất. Nhưng đưa về phải lo chỗ ăn ở cho các em thật đảm bảo. Bởi với đồng bào nơi đây, có tin tưởng họ mới giao con cho cô thầy chăm sóc, nếu không làm được sẽ có lỗi với phụ huynh lắm" – thầy Trường nhớ lại.

Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mà việc đưa học sinh về học bán trú của Trường Tiểu học Đoọc Mạy gặp nhiều thuận lợi hơn.

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 5.

Trong ảnh: Học sinh ở bán trú trong giờ ăn trưa. Ảnh: Tiến Đông

Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mà việc đưa học sinh về học bán trú của Trường Tiểu học Đoọc Mạy gặp nhiều thuận lợi hơn. 

Nhận được thư ngỏ của người Hiệu trưởng ở trường miền núi xa xôi, nhiều mạnh thường quân đã gói ghém, gửi vào cho nhà trường. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhà trường đã có đủ nồi niêu, xoong chảo và cả khay đựng cơm cho học sinh bán trú.

Thầy Trường cho biết, ở các xã miền núi cao, gia đình học sinh đều có hoàn cảnh rất khó khăn, vì thế việc vận động xã hội hoá từ phụ huynh là điều không thể. Chỉ có cách kết nối với bạn bè, anh em rồi thông qua các mối quan hệ mở rộng ra để họ hiểu về sự khó khăn thực sự của nhà trường mà quan tâm, giúp đỡ.

Từ cuối năm 2021 thay mặt nhà trường, thầy Trường đã gửi thư ngỏ cho nhóm Thiện nguyện Từ Tâm tại Hà Nội, sau đó họ đã hỗ trợ cho nhà trường 208 chiếc áo ấm, 1 tủ lạnh, 1 loa kéo, và 68 chiếc rương làm bằng tôn để cho học sinh đựng đồ, với tổng trị giá hơn 60 triệu đồng. Đầu năm 2022 nhà trường cũng đã liên hệ với một đơn vị tại huyện Nghĩa Đàn và đã được hỗ trợ 3 màn hình tivi trị giá 36 triệu đồng phục vụ cho việc học tập.

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 6.

Điểm trường Phà Nọi nay đã được xây dựng kiên cố; Điểm trường Phà Nọi có 2 lớp 1 và 2 với 12 em học sinh. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, vào tháng 6/2022 thông qua thư ngỏ, dù chưa bao giờ đặt chân đến Đoọc Mạy nhưng các sư cô chùa Cổ Linh (Cẩm Giàng, Hải Dương) và một doanh nghiệp tại Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 2 phòng học và nhà vệ sinh cho điểm lẻ Phà Nọi trị giá 220 triệu đồng. Nhờ vậy mà từ năm học 2022-2023 này, điểm trường Phà Nọi đã được "kiên cố hóa" sau nhiều năm thầy trò dạy học trong phòng tạm.

Ngay trước thềm năm học 2022-2023, thông qua nhóm thiện nguyện Từ Tâm, Trường Tiểu học Đoọc Mạy đã nhận được 84 bộ bàn ghế mới trị giá 70 triệu đồng do Hệ thống giáo dục Thăng Long Kidsmart trao tặng. Bởi cơ sở vật chất nhà trường sau 14 năm thành lập đã bắt đầu cũ kỹ, xuống cấp. Bàn ghế học sinh hư hỏng nhiều và số còn lại không đảm bảo tiêu chuẩn cho các em ngồi học tập.

Dù đã đưa được 88 em học sinh về ở bán trú tại trường, thế nhưng hiện tại sau giờ học, các em đang phải ở tạm trong các phòng học. Vì thế mới đây, nhà trường cũng đã mạnh dạn liên hệ với gia đình bà Huỳnh Thị Min, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất xin 6 phòng ở cho học sinh trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Hiện tại gia đình bà Min đã đồng ý và đã hoàn tất thủ tục, chờ ngày khởi công xây dựng.

Không riêng gì sự kêu gọi của tập thể, của ban giám hiệu, các giáo viên cũng chủ động liên hệ để với anh em, bạn bè, ủng hộ những đồ dùng cần thiết cho học sinh. Mới đây nhất, trong tháng 11 này, cô giáo Lương Thị Xuân một giáo viên của nhà trường cũng đã liên hệ với một đơn vị tại tỉnh Lào Cai tặng 220 chiếc áo ấm, 70 chiếc chiếu và 70 cái chăn cho các em học sinh. Đó thực sự là những thông tin rất vui đối với các em học sinh Tiểu học Đoọc Mạy khi một mùa đông rét buốt nữa lại về.

Không thể nói hết niềm vui của thầy cô Trường Tiểu học Đoọc Mạy khi nhận được nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm. 

Nặng lòng với con chữ vùng cao - Ảnh 7.

Sau khi có trường học khang trang, việc dạy và học của thầy và trò tại điểm lẻ Phà Nọi đã đỡ vất vả hơn. Ảnh: Tiến Đông

Bản thân thầy Trường cũng chia sẻ rằng, do cơ sở vật chất của nhà trường quá thiếu thốn, địa phương là xã nghèo vùng sâu, vùng xa nên chưa thể đáp ứng được việc nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của nhà trường. 

"Từ sự đồng lòng, cùng chung tay của tất cả tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, và những nghĩa cử cao đẹp, sự quan tâm từ các cá nhân, tổ chức chính là niềm tin, động lực để thầy trò nhà trường phấn đấu khắc phục khó khăn, thi đua dạy và học tốt hơn" – thầy Trường chia sẻ.


Tiến Đông (Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem