Nghi lễ cầu hồn cho người đã khuất của bà con Công giáo ở Giáo xứ Nhã Lộng, Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 20/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nghi lễ cầu hồn của đồng bào Công giáo nhằm thể hiện sự kính hiếu với ông bà tổ tiên và cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Thị Hiệp - Phó Bí thư Chi bộ xóm Náng chia sẻ về nghi thức cầu hồn của đồng bào Công giáo (Clip: Hà Thanh)

Theo thông lệ cứ vào dịp tháng 10 âm lịch hàng năm, bà con Công giáo ở Giáo xứ Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên lại chọn một ngày đẹp trời để tổ chức nghi lễ cầu hồn cho người đã khuất.

Trong ngày này, bà con đồng bào công giáo thường đi tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện tại nghĩa trang hoặc ở các nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất.

Đây cũng là dịp để nhắc nhở những người còn sống bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và thương nhớ đến những bậc sinh thành ra mình. Qua đó cũng là cách nhắc nhở mỗi con người về cách đối nhân xử thế.

Nghi lễ cầu hồn cho người đã khuất của bà con công giáo ở giáo xứ Nhã Lộng - Ảnh 2.

Các gia đình quây quần tại phần mộ người thân để cùng đọc kinh và cầu nguyện, tổ chức nghi lễ cầu hồn cho những người đã khuất (Ảnh: Nguyễn Mẫn)

Chị Nguyễn Thị Hiệp – Phó Bí thư Chi bộ xóm Náng cho biết, nghi lễ cầu hồn là một trong hai nghi lễ lớn trong năm của đồng bào Công giáo nói chung và bà con Công giáo tại Giáo xứ Nhã Lộng nói riêng. Đây là nghi lễ đã có từ nhiều năm nay, được bà con Công giáo khắp các địa phương gìn giữ cho đến ngày nay.

Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng tập trung tại phần mộ của những người thân trong gia đình mình để thắp nến, hương, thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.

Nghi lễ cầu hồn cho người đã khuất của bà con công giáo ở giáo xứ Nhã Lộng - Ảnh 3.

Nghi thức cầu hồn là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người thân đã khuất trong gia đình (Ảnh: Nguyễn Mẫn)

Theo niềm tin của người Công giáo, tổ tiên, ông bà, cha mẹ dù đã khuất vẫn luôn hiện diện, nâng đỡ và cầu nguyện cho họ. Do đó, họ tổ chức nghi lễ này để tưởng nhớ và biết ơn những người đã khuất.

Vào ngày này, khắp nghĩa trang của đồng bào công giáo sẽ rực rỡ, lung linh trong ánh nến và hương. Không khí rộn ràng không khác gì nghi lễ cầu thánh trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm của đồng bào Công giáo.

Khác với những nghi thức thông thường của bà con Công giáo, nghi thức cầu hồn chỉ được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hằng năm. Tùy theo sự sắp xếp của mỗi khu vực khác nhau mà bà con sẽ lựa chọn một ngày đẹp trời trong tháng 10 để tổ chức nghi lễ này.

Để thực hiện nghi lễ cầu hồn, trước khi tiến hành nghi lễ, các gia đình có người thân đã khuất sẽ ra phần mộ của gia đình mình tại nghĩa trang để dọn dẹp và thắp hương, nến lên những phần mộ đó.

Nghi lễ cầu hồn cho người đã khuất của bà con công giáo ở giáo xứ Nhã Lộng - Ảnh 4.

Vào ngày tổ chức nghi lễ cầu hồn, khắp nghĩa trang của đồng bào công giáo sẽ rực rỡ, lung linh trong ánh nến và hương (Ảnh: Nguyễn Mẫn)

Trước khi cha xứ làm lễ, bà quản (người khai màn buổi lễ) sẽ xướng kinh và các con chiên cùng hát ca đoàn. Sau nghi thức đó, cha xứ sẽ bắt đầu tiến hành làm lễ cầu nguyện, đọc kinh và giảng đạo.

Bài giảng của cha xứ chủ yếu tập trung nói về đạo hiếu với mục đích khuyên nhủ con cái phải kính hiếu, biết ơn với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người đã sinh thành ra mình, hướng con người đến những điều tốt đẹp, làm theo lời Chúa sống sao cho tốt đời đẹp đạo.

Sau phần làm lễ của cha xứ sẽ là phần hiệp lễ. Khi đó, cha xứ sẽ uống một chén rượu đỏ tượng trưng cho máu của Chúa Giêsu và ăn một miếng bánh nhỏ tượng trưng cho mình thánh của Chúa. Tiếp đến, đồ tế (người phục vụ buổi lễ) sẽ thụ hưởng lộc Chúa ban rồi lần lượt ban phát cho các con chiên.

Kết thúc nghi thức hiệp lễ này, ca đoàn sẽ hát để cảm tạ, bà quản sẽ đọc kinh cám ơn để kết thúc buổi lễ và cha xứ chúc mọi người bình an trước khi ra về.

Tương tự như nghi thức cầu siêu của đạo Phật, nghi lễ cầu hồn của đồng báo Công giáo cũng nhằm mục đích cầu mong cho linh hồn người đã khuất sớm được về với thiên đàng để an nhàn vui vẻ.

Đối với bà con Công giáo, họ coi trọng ngày này bởi họ quan niệm rằng dù là người còn sống hay người đã khuất thì điều cuối cùng trong cuộc sống mà họ hướng tới đều là sự vui vẻ, bình an và hạnh phúc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem