Người phụ nữ Mường Lai “soi sáng” phụ nữ dân tộc Tày

Thứ ba, ngày 15/11/2022 06:16 AM (GMT+7)
Gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm là những gì chúng tôi thấy ở bà Chu Thị Sinh (sinh năm 1969) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Bình luận 0

Ngày ngày, bà Sinh vẫn đến từng bản, đi từng nhà vận động, tuyên truyền cho phụ nữ dân tộc Tày xã Mường Lai phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Việc bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Tày luôn được chú trọng đặt lên hàng đầu.

Hạt nhân bản làng

Trong chuyến công tác tại huyện vùng núi Lục Yên, tỉnh Yên Bái, chúng tôi được lãnh đạo huyện giới thiệu đến xã Mường Lai gặp bà Chu Thị Sinh, dân tộc Tày, là một trong cán bộ tiêu biểu của xã nằm sâu sau những ngọn núi; đường vào xã trước đây hễ mưa là lầy lội, nay đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ.

Bà Sinh cho biết: "Toàn xã có 12 chi hội phụ nữ ở 12 thôn, có 1.086 hội viên, 97% hội viên là dân tộc Tày, 3% là dân tộc khác".

Người phụ nữ Mường Lai “soi sáng” phụ nữ dân tộc Tày - Ảnh 1.

Bà Chu Thị Sinh giống như "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt phụ nữ xã Mường Lai luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Trước đây, bà con trong xã đa số gắn bó với trồng lúa, trồng ngô nên sự đói nghèo cứ đeo bám quanh năm bốn mùa. Vốn là hạt nhân nguồn của xã, hơn ai hết bà Sinh là người nắm bắt hiểu rõ những khó khăn, vất vả của bà con, bà luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đời sống của bà con được đầy đủ, ấm no.

Năm 1996, với sự quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà Sinh được xã cử đi học y tá sau đó về phục vụ cho bà con của 12 thôn bản. Khi ấy bà 27 tuổi và giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội LHPN xã Mường Lai. Đến năm 2001 thì giữ chức Chủ tịch Hội LHPN.

Trong suốt 8 năm bà vừa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vừa đồng hành cùng bà con phát triển kinh tế, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến từng gia đình.

Với sự nỗ lực và thành tích của mình, năm 2004 bà Sinh được cấp trên tin tưởng giới thiệu kết nạp Đảng rồi được cử xuống Hà Nội học Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa vốn có của vùng đất Mường Lai đang dần bị mai một.

Người phụ nữ Mường Lai “soi sáng” phụ nữ dân tộc Tày - Ảnh 2.

Bằng những hành động thực tế miệng nói, tay làm, bà Chu Thị Sinh tích cực vận động chị em hội viên trong xã tìm cách làm đạt kết quả cao trong xây dựng mô hình kinh tế gia đình, phấn đấu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Khai sáng cho phụ nữ Tày, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế

Với 97% hội viên là người dân tộc Tày nên việc đầu tiên bà Sinh bắt tay vào làm chính là dạy tiếng Kinh bởi đa số bà con đều không thạo tiếng Kinh nên việc nắm bắt và hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương là rất ít.

Theo bà Sinh, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mường Lai đều có điều kiện tiếp cận với các loại hình báo chí, đọc sách, nghe đài, xem tivi, đọc báo điện tử, trang thông tin điện tử trên máy tính hoặc điện thoại thông minh nhưng muốn làm được điều đó thì phải hiểu tiếng Kinh, đọc thành thạo.

Bà Sinh nhấn mạnh: "Muốn tuyên truyền tốt thì việc truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng, có hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Nhưng để tuyên truyền đến hơn 1.000 hội viên thì phải bám sát cơ sở, từng bước đổi mới phương thức thông tin phù hợp với trình độ nhận thức. Mỗi khi có sự kiện chính trị, những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương thì tôi phải thông tin sao cho có tính thuyết phục để hội viên hiểu và làm theo".

Người phụ nữ Mường Lai “soi sáng” phụ nữ dân tộc Tày - Ảnh 3.

Cam ở hợp tác xã của hội viên phụ nữ Mường Lai được trồng chủ yếu trên đất đồi và đất vườn, người dân chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, quả to, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, vị ngọt thanh nên rất được thị trường ưa chuộng.

Bà Sinh chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với hội viên phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mường Lai cùng hội viên đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Trăn trở mình phải làm cái gì đó để giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, mà muốn được như vậy mình phải là người đi trước, làm trước mới vận động được bà con làm theo nên bà Sinh đã bắt tay vào thành lập các hợp tác xã đan lát, trồng cam, làm bánh truyền thống mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên.

"Trồng đủ loại cây sắn, khoai, xoan, ổi, thanh long… chẳng cây nào cho thu nhập ổn định. Loay hoay đủ kiểu mà cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao, vốn vùng đất Lục Yên là đất cam sành nổi tiếng, nhưng nhiều vườn cam đã thoái hóa nên tôi quyết tâm cùng hội viên trồng các giống cam ăn ngọt đậm lại có mùi thơm đặc biệt", bà Sinh nói.

Mỗi năm vườn cam cho hợp tác xã thu nhập vài ba chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Trong vườn có gần 300 gốc cam các loại: 100 gốc 10 tuổi, gần 150 gốc từ 3 - 5 tuổi và 50 gốc cam sành gốc của vùng đất Lục Yên. Hiện nay, toàn xã Mường Lai có 200ha cam, tính ra mỗi năm có trên 2.000 tấn cam được bán ra.

Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Tày thì nghề đan lát thủ công là nét đẹp văn hóa. Những vật dụng như giỏ, làn, dần, sàng... với hoa văn đẹp mắt gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào đều làm từ tre, trúc tại địa phương.

"Đan lát không phải là công việc chính của người dân nơi đây, đa số người dân đều chủ yếu làm ruộng, tận dụng thời gian sau mùa vụ để đan lát tạo ra những vật dụng trong gia đình. Về sau, các sản phẩm này được ưa chuộng, nhiều người tìm mua nên từ đó hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường và gắn bó với đời sống người dân và hợp tác xã cũng xuất hiện từ đó" - bà Chu Thị Sinh cho hay.

Người phụ nữ Mường Lai “soi sáng” phụ nữ dân tộc Tày - Ảnh 4.

Với nghề đan lát, người dân nơi này cần cù, khéo léo "thổi hồn" vào tre, nứa, vầu mà tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Là người được đào tạo chuyên ngành văn hóa - thông tin và luôn có sự quan tâm tìm hiểu về văn hóa dân gian nên bà Sinh luôn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc, phong phú; luôn thấu hiểu văn hóa dân gian là "văn hóa gốc", là cội nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức của văn hóa dân tộc Tày.

Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể như kiến trúc nhà sàn, nghề thêu… đến các yếu tố văn hóa tinh thần độc đáo như các lễ hội, các nghi lễ trong cộng đồng, hệ thống tri thức dân gian, tiếng nói… luôn được người dân trong cộng đồng có ý thức bảo tồn. Xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày, trong quá trình giao lưu văn hóa, người Tày đã sáng tạo ra những tác phẩm kiệt tác như: Khảm hải, các bài khắp, coọi, hát quan làng, phong slư… có giá trị nhân văn sâu sắc.

Có thể thấy từ sự gương mẫu đi đầu và năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Lai, bà Chu Thị Sinh xứng đáng là tấm gương sáng để các hội viên phụ nữ học tập và noi theo. Nhiều năm liên tục, bà được Đảng ủy, UBND, Hội LHPN xã Mường Lai, UBND huyện Lục Yên khen thưởng; xứng đáng là "cánh chim đầu đàn" của phụ nữ Mường Lai.

* Bài có sự biên tập ở title

HỒNG PHÚC (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem