Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng” điều tiết giao thông giờ cao điểm

Thế Hiển Thứ bảy, ngày 04/03/2023 06:12 AM (GMT+7)
Đã 4 năm trôi qua từ lần đầu tham gia công tác điều tiết giao thông, bà Nguyễn Anh Thư (SN 1962, phường Láng Thượng, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) vẫn ngày ngày làm công việc này với mong muốn "vì một thế hệ tham gia giao thông có ý thức".
Bình luận 0

Tự nguyện hỗ trợ điều tiết giao thông

Tiếng còi, tiếng pô xe inh ỏi, tiếng người hò hét giục nhau di chuyển. Đó là những âm thanh tạo nên một khung cảnh đầy xáo trộn của đoạn ngã tư giao giữa đường Đê La Thành và lối vào Bệnh viện Nhi Trung Ương những giờ cao điểm. Các phương tiện cứ thế nối đuôi nhau gây trở ngại cho sự lưu thông tại đoạn đường này.

Cứ mỗi khi tình trạng ùn tắc xảy ra, người dân sống tại khu vực này lại nghe được những tiếng còi liên hồi vang lên. Một lúc sau, các phương tiện lại có thể di chuyển dễ dàng. Đó là nhờ vào người phụ nữ chỉ với chiếc còi, cây gậy để điều khiển các phương tiện di chuyển đúng luồng, giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng” điều tiết giao thông giờ cao điểm - Ảnh 1.

Tình trạng ùn tắc tại đoạn đường trước Bệnh viện Nhi Trung Ương. Ảnh: Thế Hiển

Năm 2018, một vụ cháy nhà khiến đoạn đường ùn tắc, bà Nguyễn Anh Thư đã tự nguyện tham gia công tác điều tiết giao thông nhằm hỗ trợ sự lưu thông của các xe cứu hỏa, xe cấp cứu. Từ đó, bà Thư tiếp tục công việc tình nguyện của mình.

Bà Thư chia sẻ: “Đoạn đường này đặc trưng là gần bệnh viện, nên có rất nhiều khả năng các xe cấp cứu đang chở bệnh nhân cần vào viện gấp, chẳng may gặp tình trạng ùn tắc sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Thế nên, tôi muốn chủ động góp sức của mình để mọi người có thể di chuyển dễ dàng hơn”.

Bà Thư nhớ lại những ngày đầu khi tham gia hoạt động điều tiết giao thông tại khu vực, người đi đường vẫn chưa quen với hình ảnh của bà, có người còn lớn tiếng quát mắng, chỉ trích rằng bà “ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng”. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, bà Thư vẫn đều đặn tiếp tục công việc của mình là giải tỏa cho đoạn đường ùn tắc.

Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng” điều tiết giao thông giờ cao điểm - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Anh Thư tích cực trong hoạt động lưu thông các phương tiện giao thông. Ảnh: Thế Hiển

Vào khung giờ cao điểm, công việc điều tiết giao thông luôn tiềm ẩn những hiểm nguy nhất định. Lo lắng về an toàn của bà Thư, con gái bà từng khuyên ngăn bà dừng lại việc điều tiết. Thế nhưng, hiểu được ý nghĩa công việc này đến với xã hội, đặc biệt trong trường hợp xe ưu tiên cần lưu thông, bà Thư giải thích cặn kẽ cho con và tiếp tục công việc của mình.

Bà Thư tìm được niềm vui từ những đoạn đường thông thoáng, không ùn tắc, thuận tiện cho mọi người đi lại. Cứ như thế, dẫu những ngày trời Hà Nội nắng như đổ lửa, khoác lên mình chiếc áo chống nắng, vẫn chiếc còi và chiếc gậy quen thuộc, bà Thư linh hoạt hướng dẫn xe cộ di chuyển một cách thuận tiện.

Chị Nguyễn Bích Phương - Người dân sống gần khu vực Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết: “Đoạn đường này những giờ cao điểm rất hay ùn tắc, các phương tiện giao thông cứ chen lấn nhau mà đi. Từ khi có sự hỗ trợ điều tiết giao thông của cô Thư tình trạng ùn tắc cũng giảm thiểu đáng kể, xe cộ di chuyển thuận tiện hơn, giải quyết được các vấn đề về an toàn giao thông”.

Để thế hệ trẻ tham gia giao thông có ý thức

Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2022 toàn quốc xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người, 7.804 người bị thương. Bên cạnh đó, cả nước xảy ra 2.865.684 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý; xử phạt 4.124,65 tỷ đồng; tạm giữ 614.520 ô tô, mô tô, xe máy.

Các vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra vì nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức của người dân còn kém khi tham gia giao thông,chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Thường xuyên xảy ra các tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường, lái xe khi đã uống rượu bia,...

“Có nhiều người họ chưa có ý thức trong việc tham gia giao thông, ai cũng vội vàng và mong muốn được đi nhanh. Nhưng họ lại không nhận ra rằng, càng cố gắng vượt lên để đi nhanh, họ lại càng gây cản trở việc di chuyển của người khác. Đáng buồn thay, đa số bộ phận này lại là những người trẻ, khiến tôi thêm phần trăn trở” - bà Thư tâm sự.

Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng” điều tiết giao thông giờ cao điểm - Ảnh 3.

Bà Thư hy vọng những nỗ lực của mình sẽ góp phần làm tăng ý thức tham gia giao thông của người trẻ. Ảnh: Thế Hiển

Đoạn đường này gần các trường Đại học, vì thế, lưu lượng sinh viên đi qua khu vực đây khá nhiều. Tuy nhiên, ý thức của các bạn trẻ khi tham gia giao thông lại chưa chấp hành nghiêm túc, thường xảy ra các tình trạng đi sai làn đường, lạng lách dẫn đến tắc đường.

Chia sẻ với phóng viên về mong muốn của mình đối với người tham gia giao thông, bà Thư cho biết: “Là người tham gia giao thông, yêu cầu tối thiểu là phải có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự và an toàn giao thông. Nếu mỗi người đều nghiêm chỉnh chấp hành, chắc chắn không chỉ việc ùn tắc được giải quyết, mà còn hạn chế được tai nạn”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem