Người tiêu dùng mạnh tay chi trả thêm cho sản phẩm truy xuất được nguồn gốc

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/03/2023 15:44 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia về thị trường tiêu dùng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh”, “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay.
Bình luận 0

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm "sạch"

Sáng nay (9/3), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã công bố kết quả điều tra  về xu hướng tiêu dùng và kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do người tiêu dùng (NTD) bình chọn.

Ông Nguyễn Văn Phượng, đại diện tổ điều tra HVNCLC nhận định, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. NTD không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn quan tâm nhiều đến các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng… 

Người tiêu dùng sẵn sàng “mạnh tay” chi trả tăng thêm cho sản phẩm truy xuất được nguồn gốc - Ảnh 1.

Các chuyên gia về thị trường tiêu dùng nhận định, nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh”, “sạch” đang hút người tiêu dùng dù giá cả có cao hơn bình thường. Ảnh: T.Quỳnh

"Một số NTD còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh),... Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm "xanh" "sạch" và có tính "bền vững" ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay" ông Phượng chia sẻ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, chia sẻ, thói quen tiêu dùng đã thay đổi lớn sau đại dịch. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây chỉ ra rằng phần lớn NTD sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết "xanh", "sạch" được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

"Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm organic, bio organic, thực phẩm không biến đổi gen… vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường... NTD đang ngày càng ý thức hơn sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh", bà Hạnh nhận định.

Đặc biệt, trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, NTD đang dần khắt khe hơn trong sự lựa chọn của mình.

Người tiêu dùng sẵn sàng “mạnh tay” chi trả tăng thêm cho sản phẩm truy xuất được nguồn gốc - Ảnh 2.

Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn các sản phẩm thực phẩm. Ảnh: Q.Hải

"Sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của NTD ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn của NTD. Thực phẩm sạch, an toàn và được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình hướng đến", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC chia sẻ.

Thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu

Kết quả cuộc khảo sát của Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên/ cửa hàng tạp phẩm/ đại lý trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán.

Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch "cơ học" khách hàng từ chợ truyền thống, các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại (gia tăng độ phủ) ở các đô thị. Kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực đối với người tiêu dùng mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

"Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hằng ngày khiến NTD không khỏi hoang mang, lo lắng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy NTD hiện nay vẫn rất lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó 43% số người được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, hay sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất", bà Vũ Kim Hạnh nói.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh kết hợp phương thức truyền thống và hiện đại, mong muốn cá nhân hóa trải nghiệm tại các địa điểm mua sắm.

"Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số, theo đó, họ tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng", ông Phượng nhận định.

Đáng lưu ý, xu hướng mua online không còn "bùng nổ mang tính độc tôn" như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng vẫn phổ biến, đặc biệt với người tiêu dùng trẻ.

Về dự báo cho năm 2023, ông Phượng cho hay, sức mua sắm 2023 gia tăng không đáng kể, người tiêu dùng tập trung mua sản phẩm thiết yếu, hạn chế xa xỉ phẩm… Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho rằng, để cạnh tranh, doanh nghiệp và các nhà sản xuất, các nhà phân phối cần cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao dịch vụ phục vụ  người tiêu dùng. Như, bao bì giấy của sản phẩm bánh kẹo đang dần được chuyển sang hộp thiếc, lọ thủy tinh.

"Các doanh nghiệp HVNCLC đang đầu tư khá mạnh phát triển kinh tế xanh, giảm rác thải ra môi trường", ông Phượng nói thêm.

Về xu hướng lựa chọn sản phẩm của NTD, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho hay, ghi nhận đánh giá từ hệ thống phân phối cho thấy đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt HVNCLC được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%) hay giá bán cạnh tranh (39%). Đặc biệt, có trên 50% đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua.

Đây là tín hiệu đáng mừng, sự ghi nhận của các điểm bán lẻ là động lực để cộng đồng doanh nghiệp HVNCLC nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và mong đợi của NTD.

Người tiêu dùng sẵn sàng “mạnh tay” chi trả tăng thêm cho sản phẩm truy xuất được nguồn gốc - Ảnh 4.

Theo dự báo của Hội DN HVNCLC, sức mua sắm 2023 gia tăng không đáng kể, người tiêu dùng tập trung mua sản phẩm thiết yếu, hạn chế xa xỉ phẩm. Ảnh: Q.Hải

Tuy nhiên, theo bà Kim Hạnh, kết quả bình chọn được 519 doanh nghiệp HVNCLC năm nay là quá ít so với những năm trước. Năm nay, số doanh nghiệp đã chuyển đổi lên tới 40 - 50%, có nhiều công ty còn tên nhưng đã chuyển chủ.

Chính vì vậy, Hội Doanh nghiệp HVNCLC thấy rằng cần phải trang bị kỹ năng tiếp thị, bán hàng mới cho doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Thậm chí, trong tình hình chuyển biến hiện tại, Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng sẽ mời đơn vị của Ngân hàng Thế giới tư vấn cho doanh nghiệp quản trị bằng ChatGPT...

Sau hơn một tháng tiếp nhận, đánh giá: ý kiến từ 99 sở ngành thuộc 36 tỉnh thành phản hồi thông tin về doanh nghiệp, giải trình từ doanh nghiệp, thông tin từ giới truyền thông và NTD… Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã chọn ra 519 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do người tiêu dùng bình chọn.

Đáng chú ý, trong số này có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC 27 năm liên tiếp - cũng là 27 năm chương trình HVNCLC được tổ chức; 41 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn. Cùng với đó có 132 doanh nghiệp HVNCLC - Chuẩn hội nhập đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn.

Lễ công bố HVNCLC 2023 do NTD bình chọn, có chủ đề: 27 năm HVNCLC – Hành trình đến nền kinh tế xanh, sẽ diễn ra chiều tối ngày 14/3/2023, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem