Nguy cơ dịch chồng dịch, vì sao chưa có vaccine sốt xuất huyết?

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 28/05/2022 14:19 PM (GMT+7)
Sốt xuất huyết vẫn căng thẳng tại TP.HCM với 7 ca tử vong và gần 10.000 ca bệnh. Sau đại dịch Covid-19, người dân đang đối mặt với những bệnh truyền nhiễm quen thuộc nhưng nguy hiểm.
Bình luận 0
Nguy cơ dịch chồng dịch, vì sao chưa có vaccine sốt xuất huyết? - Ảnh 1.

Trẻ mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: B.D

Bệnh chồng bệnh

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến ngày 20/5, TP ghi nhận 8.481 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ. 

Tuần từ 13 đến 19/5, TP có thêm 943 ca bệnh, tăng gấp rưỡi so với tuần trước đó và 1 ca tử vong. Như vậy, TP.HCM ghi nhận 7 người tử vong vì sốt xuất huyết đến lúc này. Bệnh tay chân miệng cũng trên đà tăng mạnh.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, với 95% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. 

Riêng chỉ trong tuần từ ngày 29/4 đến 5/5, TP ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần, so với trung bình tháng trước. Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động, ở hầu hết các quận huyện.

Sau hơn 1 năm quay cuồng vì Covid-19, các bệnh truyền nhiễm thông thường đã trở lại khiến không ít phụ huynh rơi vào thế bị động. 

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã cứu sống nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Tuy nhiên đã có 3 trẻ tử vong, do phát hiện và nhập viện muộn.

Còn Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày khám ngoại trú cho từ 100-150 ca sốt xuất huyết, trong đó có từ 10-15 bệnh nhi được chỉ định nhập viện. Số bệnh nhân nặng từ 15-20 em, trong đó phần lớn là trẻ dư cân béo phí nặng, trẻ nhũ nhi.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, hiện có 3 loại bệnh cùng lưu hành và dễ nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19. Trong đó, có trường hợp xảy ra đồng nhiễm ở trẻ, vừa mắc tay chân miệng vừa mắc Covid-19, vừa mắc sốt xuất huyết vừa Covid-19, vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết.

Bác sĩ Tiến cho hay, riêng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh viện luôn lưu ý các bác sĩ dặn dò kỹ phụ huynh, cần đưa bệnh nhi đến khám kịp thời, không để tình trạng nặng dẫn đến sốc sâu, khó cứu chữa. 

"Vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh là ngày cao điểm dễ vào sốc, khi có những dấu hiệu cảnh báo nặng như bé bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen thì phải nhanh chóng vào bệnh viện. Đặc biệt kể cả trong đêm giữa khuya cháu trở nặng cũng phải đi tới bệnh viện ngay", BS Tiến lưu ý.

Thế giới đã có vaccine phòng sốt xuất huyết

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều quốc gia trên thế giới và FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã cho phép sử dụng 1 loại vaccine phòng sốt xuất huyết với trẻ từ 9 tuổi trở lên. Điều kiện quan trọng là người tiêm vaccine phải từng mắc sốt xuất huyết trước đó.

Nguy cơ dịch chồng dịch, vì sao chưa có vaccine sốt xuất huyết? - Ảnh 3.

Số ca mắc sốt xuất huyết và chuyển nặng đang gia tăng rất nhanh. Ảnh: B.D

Ông lý giải, người ta nhận thấy, khi tiêm loại vaccine này cho trẻ chưa từng bị sốt xuất huyết có thể giống như một lần mắc bệnh. Nếu sau đó, đứa trẻ thực sự nhiễm sốt xuất huyết Dengue sẽ tương tự như bị tái nhiễm, diễn tiến nặng và nguy hiểm hơn. Do đó, chỉ định đối tượng cho vaccine này vô cùng chặt chẽ.

Vaccine được nhắc đến là Dengvaxia do công ty Sanofi Pasteur nghiên cứu và sản xuất. Đây là vaccine đầu tiên trên thế giới được sử dụng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue cho cả 4 type huyết thanh, được FDA thông qua ngày 1/5/2019. Trước đó, hàng chục quốc gia đã cấp phép lưu hành cho vaccine này.

Theo thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM, vaccine này đã thực hiện qua 2 nghiên cứu giai đoạn 3 (CYD14 ở 5 nước Châu Á trong đó có Việt Nam và CYD15 ở 5 nước Châu Mỹ La tinh) với 35.000 người từ 2 – 16 tuổi đã tham gia. Dựa trên kết quả nghiên cứu pha 3 CYD14, trẻ dưới 9 tuổi đã không được chỉ định sử dụng vaccine.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM được giao thực hiện nghiên cứu trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang (1.402 trẻ) và TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (934 trẻ). Nghiên cứ kết thúc vào tháng 11/2017.

Kết quả phân tích tổng hợp của 2 nghiên cứu ở Đông Nam Á và châu Mỹ cho thấy, vaccine Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở cá thể 9 đến 16 tuổi có xác định nhiễm sốt xuất huyết trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem