"Phần mềm" không khiếm khuyết (bài 2): "Gieo" niềm tin cho người khuyết tật

Hoan Nguyễn Chủ nhật, ngày 31/07/2022 06:06 AM (GMT+7)
Không chỉ mở công ty thiết bị máy tính, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, anh Nguyễn Quốc Toàn (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) còn gieo niềm tin “tàn nhưng không phế” cho những người có chung cảnh ngộ...
Bình luận 0

Tạo kế sinh nhai cho người khuyết tật

Dù liệt toàn thân, chỉ có 2 ngón tay có thể cử động, nhưng anh Nguyễn Quốc Toàn (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã vượt qua rào cản khiếm khuyết, trở thành Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NQT. Anh là tấm gương người khuyết tật tiêu biểu.

"Phần mềm" không khiếm khuyết (bài 2): "Gieo" niềm tin cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Từ khi thành lập đến nay, công ty của anh Nguyễn Quốc Toàn đã đào tạo, học nghề cho nhiều học viên. Ảnh: Hoan Nguyễn

Là một người kém may mắn bị khiếm khuyết cơ thể và có điều kiện tiếp xúc với người khuyết tật nên anh Toàn hiểu rõ họ. Dù đã được cộng đồng xã hội quan tâm, hỗ trợ, nhưng cuộc sống của người khuyết tật vẫn rất khó khăn. Điều họ cần nhất không chỉ là hỗ trợ mà còn cần được tạo sinh kế, việc làm.

"Từ lâu, người khuyết tật đã được tạo điều kiện tham gia giáo dục hòa nhập, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, tham gia các hoạt động gặp mặt, giao lưu, giải trí, tiếp cận vốn vay ưu đãi… Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn trong hỗ trợ đối với người khuyết tật.

Ví dụ như việc thực hiện các quy chuẩn về xây dựng, giao thông công cộng chưa có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh về hành lang, lối đi dành riêng cho người khuyết tật. Hoặc việc tuyển dụng người khuyết tật vào các đơn vị, cơ quan hành chính còn khó khăn, với doanh nghiệp càng khó hơn" - Anh Toàn tâm sự.

"Phần mềm" không khiếm khuyết (bài 2): "Gieo" niềm tin cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Quốc Toàn cùng những người bạn đối tác luôn gắn bó, đồng hành cùng nhau. Ảnh: NVCC

Theo anh Toàn, để người khuyết tật có thể hòa nhập cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, trước hết phải đối xử với họ như người bình thường.

Thay vì luôn gán cho họ cái vỏ bọc yếu đuối, đáng thương, hãy hỗ trợ, tạo cơ hội để người khuyết tật có thể tự sinh hoạt, phát triển hết tiềm năng của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào. Đây mới thực sự là cách giải quyết tận gốc vấn đề.

"Hiện Công ty TNHH Thương mại NQT vận hành có thâm niên, có nguồn khách hàng ổn định, tôi dự kiến sẽ mở rộng hoạt động, tiếp nhận thêm nhiều nhân viên có đam mê kinh doanh lĩnh vực máy tính, thiết bị camera. Đặc biệt, công ty luôn chào đón những người khuyết tật để đào tạo, tạo việc làm, hình thành hệ sinh thái và môi trường cho các bạn khuyết tật vừa sản xuất, vừa giao lưu" - Anh Toàn chia sẻ.

Cũng theo anh Toàn, kể từ khi thành lập đến nay, công ty của anh đã có 4 thế hệ đào tạo, học nghề. Nhiều nhân viên tập sự của anh Toàn từ nghèo khó nay đã mở được những điểm kinh doanh độc lập trong lĩnh vực thiết bị văn phòng, camera. Thậm chí, có người mở công ty máy tính với mạng lưới phân phối sản phẩm khắp cả nước.

"Phần mềm" không khiếm khuyết (bài 2): "Gieo" niềm tin cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Quốc Toàn hướng dẫn nhân viên nắm bắt về mặt hàng sản phẩm, thiết bị kinh doanh của công ty. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Gieo" niềm tin cho những người khuyết tật khác

Anh Lê Quốc Khánh (SN 1995, trú tại xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) là một trong những "học trò" của Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NQT.

Anh Khánh chia sẻ: "Đôi chân tôi bị tật, không thể đi đứng, làm việc bình thường. Sức khỏe tôi lại đau ốm mỗi khi trái gió trở trời. Nhìn đám bạn cùng trang lứa, mỗi đứa mỗi nghề mưu sinh, làm giàu, lấy vợ, gả chồng hạnh phúc, tôi càng thêm buồn, có lúc bị stress.

Tình cờ, 10 năm về trước, tôi gặp anh Toàn và anh Toàn chính là người thầy dạy nghề cho tôi, tạo bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Nhờ anh Toàn mà tôi có động lực để học nghề, có việc để làm. Từ năm 2018, tôi được giao quyền quản lý phụ trách mảng khách hàng của công ty".

Anh Khánh kể, anh Toàn tạo cơ hội cho anh đi khắp nơi, lúc đi nhận hàng, lúc đi giao hàng, lúc thì đi tỉnh học hỏi, giao lưu các đối tác, bạn hàng, lúc đi du lịch, thậm chí có lúc cùng vào bếp nấu ăn… Và bất kể ở đâu, anh Toàn vừa truyền nghề, vừa truyền tinh thần giúp anh tự tin, thay đổi bản thân tích cực hơn.

"Tưởng chừng đôi chân cong queo sẽ chẳng làm được gì, nhưng từ khi gặp thầy Toàn, tôi không còn cảm giác tự ti, mặc cảm bản thân nữa. Tôi cười nhiều hơn, tinh thần lạc quan, luôn hướng làm sao sống thật vui, thật có ích, sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng những người có cùng hoàn cảnh, những lớp thế hệ mới của công ty để góp sức tiếp lửa, truyền cảm hứng "tàn nhưng không phế" - Anh Khánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem