Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh hàng quán tự do phấn khích: “Sống rồi!”

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 01/10/2021 19:28 PM (GMT+7)
Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hàng quán kinh doanh tự do bày tỏ cảm xúc vui mừng khôn xiết khi hay tin được mở cửa kinh doanh, buôn bán trở lại.
Bình luận 0

Ngày 30/9, TP.HCM đã ban hành chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội từ 1/10. Chỉ thị này được đưa ra sau khi thành phố hơn 10 triệu dân trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau.

Trong số đó có những người là chủ của doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh, buôn bán hàng quán tự do tại nhà,...hay tin được "nới lõng" giãn cách, bày tỏ vui mừng tột độ.

Doanh nghiệp phấn khích: "Sống rồi!"

Biết được thông tin TP.HCM sẽ "nới lõng" vào 0h ngày 1/10, anh Cao Hữu Tuấn (chủ doanh nghiệp chuyên làm cửa cuốn tại địa chỉ 292 đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, trong nhiều tháng qua, áp lực về cơm áo, gạo tiền luôn đè nặng lên đôi vai của mình. 

Nhiều chủ doanh ngiệp tư nhân, kinh doanh hàng quán tự do phấn khích: “Sống rồi”  - Ảnh 1.

Anh Cao Hữu Tuấn, chủ doanh nghiệp chuyên làm cửa cuốn tại quận Tân Phú, TP.HCM. Gia đình anh từng có đến 8 thành viên phơi nhiễm Covid-19 hiện đã bình phục trở lại. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Hiện công ty có rất nhiều anh em nhân viên lâu năm bị kẹt lại, họ đã cùng tôi gắn bó từ Nam ra Bắc. Việc bỏ lại họ phía sau là điều tôi không thể làm được. Biết tin được đi làm trở lại đối với tôi đó là sự hồi sinh, sự sống còn cho công ty cũng như các nhân viên của tôi", anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, anh có 18 năm trong nghề làm cửa cuốn ở Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên anh có nằm mơ cũng không nghĩ đến, khi anh phải ở yên trong nhà hơn 4 tháng trời. Mặc dù không kiếm được tiền, vợ chồng anh vẫn phải gánh vác các chi phí từ tiền ăn cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng đến tiền lãi ngân hàng mỗi tháng.

Khó khăn càng chồng chất khi giai đoạn đỉnh của dịch Covid-19, cả nhà anh có tổng cộng 8 người dương tính với SARS-Cov-2.

Anh Tuấn kể, hôm 15/8 khi phát hiện cả gia đình 8 người (trong đó có nhân viên) mắc Covid-19, anh đã rất hoảng hốt. Trong số 8 người nhà anh bị phơi nhiễm, rất may hai bé con anh Tuấn bị nhẹ nhất.

"Hai đứa trẻ, chúng nó chỉ sốt một đến hai hôm thì khỏe hẳn. Riêng tôi cùng một số anh em nhân viên bị nặng nhất nhà. Có hôm khoảng 11h khuya tự dưng cơn khó thở ập đến bất ngờ, tôi đã rất sợ hãi, nghĩ quẫn nếu tôi không qua khỏi thì con cái ai nuôi đây", anh Tuấn xúc động.

Nhiều chủ doanh ngiệp tư nhân, kinh doanh hàng quán tự do phấn khích: “Sống rồi”  - Ảnh 2.

Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, công việc của công ty anh Tuấn rất nhiều. Ngày đầu mới mở cửa trở lại anh Tuấn cho hay chủ yếu chỉ dọn dẹp lại vệ sinh dụng cụ, đồ nghề là chủ yếu. Ảnh: Chinh Hoàng.

Khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát mạnh ở Sài Gòn, anh Tuấn đã tổ chức họp nhân viên rồi bàn đến phương án tạm nghỉ một thời gian.

Anh Tuấn không ngờ rằng, tình hình dịch Covid-19 lại có diễn biến quá phức tạp. Hơn 4 tháng liền công ty anh phải đóng cửa. "Rất nhiều mối lái là khách hàng quen, thân thiết, nhà họ cửa cuốn không bấm lên được, họ gọi tôi miết nhưng đành chịu thôi", anh Tuấn cười.

Khi hay tin thành phố sắp mở cửa trở lại, đồng thời tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tư nhân được đi làm, hạn chế giấy đi đường… anh Tuấn đã rất phấn khởi. 

Anh nói: "Số tiền tôi dành dụm dự tính mở rộng thêm công ty nay đã tiêu sạch vào những tháng dịch bệnh vừa qua. Những chỗ khác tôi thấy bạn bè khoe đã nhận được gói hỗ trợ an sinh đến lần thứ 3 nhưng chỗ của tôi chưa nhận được lần nào...".

Chị Võ Thị Thu Hà vợ của anh Tuấn cho hay, điều đáng sợ nhất đối là những nổi ám ảnh trong những tháng ngày cả gia đình chị cùng nhân viên bị phơi nhiễm Covid-19. Theo chị Hà, trong khoảng thời gian đó chị cùng chồng đã khủng hoảng tinh thần. 

Chị kể, bình thường vợ chồng mình kinh doanh trang trải cuộc sống, cho con ăn học cũng đầy đủ nhưng từ lúc có dịch thì mình phải lo thêm nhiều thứ. Đầu tiên đó là nhân viên không thể về quê do dịch, vợ chồng chị không bỏ họ được nên phải cố gắng lo cho anh em từ bữa cơm đến giấc ngủ, không để ai thiếu thốn.

"Điều đáng mừng và tôi thấy may mắn nhất là trong tầm khoảng 10 ngày nay mọi người ai nấy đều khỏe hẳn", chị Hà bộc bạch.

Nhiều chủ doanh ngiệp tư nhân, kinh doanh hàng quán tự do phấn khích: “Sống rồi”  - Ảnh 4.

Thâm niên trong nghề bán bún bò Huế 11 năm, chị Cao Thị Trang cho biết, nhờ nồi bún này mới nuôi nổi 3 đứa con ăn học. Ảnh: Chinh Hoàng.

Người buôn bán nhỏ vừa mừng, vừa lo

Tại quận Tân Phú, TP.HCM, chủ của các hàng quán tự do cho biết, khi thành phố mở cửa, được kinh doanh trở lại, cảm giác của họ vừa mừng, vừa lo lắng.

Chị Cao Thị Trang, chủ cửa tiệm bún bò Huế (quận Tân Phú) cho hay, tính đến nay tiệm bún bò đã hoạt động tròn 11 năm. Theo chị, đây là đợt nghỉ bán vì dịch "lịch sử" nhất trong cuộc đời của mình.

"Mấy tháng nay ngồi không, cứ suy nghĩ đến cơm áo gạo tiền miết, nhiều đêm thức trắng vì không ngủ được", chị Trang tâm sự.

Chị Trang vào Sài Gòn từ năm 1998, theo chị đây lần đầu tiên chị bị áp lực và buồn nhiều như vậy.

Nhiều chủ doanh ngiệp tư nhân, kinh doanh hàng quán tự do phấn khích: “Sống rồi”  - Ảnh 5.

Soạn sữa lại chén bát, chuẩn bị cho ngày mai đón khách trở lại chị Trang vừa mừng vừa lo. Ảnh: Chinh Hoàng.

Chị nói, chắc phải mất vài năm nữa Sài Gòn mới trở lại như xưa. Giờ nguồn khách mình nhiều nhưng chỉ sợ khi chị bán khách sẽ đông mấy ngày đầu, về sau lượng khách sẽ giảm vì cuộc sống ai cũng khó khăn.

"Nhờ vào nồi bún bò này tôi nuôi được 3 đứa con đó chú ạ. Khách họ quý mến tôi, trong suốt mùa dịch Covid-19 có những khách ăn quen, họ không chịu nổi cứ gọi điện thoại giục tôi bán online hoài à", chị Trang cười.

Nhiều chủ doanh ngiệp tư nhân, kinh doanh hàng quán tự do phấn khích: “Sống rồi”  - Ảnh 6.

Theo chị Trang, nhiều năm trong nghề nhưng đây là lần đầu chị phải nghỉ bán nhiều ngày như vậy. Ảnh: Chinh Hoàng.

Hay tin hàng quán được bán trở lại chị Trang vừa mừng vừa lo. Mừng vì được kiếm tiền nuôi con cái. Lo vì sau đợt này kinh tế người dân kém đi, lượng khách sụt giảm hơn trước.

"Đợt này tôi dự tính sẽ bán ít lại. Đợi khi Sài Gòn ổn định hơn tôi sẽ tính tiếp", chị Trang nói.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận phương án vận chuyển người lao động từ các tỉnh thành đến làm việc tại TP trong tình hình mới, giao Sở GTVT TP.HCM làm cơ quan đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án tổ chức vận chuyển người lao động đến TP.HCM.

Đồng thời, báo cáo Bộ GTVT để xem xét triển khai phương thức vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Để trở lại TP, người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện sau: Đã được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế; có xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hiệu lực theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem