Đề xuất giải cứu xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thoát cảnh đìu hiu

Hồng Trâm Thứ tư, ngày 21/09/2022 17:48 PM (GMT+7)
Xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất có giá cước rẻ từ 7.000 đồng/lượt đến 15.000 đồng/lượt vào trung tâm thành phố, nhưng vẫn chưa thực sự thu hút hành khách.
Bình luận 0

Khách chưa mặn mà với xe buýt tại Tân Sơn Nhất

Sân bay Tân Sơn mỗi ngày đón gần 100.000 lượt khách đến và đi. Trong một số dịp cao điểm, số lượng khách tăng cao lên đến 120.000 lượt/ngày. Chính vì điều này đã khiến xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng... phục vụ không đáp ứng đủ gây nên tình trạng ùn ứ.

Trước tình hình trên, cơ quan quản lý đã nhiều lần họp bàn để tìm hướng xử lý. Trong đó, việc đưa thêm các tuyến xe buýt kết nối với sân bay được xem là giải pháp cần thiết.

Nhiều đề xuất giải cứu xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thoát cảnh đìu hiu - Ảnh 1.

Xe buýt 109 hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: H.T

Được biết, hiện nay có 3 tuyến xe buýt hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm: tuyến 109 lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe buýt Sài Gòn (quận 1), tuyến 152 sân bay Tân Sơn Nhất - khu dân cư Trung Sơn và tuyến 72-1 lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu.

Trong đó giá vé của các tuyến xe buýt lần lượt như sau: Tuyến xe buýt 152 có giá vé là 5.000 đồng/lượt, học sinh - sinh viên là 3.000 đồng/lượt. Tuyến xe buýt 72-1 có giá vé toàn tuyến là 160.000 đồng/lượt, 1/2 lộ trình là 80.000 đồng/lượt. Tuyến xe buýt 109 giá vé là từ 8.000 đến 15.000 đồng/lượt.

Để tạo điều kiện cho xe buýt, sân bay Tân Sơn Nhất đã sắp xếp, bố trí lại vị trí thuận lợi để ba tuyến buýt dễ đón khách tại nhà ga quốc nội. Hoạt động này kỳ vọng sẽ giảm tình trạng ùn tắc, khó bắt xe tại sân bay lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV Dân Việt, những ngày qua, lượng khách trên các tuyến buýt còn hạn chế, thậm chí một số chuyến xe chỉ có vài ba khách, dù giá chỉ 5.000 đồng/vé đối với tuyến nội thành TP.HCM.

Nhiều đề xuất giải cứu xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thoát cảnh đìu hiu - Ảnh 2.

Điểm đón xe buýt được đánh giá là khá xa, chung với các phương tiện khác. Ảnh: H.T

Theo đó, nhiều khách cho biết họ không chọn xe buýt dù giá rẻ là vì điểm đón quá xa, thời gian chờ khách ngắn (chỉ 3 phút), ít chuyến nên thời điểm chuyến bay hạ cánh, khách ra đón không thấy xe buýt, đành lựa chọn phương tiện khác.

Anh Nguyễn Văn Thanh (36 tuổi, quận 1) cho biết, anh thường xuyến đến/đi sân bay Tân Sơn Nhất để đi công tác. Mỗi lần đi lại ở sân bay, anh Thanh đều ngán ngẩm với cảnh phải mòn mỏi đợi xe taxi. Đặc biệt là trong các dịp cao điểm lễ, Tết… việc đón taxi nhọc nhằn gấp nhiều phần nên anh phải chấp nhận đi xe ngoài với giá cao.

"Khi nghe tin sân bay sẽ có tuyến xe buýt kết nối sân bay vào trung tâm thành phố, tôi thấy vui vì có thêm sự lựa chọn tiết kiệm chi phí và không phải chờ đợi vất vả. Trong chuyến công tác vừa qua, tôi xuống sân bay đón xe buýt và cố gắng chờ đợi. Tuy nhiên, chờ lâu mà không thấy xe, cộng với thời tiết nắng nóng oi bức ở sân bay nên tôi bắt taxi về luôn".

Cần có chính sách đồng bộ để xe buýt tại Tân Sơn Nhất hút khách

Thực tế, xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa thu hút hành khách đi lại dù phương tiện đều được đầu tư mới, chất lượng tốt, giá vé rất rẻ so với loại hình taxi, xe công nghệ.

Ông Đào Viết Ánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - Futa Bus Lines, đơn vị vận hành tuyến buýt 109 cho biết sau hơn 1 tuần đi vào hoạt động, lượng hành khách đi xe buýt chưa được như kỳ vọng, nhiều chuyến chỉ có 2-3 khách. Nguyên nhân là xe buýt hiện nay đang đón khách chung làn với xe cá nhân, rất khó di chuyển. 

Bên cạnh đó, xe buýt chỉ có 3 phút dừng đón khách là quá ít, không đủ để đón khách lên xe. Nhiều trường hợp xe vừa rời đi thì có nhiều chuyến bay hạ cánh. Hành khách lại phải chờ đợi hoặc lựa chọn đi taxi. "Tôi đề xuất tăng thời gian chờ đón khách của xe buýt tại sân bay. Khi tuyến buýt 109 hoạt động, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tăng tần suất chuyến lên 10 phút, thậm chí 5 phút để phục vụ tốt hơn thay vì 20 phút mới có một chuyến như hiện tại", ông Ánh nói.

Ngoài ra, đại diện công ty Phương Trang cho biết hiện tại vị trí đón xe buýt khá xa so với nhà ga, khách xuống máy bay với đồ đạc lỉnh khỉnh sẽ ngại di chuyển ra làn B đón xe buýt. Trong khi đó, làn A lại đang ưu tiên cho xe cá nhân trả khách đi.

"Các ban ngành đang tính toán giải toả tình trạng quá tải của sân bay -  tức là giải toả chiều về. Trong khi đó lại không được ưu tiên cho các phương tiện đón khách mà đẩy vào làn B,C,D để khách có nhu cầu lại khó tiếp cận. Tại sao làn A không ưu tiên khách chiều về để xe công nghệ, taxi, tiếp cận khách nhanh hơn, từ đó giải toả được tình trạng ùn tắc cho sân bay", vị đại diện cho hay.

Nhiều đề xuất giải cứu xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thoát cảnh đìu hiu - Ảnh 3.

Khách chưa mặn mà với xe buýt tại Tân Sơn Nhất dù giá vé rẻ. Ảnh: H.T

Trước vấn đề thời gian chờ của xe buýt, ông Nguyễn Nam Tiến - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sẽ tính toán lại thời gian xe buýt dừng đón khách hợp lý hơn. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng buýt dừng tại các trạm đều có thời gian hạn định chứ không thể dừng lâu. Trong khi đó, khách đi máy bay hành lý cồng kềnh hơn nên sẽ mất thời gian di chuyển, vận chuyển hành lý lên xe.

Theo đó, sẽ tính toán luồng khách trên các chuyến bay đến phù hợp với lộ trình đón khách của các tuyến buýt. Ngược lại, nếu buýt dừng quá lâu cũng gây tình trạng ùn tắc do các phương tiện vào sân bay đón trả khách đang giới hạn 3 phút.

Tuy nhiên, các tuyến buýt đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện chủ yếu lưu thông trong nội đô chứ không có quãng đường xa, ngoại trừ tuyến đi Bà Rịa - Vũng Tàu nên khách thường bắt taxi, xe ứng dụng công nghệ hoặc phương tiện cá nhân.

Thứ hai, phương tiện đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu xe buýt tầm trung nên khá hạn chế số khách trên mỗi chuyến. Thứ ba, xe buýt chủ yếu là tận dụng không phải loại chuyên dụng đón khách đi máy bay. Do khách đi máy bay thường mang theo nhiều hành lý cồng kềnh, đòi hỏi bậc thềm bước lên phải thấp để dễ nhấc lên. Chưa kể xe nhỏ nếu mang 2-3 vali sẽ chiếm nhiều diện tích, nếu khách ngồi sẽ chiếm diện tích lớn hơn. Thông thường xe phục vụ khách tại sân bay chủ yếu là bố trí ít ghế ngồi, hành lý bỏ ngay ngay chân mới hạn chế chiếm diện tích.

Ngoài ra, do mang hành lý cồng kềnh nên khách thường có tâm lý bắt xe đi riêng để về tận nhà thay vì đi xe buýt rồi tiếp tục bắt xe khác để về nhà mất thêm nhiều thời gian.

Nhiều đề xuất giải cứu xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thoát cảnh đìu hiu - Ảnh 4.

Cần có những chính sách đồng bộ để hoạt động xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thực sự thu hút khách. Ảnh: H.T

Theo các chuyên gia, việc thay đổi thời gian xe buýt dừng chờ khách hoặc tăng tần suất hoạt động nhiều hơn là những việc có thể điều chỉnh trong những ngày tới để hành khách tiếp cận với xe buýt dễ hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, về lâu dài cần có những chính sách đồng bộ để hoạt động xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thực sự thu hút khách. Bởi với hạ tầng hiện nay, khi lượng khách tăng lên, không thể đáp ứng đủ cho xe cá nhân, taxi, xe công nghệ hoạt động.

PGS. TS. Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng, trước mắt cần có các trạm trung chuyển địa phương cho hành khách đi lại ra vào sân bay. Cụ thể, ở một số điểm đầu mối tại các quận quanh sân bay trong vòng bán kính 2 - 3km cần có các trạm trung chuyển và có các xe buýt trung chuyển hành khách.

Trạm này sẽ có chức năng đón khách đi sân bay bằng những loại xe buýt trung chuyển để đưa hành khách đến sân bay hoặc từ sân bay về nhà. Điều này sẽ giúp taxi, xe công nghệ hạn chế vào sân bay, giảm ùn tắc, lộn xộn, bát nháo ở cửa ngõ sân bay như hiện nay.

Theo ông Mai, cần nghiên cứu cho các hướng từ phía Thủ Đức, Bình Thạnh... về sân bay cần đặt trên khu vực gần trục đường Hoàng Văn Thụ. Hướng từ quận 2, Nhà Bè, quận 7, 1, 3, Phú Nhuận và một phần Tân Bình nên đặt trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi và Lê Văn Sỹ.

Phía các quận Bình Chánh, Bình Tân, 11... nên đặt trên trục Hoàng Văn Thụ. Phía Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú... đặt trên trục Trường Chinh hoặc Cộng Hòa... Để xác định đúng, cần có một khảo sát tỉ mỉ về lưu lượng, dòng xe để xác định vị trí.

"Trong bán kính từ sân bay đến các trạm trung chuyển đó, cần nghiên cứu có các tuyến đường dành riêng - ưu tiên cho xe buýt sân bay. Có như vậy, hành khách mới ưu tiên lựa chọn xe buýt đi vào sân bay", ông Mai góp ý.

Theo ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, để giải quyết các bất cập vấn đề xe buýt trong sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố nên triển khai sớm phương án sử dụng khu đất hơn 3.500m2 ở góc đường Bạch Đằng làm bãi đệm xe buýt, taxi. Có bãi đệm để hoạt động, các tuyến xe buýt sẽ được bổ sung giúp hành khách có nhiều lựa chọn về lộ trình và chủ động sử dụng phương tiện công cộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem