Nhiều doanh nghiệp địa ốc "ngậm bồ hòn" vì làm nhà ở xã hội

Quốc Hải Thứ ba, ngày 29/03/2022 12:59 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Nhưng do vướng mắc chủ yếu trong khâu thực thi pháp luật nên một số dự án bị ách tắc chưa thể triển khai thực hiện được…
Bình luận 0
Nhiều doanh nghiệp địa ốc "ngậm bồ hòn" vì làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Có tới 64 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 57 doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc. Ảnh: Quốc Hải

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi UBND TP.HCM xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý hoặc về thủ tục đầu tư xây dựng của 64 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội của 57 doanh nghiệp.

Trong số các DN này, theo HoREA, có nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Công ty Vạn Thái, Saigonres…

Tuy nhiên, do vướng mắc chủ yếu trong khâu thực thi pháp luật nên một số dự án bị ách tắc chưa thể triển khai thực hiện được.

"Đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương xem xét tháo gỡ các vướng mắc để đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh.

Cũng theo dữ liệu từ HoREA, từ năm 2021 đến nay, Thường trực UBND TP.HCM đã họp "Tổ đầu tư" hàng tuần cùng với Lãnh đạo các  sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức để xem xét, giải quyết các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp.

Trong quá trình này, TP đã tháo gỡ "vướng mắc" cho nhiều dự án nhà ở thương mại, điển hình như dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát; dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy, phường Phú Thuận, quận 7 của Công ty Khải Thịnh; dự án Khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức của Công ty Sơn Kim Land…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn có tới 64 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 57 doanh nghiệp  vẫn đang gặp vướng mắc, nhiều dự án nhà ở thương mại chưa được công nhận chủ đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc "ngậm bồ hòn" vì làm nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Dự án nhà tái định cư bỏ hoang ở Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Ảnh: Quốc Hải

Vì vậy, HoREA đề nghị TP sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, được nộp tiền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

"Đề nghị UBND TP phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra để các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.

Đồng thời, khâu mấu chốt là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính "tiền sử dụng đất" dự án; xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh bổ sung của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án với Nhà nước (nếu có) đảm bảo nguyên tắc không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, tạo điều kiện ổn định an cư cho người mua nhà…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem