Nhìn lại hơn 1 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (bài 1): Đã được như kỳ vọng?

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 01/01/2023 19:00 PM (GMT+7)
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định số 33 của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả ban đầu, trong đó nổi bật là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quyền làm chủ của người dân được bảo đảm và phát huy.
Bình luận 0
Nhìn lại hơn 1 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (bài 1): Đã được như kỳ vọng? - Ảnh 1.

Giải quyết thủ tục hành chính tại TP.Thủ Đức. Ảnh: P.V

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm), đây là cơ hội lớn để thành phố phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 131, TP.HCM đã đạt được một số kết quả tích cực như: công tác quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết từng bước đi vào chiều sâu; việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt.

Thực hiện Nghị quyết 131 với nhiều nội dung quan trọng,  TP.HCM đã thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, các nhiệm vụ tổ chức chính quyền đô thị đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ các yêu cầu đặt ra cũng như việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa 2 giai đoạn.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, khi tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, bộ máy chính quyền được tinh gọn, khắc phục được sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, rút ngắn đáng kể thời gian thực thi các kế hoạch, quyết định hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên.

Hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục được phát huy. Qua đó, đã huy động được nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương nói riêng và TP.HCM nói chung.

Cùng với đó, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố được tăng cường. Quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy; huy động được ngày càng nhiều nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố…

Vẫn còn rất nhiều vướng mắc

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân, do TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện ngay tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) nên ở những bước đầu triển khai thực hiện gặp không ít lúng túng.

Nhìn lại hơn 1 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (bài 1): Đã được như kỳ vọng? - Ảnh 3.

TP.HCM đã triển khai chính quyền đô thị được hơn 1 năm. Ảnh: P.V

Theo đánh giá của HĐND TP.HCM, qua gần 2 năm thực hiện chính quyền đô thị, tại TP.HCM đã phát sinh một số vấn đề thực tiễn nhưng chưa được quy định cụ thể. Có thể kể đến quy định về tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp là người hoạt động không chuyên trách đủ điều kiện được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND phường; quy định, hướng dẫn thể thức hoặc biểu mẫu ban hành quyết định quy phạm pháp luật của UBND quận, văn bản hành chính UBND quận, phường (thuộc thẩm quyền chung)...

Khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách (nếu có) nên ảnh hưởng phần nào đến việc chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn…

Bên cạnh đó, công tác thực hiện lập đồ án, thẩm định và phê duyệt quy hoạch của thành phố cả về quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng tại khu vực nông thôn đều chậm, kéo dài, không đạt yêu cầu kế hoạch, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng kế hoạch phát triển của các quận, huyện.

Việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và 16 quận theo thẩm quyền còn chậm; việc xây dựng chính quyền điện tử, Đề án Đô thị thông minh cũng còn những vấn đề cần được tập trung giải quyết và chưa đạt tiến độ; việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức còn chậm chưa đảm bảo tiến độ…

Bài 2: "Chiếc áo" cơ chế pháp lý quá chật

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem