Nhìn lại hơn 1 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (bài 3): Gỡ dần những nút thắt

Bạch Dương Thứ hai, ngày 02/01/2023 14:00 PM (GMT+7)
Hiện nay, căn cứ vào Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, UBND TP được tăng cường nhiều nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, UBND TP xây dựng, trình HĐND TP quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương…
Bình luận 0
Nhìn lại hơn 1 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (bài 3): Gỡ dần những nút thắt - Ảnh 1.

Tinh giản biên chế công chức xã phường khiến gánh nặng công việc tăng lên. Ảnh: P.V

Đề xuất những cơ chế đặc thù

Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà chia sẻ, khi thực hiện chính quyền đô thị, 16 quận không còn là cấp chính quyền địa phương nên không còn là cấp ngân sách nữa mà quay trở về là đơn vị dự toán ngân sách. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, ngân sách quận không còn dự phòng, kết dư, tăng thu và các khoản chi khác nên không chủ động khi thực hiện điều hành ngân sách đối với các khoản chi chưa được dự toán từ đầu năm.

Quy định cơ quan tài chính cùng cấp trước đây là Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu điều hành ngân sách, đến nay chuyển về Sở Tài chính, điều này khiến Sở Tài chính phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn. Khi xây dựng dự toán, Sở Tài chính phải rà soát khoản chi chi tiết của 16 quận và hơn 960 đơn vị sự nghiệp; bổ sung điều chỉnh ngân sách đối với 1.400 đơn vị của 16 quận.

Ngoài các giải pháp trước mắt, ngành tài chính cũng hướng dẫn các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, đồng thời rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đảm bảo điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí, trước hết là nguồn kết dư còn giữ lại và sau đó là nguồn bổ sung từ ngân sách thành phố.

Về lâu dài, Thành phố đã báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính ngân sách đảm bảo chủ động của các quận theo 2 hướng: đề xuất cơ chế đặc thù cho TP.HCM, đối với ngân sách của 16 quận cho phép dự phòng ngân sách cấp quận; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Gỡ khó cho cấp quận thực hiện dự án

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, việc thực hiện Nghị quyết 131 khiến các quận không chủ động được nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công thuộc ngân sách quận trước đây đã được quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ làm các dự án bị chậm tiến độ do không được bố trí vốn kịp thời. Hiện nay, nhu cầu đầu tư của các quận hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó các dự án chuyển tiếp là gần 1.000 tỷ đồng.

Do đó, trong nội dung nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cần bổ sung nội dung cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế tài chính đặc thù. Cụ thể, UBND quận là đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP.HCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách; thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Phòng Tài chính - Kế hoạch quận thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tài chính cấp huyện.

Đối với các dự án đầu tư công tại các quận đang gặp khó khăn, triển khai dang dở, như vậy rất lãng phí, Sở Kế hoạch Đầu tư nhận thấy có một số nội dung mà UBND TP.HCM có thể ủy quyền cho quận quyết định và thực hiện dự án theo Nghị quyết 131 nên sẽ cùng các đơn vị tìm quy trình nhanh nhất gỡ nút thắt này.

Đối với việc tổ chức chính quyền địa phương tại TP.HCM ở các quận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện TP.HCM đưa vào nghị quyết mới xem UBND quận là một chính quyền địa phương có dự phòng ngân sách như một cấp ngân sách.

"Có nghĩa là mỗi quận sẽ là một chính quyền không hoàn chỉnh, không có HĐND nhưng có dự phòng ngân sách để khi phân bổ hàng năm, TP.HCM sẽ bổ sung một phần ngân sách để các quận tự quyết định chi cho các nhiệm vụ trong khuôn khổ phần ngân sách đó", ông Hoan giải thích.

Nhìn lại hơn 1 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (bài 3): Gỡ dần những nút thắt - Ảnh 3.

Có ý kiến đề xuất TP.HCM tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang hoàn thiện đề án đề xuất coi công chức của huyện, phường/xã như công chức quận. Ở đó, không phân biệt đội ngũ công chức ở huyện hay quận, ở phường hay xã mà coi như một.

"Chúng tôi nhận thức, ở TP.HCM, huyện gần như quận và chức trách ở huyện đôi khi phức tạp hơn quận bởi đang đô thị hóa, dân cư đông, tình hình phức tạp mà mình xem công chức huyện, xã là công chức loại 2 thì không ổn. Do đó, TP.HCM đã đưa nội dung trên vào dự thảo nghị quyết để có căn cứ đối xử bình đẳng với mọi công chức, đào tạo bài bản, quy hoạch chuẩn mực, tạo nguồn nhân sự cho Thành phố", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu.

Ngoài ra, TP.HCM cũng xây dựng biên chế theo quy mô dân số, xin Bộ Nội vụ cho tăng số lượng biên chế và cho phép TP.HCM chủ động trong điều tiết biên chế về các địa phương có quy mô dân cư lớn, tính chất phức tạp.

TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM và nhóm nghiên cứu đề xuất UBND TP.HCM nên tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng và trụ sở cơ quan này sẽ là tòa thị chính. Cùng với đó, thị trưởng là người đứng đầu và có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc.

TS. Hà cho rằng mô hình này khả thi với TP.HCM bởi hiện nay UBND thành phố và các cấp thực tế không hoạt động thuần tuý theo chế độ tập thể lãnh đạo, vẫn còn đáng kể vai trò điều hành của cá nhân người đứng đầu.

Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị nghiên cứu mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem