Nông dân xã Ngọc Hòa ở Kiên Giang ngày càng khấm khá với nghề làm vườn, trồng trái cây đặc sản

Hồng Huệ (Hội ND huyện Giồng Riềng) Thứ ba, ngày 01/11/2022 05:46 AM (GMT+7)
Những ngày này, đến xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) nhiều người dễ nhận thấy niềm vui của những gia đình nông dân theo nghề làm vườn, trồng măng cụt nơi đây. Năm nay, trái măng cụt của Hợp tác xã (HTX) Nông dân làm vườn được mùa, được giá, các gia đình trồng măng cụt ở đây rất phấn khởi vì có nguồn thu nhập cao.
Bình luận 0

Cây măng cụt được trồng trên đất xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cách đây hơn 60 năm. 

Lúc đó, măng cụt phát triển theo kiểu tự phát, nông dân địa phương trồng măng cụt chủ yếu để ăn quả chứ chưa nghĩ đến chuyện làm ăn kinh tế, đưa loại trái cây đặc sản này trở thành hàng hóa, qua đó để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.

Nông dân xã Ngọc Hòa ở Kiên Giang ngày càng khấm khá với nghề làm vườn, trồng trái cây đặc sản  - Ảnh 1.

Măng cụt là đặc sản của huyện Giồng Riềng, từng đạt giải cao tại hội thi đấu xảo trái cây ngon và an toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Ông Lê Văn Việt, ngụ ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa (huyện Rồng Giềng, tỉnh Kiên Giang) thu hoạch măng cụt. Cây măng cụt là một trong những loại cây ăn trái đặc sản của huyện Giồng Riềng. Ảnh: An Lâm.

Nông dân xã Ngọc Hòa ở Kiên Giang ngày càng khấm khá với nghề làm vườn, trồng trái cây đặc sản  - Ảnh 2.

Giồng Riềng là 1 trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Kiên Giang về diện tích cây công nghiệp hồ tiêu với 220ha. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa chăm sóc tiêu. Ảnh: An Lâm.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây măng cụt trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân trong xã Ngọc Hòa. 

Nhờ có hướng đi phù hợp, người trồng măng cụt trong xã với sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã biến những vườn cây ăn trái già cỗi, những bãi ruộng hoang trước đây thành vườn cây ăn trái trù phú.

Nghề làm vườn, cụ thể là nghề trồng cây măng cụt giờ đây đã mang lại lợi nhuận kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho nông dân xã Ngọc Hòa.

Năm nay, các chủ vườn cây măng cụt ở Ngọc Hòa rất phấn khởi vì măng cụt cho sản lượng cao, lại bán được giá.

Giá măng cụt bán tại vườn tùy vào thời điểm dao động từ 35.000 - 55.000 đồng/kg. Mỗi năm, cây măng cụt mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn trăm triệu đồng cho mỗi gia đình. 

Ông Lê Văn Việt, hộ dân trồng măng cụt tại ấp Chín Ghì chia sẻ: Giá măng cụt trồng trong xã ổn định là do chất lượng quả ngon, đồng đều và thị trường tiêu thụ khá rộng. Trái măng cụt Ngọc Hòa có thể bảo quản được cả tháng mà không bị hư, nên các gia đình có thể vận chuyển lên các tỉnh lân cận để tiêu thụ.

Nông dân xã Ngọc Hòa ở Kiên Giang ngày càng khấm khá với nghề làm vườn, trồng trái cây đặc sản  - Ảnh 4.

Vườn Măng cụt của ông Lê Văn Việt, ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Rồng Giềng, tỉnh Kiên Giang.

Nghề làm vườn ở xã Ngọc Hòa ngày càng chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc của người nông dân không ngừng được nâng lên.

Hiện toàn xã Ngọc Hòa có khoảng hơn 20 hộ trồng cây măng cụt, nguồn thu từ cây măng cụt đã góp phần làm thay đời sống của nhiều hộ nông dân trong xã. 

Nông dân xã Ngọc Hòa ở Kiên Giang ngày càng khấm khá với nghề làm vườn, trồng trái cây đặc sản  - Ảnh 5.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long (áo đỏ), Tỉnh ủy viên - Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang trao đổi một số thông tin hoạt động của Hợp tác xã, hướng tới yêu cầu cần phát triển rộng rãi sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Văn Ghẹ (Hội ND huyện Giồng Riềng).

Từ loại cây ăn trái đặc sản này, trên địa bàn xã Ngọc Hòa đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Có thể kể đến như các hộ ông Lê Văn Việt, Nguyễn Văn Tân với quy mô mỗi hộ trồng trên 1 ha cây măng cụt. 

Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, triển khai nhiều chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón cho người nông dân. 

Chính những chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần hình thành và phát huy vai trò của mô hình trồng cây măng cụt nói riêng và nghề làm vườn nói chung tại xã Ngọc Hòa.

Việc phát triển các mô hình trồng cây ăn trái đặc sản, trong đó có trồng măng cụt không chỉ giúp nông dân tự tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn mở ra hướng hình thành, phát triển mô hình du lịch sinh thái trong tương lai ở xã Ngọc Hòa, huyện Rồng Giềng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem