Nông thôn mới "quét sạch 3 không” ở xóm Gò

Trần Đáng Thứ tư, ngày 20/07/2022 13:33 PM (GMT+7)
Ốc đảo xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM) từng được ví là xóm “3 không” (không điện, đường và nước sạch). Từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới "quét" qua đã xóa sạch “3 không” ở xóm Gò.
Bình luận 0

Xóm Gò có diện tích khoảng 300ha với khoảng 180 hộ dân (thuộc 3 tổ 16, 17, 18). Ốc đảo heo hút, gần như biệt lập bao năm nay. Nhưng, từ khi xã Phong Phú làm nông thôn mới, xóm Gò đã đổi thay.

Nông thôn mới quyét sạch “3 không” ở xóm Gò - Ảnh 1.

Chương trình nông thôn mới đã lột xác xóm Gò. Ảnh: Trần Đáng

Nông thôn mới đi qua, xóm Gò đổi thay

Không nói đâu xa, trước dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, bước qua cầu xóm Gò cứ như rơi vào một thế giới heo hút. Một con đường đất trải đá dăm "như sợi chỉ", dài gần 3km xập xệ len lỏi giữa hai hàng dừa nước um tùm, cao quá đầu người.

Khoảng 5 tháng trước, con đường đau khổ này được bê tông hóa, rộng 3m, thông thoáng. Bộ mặt xóm Gò bỗng nhiên "bừng sáng". Từ ngày có con đường vừa làm nhiệm vụ giao thông vừa kiêm ngăn triều cường, dân xóm Gò thở phào cái cảnh nước ngập lênh láng.

Theo ông Sáu Cón (Tô Văn Cón), một cư dân có 5 đời sống trên xóm Gò, trước đây, cứ vào tháng 8, 9 cả xóm Gò như chìm trong biển nước từ sông Bà Lào. Ông Sáu Cón ngồi lẩm bẩm: Năm 2007, xóm Gò có điện. Năm 2009 có nước sạch. Cầu có năm 2013. Đường mới có vài tháng. "Vậy là xóm Gò hết "3 không", ông Sáu toét miệng cười.

Nông thôn mới quyét sạch “3 không” ở xóm Gò - Ảnh 2.

Nông thôn mới quyét sạch “3 không” ở xóm Gò - Ảnh 3.

Đường xóm Gò trước và sau khi làm nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng

Từ ngày có cầu, có đường xóm Gò như bước ra thế giới mênh mông. Quan trọng hơn việc chăn nuôi, làm ăn của bà con xóm Gò cũng phất lên.

Anh Nguyễn Ngọc Em, nông dân nuôi cá kiểng tại xóm Gò cho biết, trước đây điều kiện đi lại của xóm Gò khó khăn, thương lái phải đến tận trại lấy cá kiểng. Vì thế, doanh thu mất đi một phần cho thương lái. Giờ có cầu, đường thông thoáng, anh Em có thể mang có kiểng giao tận nơi đặt mua. Mỗi tuần, anh Em có doanh thu khoảng 4 triệu đồng từ bán cá kiểng.

Thời điểm này về xóm Gò nghe nông dân trồng bồn bồn cho biết giá bồn bồn đạt ngưỡng 30.000 đồng/kg thấy vui. Đây là mức giá bồn bồn kỷ lục trước nay.

Càng vui hơn, khi nghe ông Sáu Cón chia sẻ, nếu trước đây kinh tế xóm Gò chỉ nhờ con cá, con tôm hoặc cây bồn bồn, thì bây giờ có thêm thu nhập từ công ty, xí nghiệp.

Hiện, hầu hết thanh niên xóm Gò đã trở thành công nhân của khu xử lý rác Đa Phước hoặc Công ty Sài Gòn xanh đóng cạnh xóm. Chuyện nuôi tôm, nuôi cá, trồng bồn bồn giờ giao hẳn cho người lớn tuổi.

 Nhờ là dân cố cưu, có uy tín, ông Sáu Cón được chính quyền, bà con tin dùng giao quản lý trạm nước sạch của xóm Gò. Trạm nước này do chính quyền xây dựng nhằm cung cấp nước sạch cho một cụm khoảng 20 hộ dân. Nước được lấy lên từ giếng, qua lọc sẽ dẫn đến nhà bà con.

Nông thôn mới quyét sạch “3 không” ở xóm Gò - Ảnh 5.

Theo anh Nguyễn Ngọc Em, từ ngày xòm Gò được đầu tư theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc nuôi cá kiểng của anh cũng tốt hơn. Ảnh: Trần Đáng

Nói là nước sạch, thật ra chất lượng nước ở đây cũng chỉ mới dùng cho tắm, giặt. Muốn dùng cho ăn uống bà con phải lọc lại hoặc đun sôi.

Nâng chất nông thôn mới cho xóm Gò

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú Ngô Hoàng Hiển thổ lộ, trước đây nói đến "xóm Gò" người dân liên tưởng ngay đến một nơi thiếu thốn, khó khăn nhất TP.HCM. Từ ngày xóm Gò được xóa "3 không", cái tên "xóm Gò" cũng ngày càng hiếm nghe. "Bây giờ ít ai gọi xóm Gò mà gọi là xóm tổ 16, 17, 18", ông Hiển cho biết.

Cũng theo ông Hiển, từ ngày xóm Gó có cầu, đường, điện và nước sạch đời sống vật chất, tinh thần bà con xóm Gò được cải thiện đáng kể. "Thu nhập của bà con tăng nhiều sau 2 giai đoạn xã làm nông thôn mới", ông Hiển bộc bạch.

Ông Nguyễn Thành Mỹ, Phó tổ trưởng tổ 16 chia sẻ, thực tế sau thời gian làm nông thôn mới, hạ tầng xóm Gò được nâng cấp đời sống, vật chất tinh thần của bà con đã cải thiện rỏ rệt.

Nông thôn mới quyét sạch “3 không” ở xóm Gò - Ảnh 6.

Đời sống bà con xóm Gò được cải thiện rõ rệt sau thời gian địa phương làm nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng

Tuy nhiên, để cải thiện thu nhập cho bà con tốt hơn cần phải hạn chế việc nguồn nước thiên nhiên hiện nay đang bị ô nhiễm.

"Bà con xóm Gò chủ yếu nuôi cá, tôm, trồng bồn bồn, nếu nguồn nước cứ bị ô nhiễm thì khó nâng thu nhập cho bà con lắm", ông Mỹ chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem