“Nút thắt” 1 triệu nhà ở cho công nhân - Bài 1: Còn nhiều thủ tục cản trở

Quốc Hải Thứ tư, ngày 27/10/2021 18:30 PM (GMT+7)
Cơ chế dành quỹ đất để triển khai dự án nhà ở cho công nhân đã có từ lâu; nhưng đến nay, số khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) tại TP.HCM có nhà lưu trú, dự án nhà ở cho công nhân - người lao động vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay...
Bình luận 0

Sau làn sóng hồi hương của người lao động ở TP.HCM, vấn đề xây nhà ở cho công nhân lại được nhắc đến. Trên thực tế, đây không phải là vấn đề mới mẻ, bởi chúng ta từng đã có chính sách, thậm chí gắn với cả quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp (KCN) theo mô hình KCN - đô thị - dịch vụ. Song, vì nhiều nguyên nhân, đến nay mục tiêu này vẫn chưa được hiện thực hóa…

Sau thời gian dài giãn cách do Covid-19, hàng chục nghìn lao động tại TP.HCM đã "bỏ phố về quê". Trong đó, nhiều người không muốn quay trở lại mà ở quê tìm đường sống khác. Bởi, sau chuyến hồi hương lịch sử, TP.HCM không còn là "miền đất hứa", mà là những ngày tháng mệt mỏi, thiếu thốn mà họ muốn bỏ lại sau lưng.

“Nút thắt” 1 triệu nhà ở cho công nhân: Tìm những giải pháp trước mắt - Ảnh 2.

Phần đông công nhân vẫn phải ở trong các khu nhà trọ chật hẹp, thiếu thốn... - Ảnh: Uyên Phương

Có an cư mới lạc nghiệp

Vợ chồng anh Lê Văn Kiên (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) xuống TP.HCM làm việc hơn 10 năm, thuê phòng tại một khu trọ tuềnh toàng gần 20m2 ở Q.4, giá thuê 2,2 triệu đồng/tháng, để đi làm gần KCX Tân Thuận (Q.7). 

Thu nhập của vợ chồng anh Kiên khoảng 18 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới lo được cuộc sống và tiền ăn học cho 2 con nhỏ. Ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng anh Kiên là mong gom góp được tiền mua nhà, thoát khỏi… "đời ở trọ".

Thế nhưng, dịch Covid-19 ập tới, gần 5 tháng nằm ở nhà đã "ngốn" hết khoản tiền gần 30 triệu đồng dành dụm. Vậy là vợ chồng anh dắt díu nhau về quê ngay khi TP.HCM mở cửa.

“Nút thắt” 1 triệu nhà ở cho công nhân: Tìm những giải pháp trước mắt - Ảnh 3.

...thậm chí phải sống ở các khu ổ chuột ọp ẹp ven kênh, rạch - Ảnh: Quốc Hải

"Vợ chồng tui tính qua tết sẽ lên lại TP xin việc làm, nhưng cứ đắn đo mãi. Chẳng lẽ cứ ở trọ rồi đi làm công nhân hoài sao? Thế nên, vợ chồng đang bàn nhau tính bán hơn 2 sào cà phê ở quê được cha mẹ cho làm của hồi môn hồi mới cưới, rồi vay mượn để tìm mua một dự án nhà xã hội nào rẻ để mua ở cho có cái nhà" - anh Kiên nói.

"Trong nhiều năm qua, rất nhiều giải pháp cho nhà ở công nhân đã được đưa ra như bố trí nguồn vốn ưu đãi, tạo ra nhiều mô hình phát triển như nhà ở cho thuê; nhà ở phúc lợi của doanh nghiệp; nhà ở dân doanh… Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, đặc biệt có chính sách cho các hộ dân xây nhà cho thuê được vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở…

Tuy nhiên, thực tế nhà ở dành cho công nhân tại các KCN ở một số địa phương vẫn còn là vấn đề bức thiết hiện nay" - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA.

Không riêng vợ chồng anh Kiên, với những công nhân đang làm việc tại TP.HCM, khao khát lớn nhất chính là có căn nhà của mình vì chỉ "có an cư mới lạc nghiệp". Tuy nhiên, giấc mơ đó thật sự xa vời khi giá nhà đất ngày càng tăng, nguồn cung nhà ở giá thấp thì hầu như đã "tuyệt chủng" trên thị trường.

Chính vì bí bách nhà ở, công nhân phải nhắm mắt thuê trọ ở những khu nhà trọ tuềnh toàng, điều kiện sống không mấy vệ sinh nên khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, họ trở tay không kịp.

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có hơn 99.000 căn hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê gần 1,7 triệu người, trong đó 886.000 là công nhân. Trong khi đó, TP dù đã và đang thực hiện 34 dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân với hơn 5.500 phòng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15,3% nhu cầu.

“Nút thắt” 1 triệu nhà ở cho công nhân: Tìm những giải pháp trước mắt - Ảnh 5.

Người lao động, công nhân vẫn chen chúc nhau trong phòng chỉ rộng vài m2 - Ảnh: Uyên Phương

Từ cuối năm 2019 đến nay, TP cũng đang triển khai 15 dự án nhà lưu trú cho công nhân, tương đương 47ha. Tuy nhiên, trong 15 dự án này, có đến 6 dự án đang trong giai đoạn bồi thường và giải phóng mặt bằng. Các dự án còn lại vẫn đang thực hiện các thủ tục để đầu tư.

Những giải pháp trước mắt

Trước yêu cầu bức thiết về nhà trọ cho công nhân, để thu hút và giữ chân người lao động ở lại TP.HCM, mới đây TP đã có kế hoạch về xây dựng 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động.

Kế hoạch cụ thể, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết, sắp tới thành phố sẽ dùng quỹ đất còn trống ở các KCN-KCX để xây nhà lưu trú cho công nhân thuê. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát lại tất cả quỹ đất còn lại của nhà nước, chuyển mục đích sử dụng để mời gọi nhà đầu tư.

"Chính quyền sẽ đơn giản các thủ tục, có các phương án hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp", ông Khiết nói.

Theo ông Khiết, Sở Xây dựng sẽ đề xuất vấn đề này lên UBND thành phố, sau đó báo cáo Trung ương để có chính sách tổng thể, nhằm phát triển hiệu quả nhà ở xã hội, giúp người lao động dễ tiếp cận…

Tuy nhiên, giải pháp trước mắt được lãnh đạo TP.HCM đề ra là cải tạo các khu nhà trọ để người lao động cải thiện ngay chỗ ở, còn việc xây các chung cư 5-10 tầng phải một năm nữa TP mới có thể thực hiện.

"Nếu có chính sách tốt, vài tháng nữa TP.HCM có thể cải tạo hàng trăm nghìn nhà trọ để cải thiện chỗ ở cho công nhân, người lao động" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin.

“Nút thắt” 1 triệu nhà ở cho công nhân: Tìm những giải pháp trước mắt - Ảnh 6.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân, người lao động lao đao phải sống nhờ vào các gói chính sách và sự hỗ trợ của các mạnh thường quân - Ảnh: Uyến Phương

Ở góc nhìn kinh tế, TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cũng trăn trở, thời gian trả góp mua nhà ở xã hội hiện đã được nâng lên 25 năm, số tiền trả hàng tháng cũng nhỏ hơn so với quy định 10-15 năm như trước đây. Tuy nhiên để mua được nhà, người lao động phải có khoản tiết kiệm 200-300 triệu đồng, điều này rất khó với đội ngũ công nhân.

"Với mức thu nhập mỗi tháng chỉ 8-10 triệu đồng và mặt bằng giá hiện tại, phần lớn công nhân chỉ có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu ở thành phố, chứ khó tích lũy được số tiền vài trăm triệu mua nhà" - ông Ngân nói.

Do đó, theo ông Ngân, nhà nước cần dành một phần của nguồn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng tập trung cho khu vực tư - tức hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu ký túc xá, khu lưu trú đảm bảo an toàn cho người lao động, giữ họ ở lại với thành phố…

Cơ chế đã có hơn 10 năm, nhưng…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg về việc tạo điều kiện ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, cho lao động thuê tại các KCN-KCX, khu kinh tế theo phương thức xã hội hóa.

Năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội - đây là khung pháp lý quan trọng cho phát triển nhà ở xã hội phục vụ cho đối tượng có thu nhập thấp trong đó có công nhân tại các KCN-KCX.

Mới đây, ngày 1/4/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NÐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Nhưng để triển khai chương trình nhà ở cho công nhân, theo ông Châu, phải thực hiện huy động từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau: Nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng của KCX-KCN, doanh nghiệp sản xuất trong KCX-KCN và các thành phần kinh tế khác cũng như các DN có điều kiện đầu tư vào loại hình này…

"Bên cạnh câu chuyện tạo lập quỹ đất, rào cản thủ tục vẫn luôn là một chướng ngại lớn. Thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hóa, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN-KCX vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở" - ông Châu cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem