Ở nhà vẫn "ném" tiền vào cổ phiếu, loạt công ty chứng khoán báo lãi đậm nhờ hoa hồng môi giới

Quốc Hải Thứ hai, ngày 18/10/2021 16:38 PM (GMT+7)
Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam thường xuyên duy trì ở ngưỡng tỷ USD, cùng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh, giúp các công ty chứng khoán 'sống khỏe' trong đại dịch Covid-19, kể cả thời điểm người dân buộc phải “ở đâu, ở yên đó”.
Bình luận 0

Công ty CP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa công bố kết quả kinh doanh Báo cáo riêng quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của SSI đạt lần lượt 1.846,3 tỷ đồng và 830,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 5.091,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.062,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53,3% và 91,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở nhà vẫn "ném" tiền vào cổ phiếu, loạt công ty chứng khoán báo lãi đậm nhờ hoa hồng môi giới - Ảnh 1.

Lượng khách hàng mở tài khoản tăng mạnh khiến các công ty chứng khoán lãi đậm nhờ phí môi giới - Ảnh: SSI

Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế cho 9 tháng năm 2021 của SSI đạt khoảng 2.100 tỷ đồng. Với kết quả này, SSI đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch kinh doanh năm 2021 về lợi nhuận.

Đáng chú ý, dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến các tỉnh, thành buộc phải thực hiện giãn cách nghiêm theo tinh thần "ai ở đâu, ở yên đó" nhưng doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán của SSI vẫn đạt 667,4 tỷ đồng trong quý 3, tăng trưởng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng tài khoản mở mới tại SSI trong quý tăng trưởng 17,4% so với quý trước, và tăng 323% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra trong quý 3, SSI cũng dẫn đầu thị trường về mảng cho vay ký quỹ, với dư nợ cuối quý đạt mức kỷ lục - 18.100 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng cho vay và phải thu đạt 431,6 tỷ đồng, tăng trưởng 268% so với quý 3/2020.

Ngoài SSI, trước đó hàng loạt công ty chứng khoán khác cũng báo kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng bằng lần.

Chẳng hạn, Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC; HNX: APS), ghi nhận doanh thu quý 3 tăng cao gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ, lên hơn 134 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp gần 7 lần so với cùng kỳ 2020, ghi nhận ở mức 97 tỷ đồng. Đây là mức lãi kỷ lục mà APEC ghi nhận trong suốt lịch sử hơn 15 năm hoạt động.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, APEC ghi nhận doanh thu hơn 205 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 84% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 134,7 tỷ đồng, tương ứng mức tăng cao gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2020

Tương tự, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest (Mã: AAS) trong quý 3/2021 cũng đạt doanh thu hơn 252 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng trưởng 140%, đạt mức 240 tỷ đồng và đóng góp hơn 95% trong tổng cơ cấu doanh thu. Sau khi trừ đi các chi phí, SmartInvest báo lãi trước thuế 170 tỷ đồng trong quý 3, tăng gấp 6 lần so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, AAS đạt hơn 176 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và thực hiện 88% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) cũng đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 3 lần lượt là 58,7 tỷ đồng và 15,6 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 63,6% và 201% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất cho doanh thu hoạt động trong kỳ đến từ lãi các khoản cho vay và phải thu với 25,6 tỷ đồng, tăng 244% so với cùng kỳ năm 2020. Kế đến là doanh thu môi giới chứng khoán đạt 16,3 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, NHSV lãi trước thuế 52,1 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2020.

Ở nhà vẫn "ném" tiền vào cổ phiếu, loạt công ty chứng khoán báo lãi đậm nhờ hoa hồng môi giới - Ảnh 3.

Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán đều tăng bằng lần - Ảnh: vnbusiness.vn

Công ty CP Chứng khoán Thành Công (TCSC - Mã: TCI) cũng công bố doanh thu trong quý 3 tăng gần 60% so với cùng kỳ, lên mức 69,6 tỷ đồng nhờ vào hoạt động khởi sắc của các mảng kinh doanh truyền thống.

Cụ thể, doanh thu đến từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán tăng trưởng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ, đem lại 12,2 tỷ đồng doanh thu trong quý 3. Tương tự, hoạt động cho vay và phải thu, cùng mảng môi giới chứng khoán cũng tăng trưởng tương ứng 248% và 239% so với cùng kỳ, tương ứng 15,7 tỷ đồng và 12,9 tỷ đồng.

Kết quả, TCI báo lãi trước thuế trong quý 3 đạt 50,4 tỷ đồng, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2020.

Lũy kế sau 9 tháng đầu năm, TCI ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 244 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 186 tỷ đồng, tăng lần lượt 122% và 368% so với cùng kỳ năm trước. Với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra từ đầu năm 2021 là 186 tỷ và 100 tỷ đồng, TCI đã hoàn thành tương ứng là 131% và 186% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMSC, mã chứng khoán: BMS) lại là công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ trong quý 3.

Cụ thể, BMS ghi nhận doanh thu quý 3 sụt giảm 11% so với cùng kỳ về còn 55 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến sự đi xuống của doanh thu chủ yếu đến từ mảng tự doanh của BMSC. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 29 tỷ đồng; trong khi phần lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL xấp xỉ 78 tỷ đồng - xuất phát từ việc đánh giá tài sản tài chính. Do vậy, hoạt động tự doanh quý 3 của BMSC ghi nhận khoản lỗ ròng gần 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ lỗ 28 tỷ đồng.

Điểm sáng đến từ hoạt động môi giới với doanh thu tăng mạnh đến 8 lần so với cùng kỳ lên gần 16 tỷ đồng; ngoài ra doanh thu tư vấn cũng tăng 95% so với quý 3/2020, đạt hơn 8 tỷ đồng.

Do tự doanh vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh doanh của BMSC, do đó khấu trừ thêm các chi phí, BMSC báo lỗ sau thuế hơn 38 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem