Ông nông dân Tiền Giang tiết lộ bí quyết trồng hoa Tết không bao giờ lỗ

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 28/01/2022 12:54 PM (GMT+7)
Nhiều năm trong nghề trồng hoa Tết, ông Bảy Nhung (Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) đã trở nên khấm khá.
Bình luận 0

Theo ông Bảy Nhung, trồng hoa Tết không bao giờ lỗ. Người nào trồng tệ lắm thì hết vụ Tết cũng phá huề.

Tiền Giang: Ghiền nghề hái ra tiền, ông nông dân trở nên khấm khá - Ảnh 1.

Ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) đang chăm sóc luống hoa Tết. Ảnh: Trần Đáng.

Thắng to với nghề trồng hoa Tết

Thời điểm này, làng hoa Mỹ Phong nhộn nhịp người mua kẻ bán. Khác với dự báo ban đầu giá hoa Tết năm nay sẽ thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời điểm này giá hoa lại khá cao.

Tại làng hoa Mỹ Phong, giá cúc vàng hòe, cúc Hà Lan khoảng 140.000 đồng/cặp, mào gà 85.000 đồng/cặp, vạn thọ 85.000 đồng/cặp…

Cúc Hà Lan vẫn chiếm số lượng lớn tại làng hoa Mỹ Phong, bởi thị trường ưa chuộng, thương lái mua nhiều. Mỗi thương lái mua 500 - 1.000 giỏ cúc Hà Lan.

Theo đánh giá, giá hoa cúc Tết nay cao hơn Tết năm trước khoảng 20%.

Ông Bảy Nhung tính, trung bình mỗi giỏ hoa chi phí đầu tư chiếm khoảng 60%, còn lại lời 40%.

"Nếu ai làm đạt, bán được giá cao và tận dụng được công lao động ở nhà thì lãi còn nhiều hơn", ông Bảy Nhung khẳng định.

Ông Bảy Nhung cho biết thêm, trước đây nhiều tổ viên trong tổ hợp tác chưa trồng hoa, cuộc sống rất bấp bênh.

Từ khi tổ viên tham gia trồng hoa cuộc sống đã khá giả hơn.

Tiêu biểu ở làng hoa Mỹ Phong có ông Nguyễn Văn Nuôi, ông Lê Văn Sơn, ông Phạm Văn Thanh, ông Nguyễn Văn Trung, ông Ngô Tuấn Anh… Và tất nhiên có cả ông Bảy Nhung.

Mỗi mùa Tết, ngoài bán ra hàng ngàn chậu hoa các loại, trong năm ông Bảy Nhung còn bán trăm ngàn cây giống hoa cho các tổ viên.

Tiền Giang: Ghiền nghề hái ra tiền, ông nông dân trở nên khấm khá - Ảnh 3.

Trồng hoa Tết là nghề hái ra tiền, nhưng cũng khá nhọc nhằn. Ảnh: Trần Đáng.

Gió sương với nghề trồng hoa Tết

Nghề trồng hoa Tết tiếng là nghề hái ra tiền, lời cao, trúng đậm. Nhưng ít ai biết, để được mùa bội thu nông dân phải dãi nắng, dầm sương suốt nhiều tháng.

Ông Bảy Nhung chia sẻ, phải thức khuya, dậy sớm để phun thuốc và tưới phân, lặt chèo, cắt cơi, tưới nước…

"Tuy cực nhưng cuối năm bán được nhiều tiền, thấy ham lắm!", ông Bảy Nhung bộc bạch.

Theo ông Bảy Nhung, để trồng hoa Tết, từ khi ra Giêng hoa được chọn nhân giống sẽ được trữ, dưỡng gốc.

Đến mưa đầu mùa, khoảng tháng 3, 4 âm lịch người trồng cắt ngang thân cây cho nảy tược.

Đến Rằm tháng 5, cây cho nhánh con. Nông dân lấy nhánh con này trồng xuống đất. Và đến rằm tháng 8 cho cây vào chậu để bán dịp Tết.

"Để đảm bảo hoa đẹp, to phải lặt chèo, cắt cơi. Và quan trọng nhất là cây giống phải khỏe, sạch bệnh", ông Bảy Nhung chia sẻ.

Ông Bảy Nhung bộc bạch, không trồng hoa không được, trồng riết thành ghiền.

Mỗi năm, gia đình phụ thuộc rất nhiều vào vụ hoa Tết. Xem đây là "chén cơm" nuôi sống gia đình.

Tiền Giang: Ghiền nghề hái ra tiền, ông nông dân trở nên khấm khá - Ảnh 4.

Trồng hoa Tết tại làng hoa Mỹ Phong, Tiền Giang. Ảnh: Trần Đáng.

Ông Bảy Nhung cho biết, mỗi vụ Tết, Tổ hợp tác sản xuất hoa tươi Mỹ Phong cố gắng liên hệ với các thương lái mua hoa cho nông dân.

"Đây là vụ hoa lớn nhất, được kỳ vọng nhất trong năm. Nếu không có đầu ra, cũng như việc trồng hoa không có lãi sẽ khó giữ chân nông dân gắn bó với tổ hợp tác, nông dân sẽ bỏ nghề. Làng hoa Mỹ Tho sẽ mất đi nét đẹp truyền thống mỗi khi tết đến xuân về", ông Bảy Nhung bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem