Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM "ăn theo" hạ tầng đường Vành đai 3, 4

Hồng Trâm Thứ ba, ngày 06/12/2022 10:44 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng một trong những định hướng quan trọng đó là phát triển nhà ở xã hội xung quanh khu vực dọc theo điểm kết nối giao thông công cộng trọng điểm như metro số 1, metro số 2, metro 3A.
Bình luận 0

Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần trong khi nhu cầu an cư của công nhân, người lao động có thu thập thấp là rất lớn. Bộ Xây dựng cho biết, trong khoảng 400 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đầu tư trên cả nước.

Việc phát triển, cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội được xem là mục tiêu trọng yếu. Theo đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Riêng tại TP.HCM, Sở Xây dựng thành phố cho biết, trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, địa phương đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà, trong đó có 100.000 căn nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM "ăn theo" hạ tầng đường Vành đai 3, 4 - Ảnh 1.

Phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần trong khi nhu cầu an cư của người lao động luôn tăng cao. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tại hội thảo Cơ chế chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM theo quan điểm liên kết vùng ngày 2/12 vừa qua, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, cho biết trong 20 năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh quỹ đất phát triển nhà ở tại đô thị ngày càng khan hiếm.

Ông An cho rằng, với lợi thế là hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM có nhiều cơ hội trong việc phát triển nhà ở dựa trên mối quan hệ liên kết vùng với các tỉnh, thành lân cận, tạo động lực để phát triển cho toàn vùng. Đồng thời, việc này cũng giải quyết được các vấn đề căn cơ trong phát triển nhà ở xã hội của thành phố.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách để phát triển nhà ở xã hội bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội đạt thấp, khoảng 2.163 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đáp ứng khoảng 24% nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo kế hoạch vốn đến năm 2020 (nhu cầu vốn 248,63 tỷ đồng) vẫn chưa bố trí được.

Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM "ăn theo" hạ tầng đường Vành đai 3, 4 - Ảnh 3.

TP.HCM đang thiếu hụt nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Ảnh: H.T

Nhiều các chuyên gia nhận định nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay là rất lớn nhưng thực tế đáp ứng còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, quỹ đất ở dành cho việc nhà ở xã hội ngày càng khan hiếm.

Vì vậy, để giải quyết bài toán về nhà ở xã hội trong tương lai, TP.HCM hướng đến các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… Bởi so với TP.HCM thì các khu vực này hiện vẫn còn nhiều quỹ đất để phát triển loại hình nhà ở này.

Đầu tư nhà ở xã hội dọc theo công trình trọng điểm

GS.TS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng, cần đưa danh mục phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư loại hình nhà ở này. Đồng thời, khi phát triển các khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh, phải tính đến việc bố trí nhà ở cho công nhân và các thiết chế xã hội liên quan...

Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia, một trong những định hướng quan trọng đó là phát triển nhà ở xã hội xung quanh khu vực dọc theo điểm kết nối giao thông công cộng trọng điểm như metro số 1, metro số 2, metro 3A.

Cụ thể, Sở Xây dựng đề xuất tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực metro bằng cách phát triển loại hình chung cư, tận dụng cơ sở hạ tầng của tuyến giao thông này để thu hút người dân, đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Mô hình phát triển nhà ở xã hội dọc theo tuyến metro TP.HCM có thể nhân rộng cho các tỉnh thành khác, đặc biệt là vùng đô thị TP.HCM.

Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM "ăn theo" hạ tầng đường Vành đai 3, 4 - Ảnh 4.

Định hướng quan trọng đó là phát triển nhà ở xã hội xung quanh khu vực dọc theo điểm kết nối giao thông công cộng. Ảnh: H.T

Tương tự, khi tuyến Vành đai 3 hoàn thiện sẽ hình thành các khu đô thị vệ tinh như: Nhơn Trạch (Đồng Nai), khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thành phố Thuận An (Bình Dương). Việc phát triển nhà ở nói chung dọc theo đường Vành đai 3 là cơ hội tăng quỹ đất cho nhà ở xã hội.

Đường Vành đai 4 với mục tiêu là kết nối khu vực Tây Nam bộ với khu vực miền Đông Nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An. Ngoài việc tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng, còn góp phần gia tăng giá trị bất động sản các địa phương nơi có tuyến đường giao thông này chạy qua.

Thực tế thì việc bất động sản "ăn theo" đường Vành đai 4 đã và đang diễn ra, chỉ là về dự án cụ thể cho nhà ở xã hội vẫn chưa rõ. Như vậy, tương tự Vành đai 3, Vành đai 4 cũng có tiềm năng lớn trong việc dành ra quỹ đất để xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Theo tính toán của nhóm tác giả Trung tâm mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội thuộc Viện Nghiên cứu phát triển thành phố thì khoảng tám năm nữa (2030), nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố sẽ đạt gần 58.000 căn hộ.

Thời điểm đó, các dự án đường vành đai 3, 4 kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội phát triển ở các tỉnh trong vùng. Vấn đề về khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh và TP.HCM sẽ được thu hẹp. Các chuyên gia cho rằng, yếu tố liên kết vùng sẽ được đặt vào vị thế quan trọng, hàng đầu trong việc giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người dân đang làm việc tại TP.HCM trong thời gian tới đây.

Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Đơn cử, Australia xây dựng nhà ở xã hội cho thuê theo mức thu nhập. Giá thuê thường được áp dụng ở mức 25% thu nhập.

Tại Malaysia, vào năm 1994, để tăng sức mua nhà, chính phủ mở rộng việc sử dụng các khoản tiết kiệm trong Quỹ bảo trợ người lao động cho mục đích mua nhà ở. Quỹ bảo trợ người lao động là quỹ mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng góp thường xuyên và được rút lại trước khi nghỉ hưu. Chính sách cho phép rút 30% cho mục đích mua nhà.

Singapore đã thành lập Ban phát triển nhà ở để xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể nhà ở xã hội. Cơ quan này được trao quyền thu hồi đất để xây dựng các căn hộ cao tầng. Bên cạnh đó, người dân Singapore sẽ đóng góp các quỹ bắt buộc và tự nguyện của đất nước.

Một đại diện khác là Hàn Quốc - một trong những quốc gia được đánh giá là thành công không chỉ trong lĩnh vực phát triển đô thị mà còn trong lĩnh vực phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Mô hình xây dựng, đầu tư và quản lý nhà ở xã hội đã được Chính phủ Hàn Quốc thực hiện từ những năm 1970. Theo đó, chính phủ đã xây dựng hệ thống nhà ở xã hội bằng cách đầu tư vốn vào Công ty Nhà ở Hàn Quốc (KNHC) - một tổ chức cung cấp nhà ở xã hội lớn nhất Hàn Quốc.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem