Phòng, chống rửa tiền: Động thái mới từ Ngân hàng Nhà nước

Huyền Anh Thứ tư, ngày 23/11/2022 08:56 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Quyết định số 1945/QĐ-NHNN về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 941/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025. 

Mục tiêu tổng quát của Ngân hàng Nhà nước đề ra trong kế hoạch nhằm góp phần xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong APG.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước mong muốn góp phần bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phòng, chống rửa tiền: Động thái mới từ Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đề ra 6 nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền.

Mục tiêu cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền của quốc gia, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và hợp tác trong nước trên cơ sở thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và đầu mối xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm giải quyết những rủi ro rửa tiền được phát hiện theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia;

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Nghiên cứu, triển khai áp dụng thanh tra trên cơ sở rủi ro về phòng, chống rửa tiền; Tăng cường nguồn lực, đặc biệt tăng cường nguồn lực cho Cơ quan phòng, chống rửa tiền (Cục Phòng, chống rửa tiền); 

Tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Biên bản ghi nhớ phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với các cơ quan nước ngoài, gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế về phòng, chống rửa tiền; 

Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng;

Thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối của Việt Nam trong việc triển khai các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong APG, đặc biệt là nghĩa vụ phát sinh theo kết quả đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam.

Theo đó, kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quốc tế và phù hợp với thực hiện của Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá rủi ro rửa tiền và hợp tác trong nước.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, hướng đến áp dụng cách tiếp cận trên cơ sở rủi ro.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền, trong đó, tăng cường năng lực cho Cơ quan phòng, chống rửa tiền (Cục Phòng, chống rửa tiền) đảm bảo thực hiện vai trò đầu mối quốc gia trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế, chia sẻ, trao đổi thông tin trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết của các cơ quan quản lý và các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng về công tác phòng, chống rửa tiền.

Về tổ chức thực hiện, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì chủ động phối hợp với các đơn vị khác triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo đúng tiến độ, đảm bảo thời gian hoàn thành Kế hoạch. 

Các đơn vị chủ trì có trách nhiệm tổng hợp và gửi kết quả thực hiện về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để phục vụ công tác tổng hợp, báo cáo.\

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem