Phụ huynh kể về thủ đoạn lừa đảo "con cấp cứu ở bệnh viện" của kẻ gian

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 07/03/2023 11:54 AM (GMT+7)
Đánh vào sự lo lắng của phụ huynh khi thông báo con họ đang cấp cứu ở bệnh viện, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh có con học trên địa bàn TP.HCM bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng gây hoang mang dư luận. Với chung một thủ đoạn là gọi điện thoại cho phụ huynh, tự xưng là giáo viên/nhân viên tại trường con của họ đang học và thông báo học sinh bị té, chấn thương sọ não nguy kịch... đang phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Các "giáo viên" fake này liên tục hối thúc phụ huynh mau chóng lên bệnh viện làm thủ tục để kịp thời phẫu thuật cho con; nếu chưa lên ngay được thì chuyển tiền vào tài khoản của bệnh viện để "giáo viên" làm thủ tục phẫu thuật ngay. Tất nhiên, các số tài khoản kẻ gian cung cấp đều là số tài khoản cá nhân.

Với thủ đoạn này, có đến 6 phụ huynh đã chuyển tiền cho kẻ gian, tổng số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng.

Kẻ gian đã lừa đảo như thế nào?

Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) cho biết, phụ huynh này nhận được cuộc gọi từ số 070 7915387 tự xưng là người phụ trách y tế của trường.

Ở cuộc gọi đầu tiên, "nhân viên y tế" này thông báo, học sinh M.T bị ngã trong nhà vệ sinh, tình trạng là vỡ đầu và được nhà trường đưa vào Bệnh viện 115 (quận 10) cấp cứu. Vì tình trạng nguy kịch, cần mổ gấp nên yêu cầu gia đình tới ngay để ký hồ sơ mổ cho con.

Phụ huynh kể về thủ đoạn lừa đảo "con cấp cứu ở bệnh viện" của kẻ gian - Ảnh 1.

Những tin nhắn lừa đảo mà phụ huynh nhận được. Ảnh PHCC

Ở cuộc gọi thứ 2, đầu dây bên kia tự xưng là bác sĩ cần nói chuyện với phụ huynh về tình trạng của trẻ. Theo thông tin từ "bác sĩ", bé hiện đang rất nguy kịch. Trong điện thoại, có tiếng máy thở, tiếng các bác sĩ trao đổi và gọi tên con.

Đến cuộc gọi thứ 3, đầu dây bên kia giục phụ huynh chuyển khoản 45 triệu để tạm ứng viện phí, kịp thời mổ cho con. "Nhân viên y tế" trường cho biết, vì chỉ cầm theo 5 triệu đồng nên không đủ tiền đóng.

Khi nhận những thông tin này, vị phụ huynh trên đã lo lắng, hoang mang đến run người. Sợ không chuyển tiền ngay sẽ muộn thời gian cứu con, vị phụ huynh đã báo kế toán chuyển tiền. Bên cạnh đó, phụ huynh này cũng gọi cho giáo viên ở trường, nhưng thầy không nghe máy. May mắn, sau đó, phụ huynh gọi cho một giáo viên khác và được biết, con của phụ huynh này đang học, không có vấn đề gì.

May mắn hơn nữa là dù báo kế toán chuyển tiền, nhưng phải thêm một bước duyệt lệnh chuyển khoản (việc duyệt lệnh do phụ huynh thực hiện), nên số tiền chưa bị chuyển đi.

Phụ huynh kể về thủ đoạn lừa đảo "con cấp cứu ở bệnh viện" của kẻ gian - Ảnh 3.

Số điện thoại gọi đến cho phụ huynh để lừa đảo. Ảnh: PHCC

Sau sự việc, phụ huynh này đã đưa câu chuyện của mình gửi cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường để cảnh báo việc lừa đảo, đồng thời khuyên phụ huynh nếu rơi vào tình trạng tương tự cần hết sức bình tĩnh.

Một phụ huynh khác nhận được cuộc gọi từ số thuê bao 070 8836023 với nội dung tương tự như trên. Sau khi "thầy giáo" thông báo tình hình rồi chuyển máy cho người tự xưng là bác sĩ Hưng, khoa chấn thương sọ não. Vị "bác sĩ" này cho biết, trẻ đang rất nguy kịch, nếu gia đình thu xếp được thì vào sớm; còn không, bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm.

Khi phụ huynh hỏi giờ họ phải làm sao, vị "bác sĩ" trả lời cần phẫu thuật sớm cho trẻ. Đồng thời, chuyển máy lại cho "thầy giáo". Cũng thủ đoạn như trường hợp trên, "thầy giáo" liên tục hối phụ huynh chuyển tiền để làm hồ sơ và cung cấp số tài khoản của bệnh viện.

Khi phụ huynh thắc mắc tại sao là số tài khoản cá nhân chứ không phải số tài khoản của bệnh viện, "thầy giáo" này liền chuyển máy cho người xưng là thu ngân bệnh viện trả lời. Người này khẳng định, đây là số tài khoản của bệnh viện. Phụ huynh đã chất vấn có phải bệnh viện Chợ Rẫy không, tại sao số tài khoản bệnh viện đăng trên mạng là số khác, "nhân viên thu ngân" lại trả lời đây là số khoản của sếp - giám đốc bệnh viện.

Các trường liên tục cảnh báo thông tin lừa đảo

Ngay sau khi nhiều phụ huynh bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn với thủ đoạn nêu trên, Sở GDĐT TP.HCM đã có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo thông tin thông suốt giữa nhà trường và phụ huynh; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin cơ sở giáo dục; tuyên truyền hướng dẫn cha mẹ học sinh thận trọng trước các thông tin sai sự thật.

Trao đổi với Dân Việt, thầy Lê Thanh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Linh Trung (TP.Thủ Đức) cho biết, thầy đã trực tiếp gọi cho 48 giáo viên của trường để phổ biến yêu cầu của Sở GDĐT TP.HCM. Đồng thời, cảnh báo các phụ huynh vấn đề lừa đảo đang diễn ra những ngày gần đây. Thầy Hiếu cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, trường chưa ghi nhận trường hợp phụ huynh nào bị lừa đảo với thủ đoạn nêu trên.

Phụ huynh kể về thủ đoạn lừa đảo "con cấp cứu ở bệnh viện" của kẻ gian - Ảnh 5.

Những thông tin cảnh báo phụ huynh trước sự lừa đảo. Ảnh chụp màn hình

Tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), giáo viên từng lớp đã phát đi thông báo đến group phụ huynh với nội dung: "Hiện nay, thủ đoạn lừa phụ huynh chuyển khoản để đóng tiền viện phí học sinh bị tai nạn đi cấp cứu vô cùng tinh vi. Tội phạm đánh vào tâm lý của phụ huynh khi nghe thông tin con bị tai nạn sẽ vô cùng hoang mang, lo lắng nên bị mất cảnh giác. Giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền phụ huynh khi gặp tình huống như vậy, phải hết sức bình tĩnh, gọi điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm hoặc nhân viên y tế để xác minh".

Tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), lãnh đạo nhà trường cho biết, sau khi phụ huynh bị lừa 100 triệu đồng, nhà trường đã mời phụ huynh lên làm việc để tìm hiểu thêm. Phụ huynh này chia sẻ, vì có việc bận nên không đọc báo, cũng không xem thông tin cảnh báo mà trường gửi về các vụ lừa đảo phụ huynh gần đây.

Do đó, khi nhận điện thoại báo con đang cấp cứu ở bệnh viện quận 2, phụ huynh đã bị rối, hoảng loạn và chuyển tiền. Đáng nói, trong thời gian này, kẻ gian gọi điện liên tục, phụ huynh không thể gọi đi để kiểm tra. Phụ huynh này đã chuyển khoản 2 lần, số tiền là 100 triệu đồng. Sau đó, khi gọi cho giáo viên chủ nhiệm thì được biết bé bình an, phụ huynh mới biết mình bị lừa.

Nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh này làm đơn trình báo công an. Đồng thời, rà soát lại quy trình bảo mật thông tin học sinh. Lãnh đạo nhà trường khẳng định, thông tin của học sinh mà kẻ gian có được không phải rò rỉ từ phía nhà trường. Phụ huynh bị mất tiền cũng cho biết, kẻ gian hoàn toàn không nói con họ học lớp nào, trường nào, chỉ nói đang cấp cứu ở bệnh viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem