Tối qua 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đặt chân tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài 2 ngày. Bà Kamala Harris cũng là vị Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên từng tới thăm Việt Nam.

Sau Singapore, Việt Nam là điểm đến thứ hai trong chuyến công du Đông Nam Á của vị Phó Tổng thống Mỹ. Theo lịch trình ban đầu, chuyên cơ Không lực Hai sẽ đưa bà Harris tới Việt Nam từ chiều 24/8. Nhưng vì một lý do chưa công bố, chuyến bay bị trì hoãn khoảng 3 tiếng, đến 21 giờ 45 phút tối 24/8, chuyến bay chở bà Kamala Harris mới hạ cánh tại sân bay Nội Bài.

Thương mại & đầu tư Việt - Mỹ: những con số "phép màu" - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có chuyến công du hai ngày (24/8-26/8) tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Reuters)

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris nhằm tài khẳng định cam kết của Mỹ với Việt Nam cũng như khu vực ASEAN trong các vấn đề an ninh, hợp tác kinh tế, và y tế toàn cầu.

Nhân dịp này, cùng nhìn lại sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ trong những năm gần đây.

Thương mại Việt - Mỹ và những con số ấn tượng

Trên trang web chính thức, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm hội tụ thường xuyên trong các vấn đề thương mại và đầu tư. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng nằm trong Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư của Mỹ năm 2007.

Thương mại & đầu tư Việt - Mỹ: những con số "phép màu" - Ảnh 2.

Tính đến thời điểm năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 13 của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa dịch vụ hai chiều đạt 75,72 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 61,35 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,37 tỷ USD. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong cùng năm đạt 46,98 tỷ USD, tăng 36,5% (12,56 tỷ USD) so với năm 2018.

Đến năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thương mại song phương Việt - Mỹ vẫn tăng vọt 19,8% so với năm 2019, đạt 90,8 tỷ USD theo Tổng cục Hải quan Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên thương mại song phương Việt - Mỹ vượt mốc 90 tỷ USD, hướng tới mốc 100 tỷ USD. Xuất siêu Việt Nam sang Mỹ đạt 63,4 tỷ USD.

Tính trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt 230% trong khi nhập khẩu từ Mỹ cũng tăng trưởng hơn 175%. Mỹ duy trì vị thế thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, theo thông tin từ Báo Chính phủ.

Thương mại & đầu tư Việt - Mỹ: những con số "phép màu" - Ảnh 3.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 và cả 7 tháng đầu năm 2021. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn đạt 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019 và chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan. Mỹ cũng là thị trường số 1 với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Dù trong bối cảnh đại dịch, giá trị hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ vẫn đạt gần 14 tỷ USD, chiếm tới 46,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.

Thương mại & đầu tư Việt - Mỹ: những con số "phép màu" - Ảnh 4.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ trong năm 2020 có thể kể tới: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (2,21 tỷ USD, tăng 141,5% so với năm 2019); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (10,39 tỷ USD, tăng 71,7% so với năm 2019); điện thoại và linh kiện điện thoại (8,79 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2019)... Nhiều mặt hàng khác có giá trị trên 1 tỷ USD.

Dữ liệu được thống kê bởi Văn phòng đại diện thương mại Mỹ USTR vào năm 2019 cho thấy giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm tới 2,7% tổng giá trị xuất khẩu của các quốc gia toàn cầu vào thị trường Mỹ trong cùng năm.

Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam

Ở chiều ngược lại, tính trong 7 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam ước đạt 13,71 tỷ USD, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, giảm 5% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các nhóm ngành nhập khẩu chủ lực từ thị trường Mỹ tính theo giá trị có thể kể tới máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử (4,72 tỷ USD); bông (1,3 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1 tỷ USD).

Tại thời điểm năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ cũng là 1 trong 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, theo Tổng cục Hải Quan. 

 Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến của doanh nghiệp Mỹ

Nhiều nhà phân tích nhận định trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu do bất ổn địa chính trị cũng như cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Material Handling & Logistics của Mỹ công bố vào đầu năm nay cho thấy 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho rằng Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến mà họ ưu tiên để tìm kiếm địa điểm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Con số này tăng gấp đôi so với kết quả khảo sát hồi năm 2019.

Thương mại & đầu tư Việt - Mỹ: những con số "phép màu" - Ảnh 5.

Thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2021, trên tổng số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Mỹ nằm trong top 6 nhà đầu tư lớn nhất với số vốn 361,9 triệu USD, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư cấp mới. 

Tính lũy kế đến hết tháng 7/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam ước tính gần 9,7 tỷ USD với hơn 1.000 dự án hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như dịch vụ khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo. Với số vốn này, Mỹ hiện xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI vào nước ta. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thực tế số vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam có thể cao hơn con số 9,7 tỷ USD được thống kê, thậm chí lên đến 15 tỷ USD do các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư thông qua nhiều kênh khác nhau như qua một nước thứ ba Panama, Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore…. Chẳng hạn, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple, Google hiện đang đầu tư vào Việt Nam gián tiếp thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng.

Thương mại & đầu tư Việt - Mỹ: những con số "phép màu" - Ảnh 6.

Trong năm 2020, Mỹ là một trong bảy quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu về số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 95 dự án

Hồi tháng 10/2020, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển tài chính Mỹ Adam Boehler từng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều dự án FDI mới. Chẳng hạn, Ngân hàng EximBank của Mỹ từng bày tỏ kỳ vọng mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng trong nước. 

Cũng trong lĩnh vực năng lượng, vào năm ngoái, Delta Offshore Energy đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 tập đoàn Mỹ là Bechtel, General, McDermott trong dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu. Dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài với ước tính trị giá trên 50 tỷ USD trong vòng 25 năm, tài trợ bởi quỹ an ninh năng lượng của liên minh 3 nước Mỹ - Nhật - Úc. 

Hay First Solar, thương hiệu sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ cũng đã đầu tư vào Việt Nam trong vài năm gần đây và ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu đạt 21 nghìn tỷ USD trong năm ngoái.

Trong lĩnh vực linh kiện điện tử, gã khổng lồ chip Mỹ Intel cũng đầu tư vào Việt Nam với số vốn hiện tại ước tính 1,5 tỷ USD. Năm ngoái, Intel Việt Nam chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, với tổng giá trị xuất khẩu ước tính 13 tỷ USD. Cùng hoạt động trong lĩnh vực này, Jabil Việt Nam cũng đặt nhà máy tại Khu công nghệ cao TP. HCM. Năm ngoái, Jabil Việt Nam ghi nhận doanh thu chạm mốc 1 tỷ USD.

Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang hoạt động tại Việt Nam và tạo ra doanh thu rất lớn, chẳng hạn Ford Việt Nam, Coca Cola Việt Nam, Crown Cork, Hanesbrands, GE Việt Nam, P&G, Hanesbrands, 3A Nutrition...

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem