Sắc xuân trên con đường ‘Ông Làm Biếng’

Ngữ Yên Chủ nhật, ngày 30/01/2022 14:01 PM (GMT+7)
Mới từ nửa đầu tháng 1 con đường Hải Thượng Lãn Ông đã phô phang sắc màu mà bao giờ cũng vượng nhất là màu đỏ - một biểu tượng cầu cho 'đỏ' công ăn việc làm quanh năm mới.
Bình luận 0
Sắc xuân trên con đường ‘Ông Làm Biếng’ - Ảnh 1.

Hàng trang trí tết trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Ngữ Yên

Tuy mang tên "Ông Làm Biếng xứ Hải Thượng" nhưng con đường lúc nào cũng năng động, hoạt náo. Chẳng tỏ ra biếng nhác lấy một chút. Mùa lễ hội nào nó cũng như một thứ thước đo báo trước bằng sắc màu và phẩm vật đặc trưng từng sự kiện.

Từ đường Võ Văn Kiệt cua vào đã bắt đầu nghe mùi thuốc Bắc đậm dần lên, đúng như biệt danh chức năng của con đường: phố thuốc Bắc.

Đến vòng xoay Phan Đình Phùng - nơi có tượng đài lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp ở Hương Khê vào năm 1885, mùi thuốc Bắc giảm dần, và con đường thay đổi chức năng, trở thành phố trang trí cho các lễ hội ở Sài Gòn.


Sắc xuân trên con đường ‘Ông Làm Biếng’ - Ảnh 2.

Các cửa hàng ở đường Hải Thượng Lãn Ông trưng ra nhiều sản phẩm đa dạng như: Câu đối đỏ, bao lì xì, dây pháo nhựa, hoa mai, hoa đào nhựa, liễn... Ảnh: VOV

Hai bên đường ngăn cách bởi con lươn, sắc màu đỏ choáng ngợp. Màu đỏ của đèn lồng. Của các liễn chữ. Của các vật phẩm trang trí để gắn lên cành mai vàng. Của những phong pháo giả. Pháo điện tử dài trên một mét, có tiếng nổ giòn như pháo thật, giá trên 800.000 đồng/dây.

Màu đỏ của phong bao đựng tiền lì xì, đựng niềm mong ước của lũ nhỏ. Lì xì tiếng Hán Việt là 'lợi thị', nghĩa là buôn may bán đắt.

Màu vàng của hoa mai trang trí, màu ưu thích của người dân miền Nam mỗi độ xuân về. Màu vàng biểu tượng cho sự hanh thông của thời tiết. Cho mong cầu mưa thuận nắng hòa của một xứ có truyền thống nông nghiệp truyền đời.

Màu vàng của nhang như mong cầu tiền tài, vừa cho tổ tiên vừa cho chính gia đình, bè bạn, dòng họ.

Sắc xuân trên con đường ‘Ông Làm Biếng’ - Ảnh 3.

Mày xanh của bánh tét, bánh chưng cân bình lại sắc vàng và đỏ. Ảnh: Ngữ Yên

Đặc biệt là màu vàng của các loại bông lúa khô. Đó là loại bông phong thủy. Nhưng không phải là bông lúa gạo mà là bông lúa mì. Có vẻ như vì lúa mì đẹp hơn, chớ không phải cầu được ăn bánh mì - một món ăn đường phố nổi tiếng - quanh năm.

Giữa sắc đỏ vàng ấy lại không thể thiếu màu xanh của bánh chưng, bánh tét. Nhất là những đòn bánh tét quen thuộc với người miền Nam, dùng để cúng trên bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên. Màu xanh như một sắc cân bình giữa đỏ và vàng.

Những người đến con đường này sớm hơn hết chủ yếu là những vị khách thích để lại 'dấu vết' cuộc sống bằng hình ảnh của chính mình. Họ đến để mượn màu sắc con đường và vật phẩm để chụp hình.

Sắc xuân trên con đường ‘Ông Làm Biếng’ - Ảnh 4.

Chuẩn bị cho chữ thư pháp từ thiện. Ảnh: T.L.

Người bán hàng không để tâm đến những vị khách không mời mà đến ấy. Họ thậm chí còn lấy cảnh khách túa đến "đường tết" để nức lòng thêm vì khách đông làm cho cảnh nhộn nhịp dễ làm ăn hơn. 

Họ hoàn toàn thân thiện so với những chủ sạp hàng ở chợ Bến Thành. Thậm chí có khách còn được chủ tiệm hướng dẫn đem xe gởi trong các bãi xe chợ Kim Biên.

Chợ Kim Biên là một chợ sỉ lớn chuyên bán hóa chất cung cấp cho sản xuất công nghiệp, thực phẩm và mỹ phẩm.

Ngoài chức năng bán thuốc Bắc và hàng trang trí tết, đường Hải Thượng Lãn Ông còn là con đường duy nhất nằm trong khu bảo tồn thiết kế rộng 5,2 ha được giới hạn bởi các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - Võ Văn Kiệt.

Đường nằm trong hệ thống phố cổ Chợ Lớn được hình thành từ năm 1864 khi Pháp kiểm soát Nam Kỳ. Cách đây khoảng mười năm một số căn nhà đã được phục trang. Đó là những căn nhà còn sót lại nguyên vẹn lối kiến trúc xưa.

Bạn có thể chọn con đường này như một điểm giới thiệu du lịch nhiều sắc thái của một Sài Gòn tú lệ cho những khách vãng lai.

Năm nay các thư pháp gia Sài Gòn viết câu đối cho chữ từ thiện vào sáng 21 tháng Chạp tại số 276 Trần Hưng Đạo (Hội quán Hải Nam).

Các chi hội thư pháp thành phố đã quy tập các thư pháp gia và hội viên tại địa điểm của Hiệp hội Văn học nghệ thuật các dân tộc tại địa điểm của hiệp hội hôm 15/1 để chuẩn bị cho các hoạt động từ thiện lễ hội xuân Nhâm Dần.

Bạn nghĩ mình sẽ xin chữ gì. Tôi, tôi sẽ xin chữ "Dịch" (易)theo nghĩa sự thay đổi những xui rủi của năm cũ, như một mong cầu trong năm mới.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem