"Sài Gòn bao dung" có thêm cơ sở thứ 4 dành cho những cụ già cơ nhỡ

Hoàng Ba Đình Chủ nhật, ngày 25/09/2022 14:23 PM (GMT+7)
"Sài Gòn bao dung" là hệ thống các cơ sở từ thiện chủ yếu dành cho những người từ 60 tuổi trở lên, không nơi nương tựa. Họ đến đây lưu trú dựa vào tình thương của các Mạnh Thường Quân và đóng góp của xã hội.
Bình luận 0

Sài Gòn bao dung - cơ sở thiện nguyện dành cho người lớn tuổi

Thêm một tin vui cho những người già, neo đơn, cơ nhỡ tại TP.HCM. Đó chính là hệ thống từ thiện "Sài Gòn bao dung" nay đã có thêm cơ sở thứ 4. Được biết, hệ thống này dành cho những người từ 60 tuổi trở lên, không nơi nương tựa. Họ đến đây lưu trú dựa vào tình thương của các Mạnh Thường Quân và đóng góp của xã hội.

"Sài Gòn bao dung" với cơ sở khang trang bắt mắt

"Sài Gòn bao dung" với cơ sở khang trang bắt mắt

Nằm ngay địa chỉ 552 Lý Thường Kiệt (Tân Bình), ngay mặt tiền của một khu đất đắc địa chính là cơ sở thứ 4 của hệ thống từ thiện "Sài Gòn bao dung". Cơ sở này do Quỹ từ thiện & Bảo trợ xã hội Trăng Khuyết đứng ra tổ chức. Được biết, do mới khánh thành được vài ngày, nên cơ sở vật chất vẫn còn trong quá trình hoàn thiện.

Ngồi ngay cửa ra vào là bác Trần Phúc Lâm (quận 11), cũng đang lưu trú tại cơ sở này. Bác Lâm cho biết: "Tôi là người Hoa, ở khu vực Chợ Lớn. Cũng do hoàn cảnh nên mới đến 'Sài Gòn bao dung' lưu trú". Bác Lâm cũng nhận xét rằng dù mới đưa vào hoạt động, nhưng mọi việc tại điểm "Sài Gòn bao dung" khá ổn và chu đáo.

Ở miễn phí còn được khen thưởng

Như bao tổ chức khác, những thành viên đăng ký vào đây ở cũng phải tuân theo quy định của "Sài Gòn bao dung". Đại khái, mọi người ở đây phải giữ gìn trật tự, vệ sinh, đi về đúng giờ giấc, không tự ý vắng mặt. Ai vắng mặt quá 3 ngày sẽ bị cơ sở từ chối tiếp nhận.

Các cụ già tại "Sài Gòn bao dung". Trong đó những cụ lớn tuổi được ưu tiên ở cần nhà tắm - nhà vệ sinh.

Các cụ già tại "Sài Gòn bao dung". Trong đó, những cụ lớn tuổi được ưu tiên ở gần nhà tắm - nhà vệ sinh. Ảnh: H.B.Đ


Với những người lưu trú tại đây, hàng năm sẽ được đi khám chữa bệnh định kỳ 6 lần. Bệnh hoạn ốm đau có người lo, ai xung phong đi nuôi bệnh được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày. 

Đặc biệt, mỗi tháng còn có bình chọn 3 người chấp hành tốt nội quy để được khen thưởng. Được biết, vụ khen thưởng này khiến mọi người ở đây rất hào hứng  vì đã gieo được tâm lý phấn khởi giống như thời còn đi học được lãnh thưởng. Vậy mới là Sài Gòn bao dung chứ.

Minh bạch thông tin là tiêu chí hàng đầu

Trao đổi với chúng tôi, bác Lê Hồng Chương (quản lý) cho biết: "Quan trọng là phải rõ ràng. Mọi thông tin, mọi đóng góp của mọi người, chúng tôi đều minh bạch. Để kêu gọi, chúng tôi dùng khẩu hiệu "Đói mời lấy ăn no – Có dư san sẻ để lo cho đời". Những đóng góp đều được ghi nhận rất kỹ, thu thế nào – chi ra sao".

"Còn sinh hoạt tại 'Sài Gòn bao dung', cũng chủ yếu là chuyện săn sóc. Chúng tôi quan niệm 'người khỏe lo cho người yếu – người yếu ít lo cho người yếu nhiều'. Thành thử mọi người đều tự chăm lo cho nhau là chính. Những người hiện nay đang lo cho người yếu đều cố gắng săn sóc tận tâm. Bởi chăm cho người yếu, cũng chính là để khi mình yếu người khác chăm lại cho mình. Cho nên mọi người ở đây đều xem nhau như người nhà" – bác Chương chia sẻ.

Quan cảnh bên trong của "Sài Gòn bao dung"

Quang cảnh bên trong của cơ cở "Sài Gòn bao dung"

"Hiện tại, cơ sở 'Sài Gòn bao dung' đang có 40 giường. Trong đó, chúng tôi quy hoạch 15 giường cho nữ, 15 giường cho nam, 5 giường cho người liệt, 5 giường cho mẹ bầu. Do mới khánh thành, nên hiện tại cũng chỉ mới sử dụng hết 10 giường. Ngoài ra còn có ti vi, máy quạt, tủ lạnh… do mọi người đóng góp" – bác Chương tổng kết về tình hình hoạt động hiện tại.

"Sài Gòn bao dung" đa dạng hình thức đóng góp

Cô Trần Thị Phương Lan (Trưởng nhóm Hành chính và Điều phối vận hành) cho biết: "Đây là cơ sở thứ 4 của chúng tôi. Trước đó, "Sài Gòn bao dung" đã có các cơ sở tại quận 8, quận 12 và Hóc Môn. Lần này được có thêm một cơ sở mặt tiền ngay trung tâm thế này cũng hết sức may mắn. Đó là do cô chủ nhà cũng có tấm lòng bác ái, nên đồng ý cho chúng tôi thuê với giá rẻ."

"Thực ra, chúng tôi cũng không ham những nơi trung tâm đâu, vì chi phí rất đắt đỏ. Nhưng đối với điểm này, chúng tôi hết sức hài lòng, bởi vì điểm này nằm sát bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện 1A. Cho nên hết sức thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của các cụ tại đây. Chưa kể, từ đây cũng dễ tiếp cận những bệnh viện khác như Trưng Vương, Đại học Y dược, Chợ Rẫy." – cô Lan tiếp lời.

"Về săn sóc, đã có các cụ tự chăm cho nhau. Còn nấu nướng, chúng tôi có đầu bếp riêng để nấu cho các cụ. Thực phẩm đã có người đóng góp, hoặc mua từ chi phí của các nhà tài trợ - Mạnh Thường Quân". Nói xong chị Lan chỉ ra khu vực để thùng tiền quyên góp được khóa và niêm phong kỹ càng.

Cô Phương Lan bên những thùng tiền quyên góp

Cô Phương Lan bên những thùng tiền quyên góp.

Tại thùng tiền quyên góp, chia hẳn thành 4 cái thùng với các mục đích hỗ trợ khác nhau. Thùng thứ nhất dành cho "Cứu trợ khẩn cấp". Thùng thứ hai dành cho "Thực phẩm – Nhu yếu phẩm". Thùng thứ 3 là "Thuê nhà – Điện & nước – Người chăm sóc". Cuối cùng là thùng "Cà phê & Ăn vặt"… 

Cô Lan còn cho biết thêm: "Bên dưới mỗi thùng đều có kèm số tài khoản để tiện cho mọi người đóng góp. Các hình thức đóng góp từ hiện vật, tiền mặt, chuyển khoản… chúng tôi đều hết sức trân trọng".

Với những chuẩn bị và tâm huyết này, những mong "Sài Gòn bao dung" sẽ luôn là một mái nhà dành cho những cụ già cơ nhỡ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem