Sẻ chia cùng những số phận kém may mắn

Bảo Linh Thứ tư, ngày 22/06/2022 06:10 AM (GMT+7)
Bên cạnh công tác nội dung, những năm qua Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt có nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người dân, học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa, khó khăn và những số phận kém may mắn.
Bình luận 0

Khó khăn tột cùng

Hoàn cảnh đáng thương của em Trần Quốc Phong (SN 2001 tại thôn Trung Nam, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) khiến ai biết đến cũng phải ngậm ngùi. Mẹ của em mất lúc em vừa chập chững tuổi lên 3, còn anh trai Phong lên 6. 

Mẹ mất, bố em là ông Trần Điện Oánh cũng đổ bệnh thần kinh. Bản thân ông Oánh bị bệnh teo não, parkinson, nhiễm trùng máu, tai biến... Bố và anh trai Phong được người bác đón vào miền Nam nuôi dưỡng. Thế nhưng, một thời gian sau, bệnh tình bố Phong trở nặng nên phải đưa về quê.

Với Phong, mẹ mất, em được cô và cậu nuôi dưỡng. Phong nỗ lực học tập với mong ước bước chân vào cổng trường đại học. Năm 2021, em đã chạm tới ước mơ của mình khi trở thành tân sinh viên của ngành Công nghệ Chế tạo máy Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Niềm vui của Phong chẳng kéo dài được lâu khi bệnh tình của bố em ngày càng trở nặng và được đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tại huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) điều trị. 

Hơn nữa, người bác vẫn thường chăm lo, chu cấp tiền ăn học cho em cũng được phát hiện bị ung thư. Ở cái độ tuổi "xưa nay hiếm", bác không thể đủ sức khỏe để làm thêm. Trong khi đó, bác còn giúp đỡ, nuôi nấng thêm 4 đứa cháu mồ côi khác. Ước mơ về giảng đường đại học mà Phong vừa chạm tới dần tan biến vì gia cảnh quá khó khăn.

Ở một nơi khác… Trong một căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp tại phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một mình bà Lê Thị Kỷ (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) phải gánh gồng nuôi 3 cháu nhỏ. Các cháu của bà đang độ tuổi ăn học. Cháu đầu sinh năm 2006, đứa thứ 2 sinh năm 2010 và cháu nhỏ nhất sinh năm 2016.

Sẻ chia cùng những số phận kém may mắn - Ảnh 1.

Cuộc sống của bà Kỷ và các cháu dựa vào những cân phế liệu nhưng vì dịch Covid-19 nên nó đang được xếp ở một góc hiên nhà. Ảnh: Bảo Yến

Cuộc sống của 4 bà cháu dựa vào những cân giấy, cân sắt, hộp nhựa, vỏ chai... mà bà nhặt được hay người khác thương tình góp cho. Cứ khoảng tầm 10 giờ đêm, khi những đứa cháu đã ngủ, bà Kỷ xách bao tải đi khắp ngõ ngách, nơi tập kết rác để tìm phế thải. 

Ngày may mắn nhặt được nhiều chai nhựa, vỏ lon, nhanh đầy bao thì bà sẽ về sớm, còn không có khi bà đi đến 1-2 giờ sáng. Sau vài ngày hay một tuần, khi gom được kha khá chai nhựa, vỏ lon, giấy vụn thì đem bán cho đại lý thu gom, kiếm được 50.000 – 70.000 đồng để mua gạo.

Thế nhưng, vì dịch bệnh Covid-19, những lệnh giãn cách xã hội, nên bà Kỷ không thể đi gom nhặt phế liệu. Cái đói hiện hữu, 4 bà cháu sống qua ngày nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm, láng giềng nơi phòng trọ và những phần quà cứu trợ của các nhà hảo tâm. Cuộc sống của 4 bà cháu rơi vào bế tắc…

Trao yêu thương, gieo mầm hi vọng

Trước những thông tin thu nhận được đó, Báo NTNN/Dân Việt đã thực hiện các bài viết kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời vượt qua khó khăn. Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều nhà hảo tâm đã chia sẻ với những khó khăn của gia đình em Phong và bà Kỷ.

Phong nhận được suất học bổng trị giá bằng số tiền em phải đóng học phí. Chương trình học bổng dành cho Phong được bắt đầu từ năm học 2021-2022 và thực hiện liên tục đến khi em tốt nghiệp.

Sẻ chia cùng những số phận kém may mắn - Ảnh 2.

Qua bài viết do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đăng tải, Phong nhận được học bổng từ Quỹ Thiện Tâm. Ảnh: NVCC

"Em không nghĩ rằng mình lại được nhận sự hỗ trợ nhiều đến vậy. Em đã gọi điện báo về nhà, mọi người biết em nhận được học bổng nên vui lắm. Các cô, các bác cũng luôn động viên em học tập, còn bố em sẽ được mọi người chung tay giúp đỡ, chăm sóc. Em sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ sự giúp đỡ của mọi người" – Phong xúc động chia sẻ.

Vượt lên hoàn cảnh, năm học qua, trên bảng điểm của Phong có nhiều môn đạt loại xuất sắc, giỏi và xếp loại học lực của Phong đạt loại Khá. Giờ đây, Phong đang cố gắng bắt nhịp với cuộc sống sinh viên xa nhà. Sau mỗi buổi học, chàng sinh viên năm nhất lại vội vàng về phòng trọ ăn tạm bát cơm nguội rồi đi làm thêm tại quán cà phê. "Mỗi tháng, em làm thêm được 2 triệu đồng. Em có chút tiền trang trải cho cuộc sống và tích góp lại để gửi về nhà nhờ cô, bác lo cho bố" – Phong cho hay.

Với bà Kỷ,  Báo NTNN đã trao tận tay bà Kỷ số tiền 20 triệu đồng, 1 bộ máy tính và các phần quà do bạn đọc ủng hộ, hỗ trợ bà và các cháu. Trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Trường Sinh – Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, số tiền 20 triệu đồng đã được gửi tiết kiệm ở ngân hàng cho bà và các cháu dự phòng khi ốm đau.

Sẻ chia cùng những số phận kém may mắn - Ảnh 3.

Ngày 13/9/2021, đoàn từ thiện dành tặng bà Kỷ sổ tiết kiệm 20 triệu đồng, 1 bộ máy tính và các phần quà. Ảnh: Bảo Yến

Bà Kỷ cho biết, sau khi bài báo về hoàn cảnh bà cháu bà được đăng tải trên Báo NTNN/Dân Việt, nhiều bạn đọc và nhiều người khác biết thêm hoàn cảnh của 4 bà cháu nên có những sự hỗ trợ gửi về trực tiếp cho bà. Giờ đây, 4 bà cháu đã chuyển đến một phòng trọ mới rộng rãi, thoáng đãng hơn và tiền phòng trọ cũng được hỗ trợ hơn một nửa. Có được một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ với bà Kỷ là một động lực, chỗ dựa để bà tiếp tục nuôi dạy các cháu. "Tôi khỏe hẳn ra, nhẹ cả người. Các cháu đi học bà không lo khoản tiền bị giục nữa" - bà Kỷ vui vẻ nói.

Với trách nhiệm cũng như lợi thế của một cơ quan truyền thông có hoạt động và sự bao phủ lớn, Báo NTNN/Dân Việt đã và đang hỗ trợ kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi sự giúp đỡ dù lớn dù nhỏ của bạn đọc và các nhà bảo tâm đang thắp lên những tia sáng, niềm tin, hi vọng cho nhiều mảnh đời. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem