Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp: Càng chần chừ, chi phí càng cao

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 01/10/2022 05:20 AM (GMT+7)
Quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đang tạo ra một lượng phế, phụ phẩm rất lớn; gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận 0

Lãng phí tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp

Tổng cục Thống kê ước tính, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%).

Ngoài ra, còn có 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,7%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%).

Theo Bộ NNPTNT, hàng năm, phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương 43 triệu tấn hữu cơ; 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp - Ảnh 1.

Sau thu hoạch, một lượng lớn rơm rạ thải ra đồng. Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hưởng lợi từ hợp tác, tương tác

"Nông nghiệp đóng góp rất nhiều vào biến đổi khí hậu. Cần khắc phục việc này bằng cách cô lập carbon trong đất, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và biến rác thành năng lượng. Việc chuyển đổi hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn được hưởng lợi nhiều từ sự tương tác và hợp tác của nhà hoạch định chính sách. Dự án Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái công bằng tại Việt Nam do liên minh châu Âu tài trợ sẽ góp phần vào nỗ lực này.

Ông Jesus Lavina - Phó trưởng ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam

Càng chần chừ, chi phí càng cao

"Ngành nông nghiệp vẫn là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đã đến lúc, Việt Nam phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn, càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao.

Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ trên diện tích 184.000ha lúa cho thấy, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào giúp nông dân tăng sản lượng từ 5-10%. Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến cũng sẽ giúp cắt giảm phát thải KNK tới 30%".

Bà Carolyn Turk - Giám Đốc Quốc Gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng cho đất, và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Thế nhưng, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.

Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), Việt Nam có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính. Lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Thế nhưng, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ 56,3%.

Một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung. Trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ; lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng rất nhiều...

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ở góc độ kinh tế, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Còn ít mô hình hay

Trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nhiều mô hình hay trong việc áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản là nguồn tài nguyên tái tạo đã được thực hiện.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường dẫn chứng, một số HTX và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học, để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp - Ảnh 3.

Nông dân ở Bình Dương sử dụng mùn cưa cao su để trồng nấm. Nguồn phụ phẩm mùn cưa sau đó lại được tận dụng để trồng rau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì chúng ta có thể thu về từ 4-5 tỷ USD - một giá trị khá lớn.

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty VP Việt Nam Food (VNF), Công ty cổ phần Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá. 

Đây là nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra. Để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc cần làm trước tiên là đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư.

Việc này nhằm khuyến khích và đủ hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm. Từ đó, nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp.

Việc tiếp theo là phải ban hành chính sách khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó có tuần hoàn hở, gắn từng khâu khác nhau, và tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, quá trình sản xuất nông nghiệp thời gian qua chỉ mới chú trọng đến tăng năng suất, sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường.

Trong nông nghiệp, một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng triệu tấn chất thải hữu cơ. "Trong khi, đây là nguồn tài nguyên tái tạo, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác", Thứ trưởng Nam nói.

Theo Bộ NNPTNT, tổng lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng trên 15% tổng lượng phát thải. Nếu không có biện pháp can thiệp, lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới khoảng một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo.

Thứ trưởng Nam cho biết, trước thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nông nghiệp Việt Nam cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, phát thải thấp.

Trước mắt, Bộ NNPTNT chỉ đạo giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đơn vị chức năng xây dựng các chương trình lồng ghép vào kế hoạch sản xuất. Chương trình này bao gồm việc chuyển giao khoa học công nghệ liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đến các hộ sản xuất, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem