dd/mm/yyyy

Tam Đường: Người trồng chè thích ứng với giá phân bón tăng cao

Để giảm bớt khó khăn do giá phân bón tăng cao, huyện Tam Đường (Lai Châu) vận động người trồng chè chăm sóc theo hướng hữu cơ ...

Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng tới người trồng chè ở Tam Đường

Từ nhiều năm nay, cây chè được xem là kinh tế mũi nhọn giúp người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Được biết, tổng diện tích chè toàn huyện Tam Đường là 1.947ha, trong đó chè kinh doanh 1.200ha, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Hiện nay, cây chè được trồng nhiều tại các địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường… với các loại chè: shan tuyết, kim tuyên, PH8. Giá phân bón tăng cao cũng ảnh hưởng nhiều tới việc chăm sóc cây chè của người dân trên địa bàn.

Trao đổi với PV, ông Dương Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường, cho biết: "Thời gian qua, giá các loại phân bón tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho các hộ trồng chè, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trước thực trạng đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân sử dụng một số loại phân chuồng đã qua xử lý đưa vào bón cho cây chè nhằm tạo độ tơi, xốp cho đất và cải tạo đất để cây phát triển bền, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây chè".

Tam Đường: Người trồng chè thích ứng với giá phân bón tăng cao  - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng cao cũng ảnh hưởng nhiều tới việc chăm sóc cây chè của người dân trên địa bàn huyện.(Ảnh: Thanh Ngân)

Thời gian qua, giá phân bón tăng cao, gia đình ông Lò Văn Tiến ở bản Hợp Nhất, xã Bản Bo đã phải giảm lượng phân bón cho cây chè, do đó, sản lượng chè búp tươi thu hái mỗi lứa cũng giảm đi rất nhiều, thu nhập từ cây chè từ đó cũng không được ổn định. Trước khi bước vào vụ thu hoạch lứa chè xuân năm 2022, gia đình ông Tiến đã quyết định mua phân gà đã qua xử lý với giá trung bình 1,6 triệu đồng/1 tấn để bón cho cây chè.

Tam Đường có nhiều giải pháp giúp người trồng chè thích ứng

Trao đổi với PV, ông Tiến, chia sẻ: "Từ khi giá phân bón tăng cao, gia đình tôi chuyển sang đầu tư mua phân chuồng và tận dụng nguồn phân chuồng từ đàn gia súc của gia đình để chăm bón cho cây chè. Năng suất chè từ việc sử dụng phân chuồng không được cao, nhưng giá phân bón lên quá cao nên việc sử dụng phân chuồng để bón chè là giải pháp duy nhất mà người dân chồng chè áp dụng vào thời điểm này".

Tam Đường: Người trồng chè thích ứng với giá phân bón tăng cao  - Ảnh 2.

Do giá phân bón tăng cao nhiều hộ trồng chè chuyển sang mua phân chuồng và tận dụng nguồn phân chuồng từ đàn gia súc để chăm bón cho cây chè.(Ảnh: Thanh Ngân)

Xã Bản Bo là địa phương có diện tích trồng chè lớn của huyện Tam Đường với tổng diện tích hơn 832ha, trong đó chè kinh doanh hơn 534ha. Trước việc giá phân bón tăng cao, chính quyền xã cũng đã đề xuất công ty cổ phần đầu tư và phát triển chè Tam Đường tiếp tục hỗ trợ, cung ứng phân bón theo hình thức chậm trả cho nông dân. Đồng thời, vận động các hộ dân mua phân bón hữu cơ đã qua xử lý ở các tỉnh miền xuôi lên chủ động chăm bón cho cây chè đảm bảo đạt năng suất, chất lượng ngay từ đầu vụ.

Tam Đường: Người trồng chè thích ứng với giá phân bón tăng cao  - Ảnh 3.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc giá phân bón tăng cao, các doanh nghiệp thu mua chè đóng trên địa bàn đã tạo điều kiện cho người dân được mua phân bón theo hình thức trả chậm.(Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với PV, ông Đèo Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: "Để tháo gỡ khó khăn trong việc giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng tới người trồng chè, chính quyền xã đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp thu mua chè đóng trên địa bàn cân đối nguồn phân bón, tạo điều kiện cho người dân mua phân bón theo hình thức trả chậm. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền tới người dân chuyển đổi sang sử dụng nguồn phân chuồng đã qua xử lý để bón cho cây chè, hạn chế dùng phân bón hóa học để giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo được sản lượng cũng như chất lượng chè búp khi thu hoạch.

Có thể thấy, chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ sẽ kéo dài thời gian thu hoạch, sinh trưởng và không ảnh hưởng đến chất lượng của búp chè. Vậy nên, xét về mặt kinh tế và môi trường, việc chăm sóc theo quy trình hữu cơ ở thời điểm hiện tại đang là sự lựa chọn hợp lý, thích ứng với thời điểm giá phân bón tăng cao như hiện nay.

Thanh Ngân-Phạm Hoài