Tháng 8 ở Thành phố mang tên Bác: Lan tỏa tình người cùng vượt qua, đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng

Quang Phương Thứ ba, ngày 31/08/2021 20:45 PM (GMT+7)
Tháng 8, TP.HCM đã tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống Covid-19. Người dân tại TP.HCM đã chung tay cùng nhau san sẻ, hỗ trợ từng phần nhu yếu phẩm để từng bước đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Bình luận 0

Phóng viên Dân Việt là người từng sống trong vùng bị phong tỏa vì dịch Covid-19, cũng là người đi chở từng bó rau, miếng thịt cùng các mạnh thường đến các khu trọ, con hẻm hỗ trợ cho người nghèo.

Tình người lan tỏa đến từng con hẻm

Những ngày đầu tháng 8, TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Số ca dương tính bắt đầu tăng. 

Tại hẻm tôi sống (hẻm 261 Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) cũng bị  cách ly vì có ca F0, rồi tiếp tục bị phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm toàn dân. 

Sau những giờ phút hoang mang ban đầu, người dân dần làm quen với cuộc sống trong môi trường mới: Môi trường bị phong tỏa vì dịch Covid-19. Mọi người cùng san sẻ nhau từng ổ bánh mì, bó rau muống, quả bí, con cá… Rồi động viên nhau: "Cố gắng lên, vài ngày rồi sẽ hết phong tỏa, ngoài kia nhiều khu vực cũng giống mình thôi!".

Tháng 8 ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa tình người cùng vượt đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng - Ảnh 1.

Sống trong những khu vực bị phong tỏa vì dịch Covid-19, người dân san sẻ với nhau từng ổ bánh mì, bó rau... Trong ảnh ông Phùng Quang Bình (hẻm 261 đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) đạp xe san sẻ bánh mì cho những người trong khu cách ly. Ảnh: Quang Phương

Những ngày tiếp đó, số ca dương tính Covid-19 tiếp tục tăng. Những khu dân cư, con hẻm bị phong tỏa (vùng đỏ) ngày càng nhiều. "Vùng xanh", "vùng cam" cũng bắt đầu được hình thành. 

Dù ở trong vùng nào, người dân cũng đều gặp nhiều hạn chế về việc cung ứng nhu yếu phẩm. Vì thế, hàng ngày nhiều nhà thiện nguyện "bất đắc dĩ" đã mang hàng trăm phần gạo, rau củ trao tận tay người dân.

Chúng tôi bắt gặp hình ảnh anh Võ Văn Môn (Công ty Xây dựng Kiến Phát) trong bộ đồ bảo hộ đi trên chiếc xe du lịch 7 chỗ chất đầy những túi gạo, bịch rau muống, hũ mắm, hũ thịt muối… len lỏi đến từng con hẻm, khu trọ. 

"Đi lại mùa dịch khó khăn nhưng cứ mỗi khi trao quà xong, về nhà nhớ lại những nụ cười, cái vẫy tay chào của bà con trong các khu trọ khi nhận được quà, lòng mình hạnh phúc lắm!"

(Anh Võ Văn Môn - Công ty Xây dựng Kiến Phát)

Hơn một tháng qua, anh cùng 3 nhân viên của mình tận dụng 2 xe bán tải và xe 7 chỗ chở gạo, mì gói, rau, thịt heo ngâm mắm, cá ngừ ngâm mắm… chuyển đến những khu phong tỏa hỗ trợ cho bà con.

Anh Môn chia sẻ, ngày đi trao quà, đêm về lại nhận được những tin nhắn của người dân ở khắp nơi. Họ nhắn đang bị phong tỏa vì dịch, không đi chợ được nên trằn trọc mãi. Ban đầu, chỉ dự tính trao 1.000 phần quà nhưng đến nay đã lên đến hơn 5.000 phần và dự kiến sẽ còn tiếp tục nữa.

"Đi lại mùa dịch khó khăn nhưng cứ mỗi khi trao quà xong, về nhà nhớ lại những nụ cười, cái vẫy tay chào của bà con trong các khu trọ khi nhận được quà, lòng mình hạnh phúc lắm! Nhất là hình ảnh của các em bé cầm mì gói mà vui mừng, cười tít mắt...", anh Môn kể.

Tháng 8 ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa tình người cùng vượt đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng - Ảnh 3.

Hàng ngày, anh Võ Văn Môn chất hàng trăm túi quà gồm: gạo, rau muống, thịt heo ngâm mắm... đi đến từng khu trọ để phát cho người dân nghèo. Ảnh: Quang Phương

Hay như hình ảnh chị Nguyễn Thị Kim Phụng (Trường ĐH Tài chính Marketing) đã vận động xin hàng tấn rau, củ, quả từ Lâm Đồng rồi thuê xe chở đến trao cho người dân trong những khu bị phong tỏa. 

Chị Phụng tâm sự: "Trong đợt dịch này, mọi người phải ở nhà, không thể đi làm được nhưng phải lo bao nhiêu thứ chi phí như ăn uống hàng ngày, điện nước, tiền nhà trọ… vì thế có bó rau, quả bí, trái bắp, gói mì hỗ trợ cho họ được phần nào đỡ phần ấy". 

Không chỉ thế, hàng ngày chính tay chị tự chế biến những món như: cá kho, cá chiên, thịt gà kho, cánh gà chiên… để gửi đến cho những sinh viên đang ở trọ tại ký túc xá của trường.

Tháng 8 ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa tình người cùng vượt đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng - Ảnh 4.

Người lao động, sinh viên ở trọ tại khu nhà trọ trên đường số 2 (phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) nhận quà là các nhu yếu phẩm từ các mạnh thường quân. Ảnh: Quang Phương

Không chỉ có vậy, chúng tôi còn gặp khá nhiều nhà báo, phóng viên của các tờ báo, tạp chí tại TP.HCM, mùa dịch họ cũng trở thành những nhà thiện nguyện "bất đắc dĩ". 

Đó là chị "Hòa Momosa" kênh truyền hình An Ninh Tivi, anh Đình Sơn báo Thanh Niên, anh Đặng Văn Đại (báo Giao Thông), anh Đình Du (báo Tài Nguyên Môi Trường)…Hàng ngày ngoài công việc chuyên môn, họ vẫn lặng lẽ vận động xin hàng trăm nghìn suất quà gồm gạo, mì gói, trứng, rau, củ quả, sữa... và cả tiền mặt rồi chở đến khắp các khu trọ để trao cho người lao động nghèo.

Tại một số trường ĐH, CĐ cũng xuất hiện nhiều mô hình để hỗ trợ cho sinh viên khó khăn vì dịch Covid-19 như: Trường CĐ Công ghệ Thủ Đức với "Bách hóa xanh 0 đồng", Trường ĐH Y dược TP.HCM với "Gian hàng 0 đồng"… Những "cây ATM" gạo, rau củ quả… cũng xuất hiện nhiều nơi để hỗ trợ người dân. Những bếp ăn thiện nguyện vẫn đỏ lửa suốt ngày để cho ra hàng nhìn suất ăn hỗ trợ người dân trong khu vực cách ly, lực lượng làm công tác phòng chống dịch.

Quyết không để dân đói 

Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, các cấp chính quyền tại TP.HCM đã dốc toàn lực vừa chống dịch vừa lo an sinh xã hội, nhất là lo bữa ăn hàng ngày cho người dân.

Cũng trong những ngày này, khi nhiều khu trọ đã bắt đầu vọng ra những lời kêu gọi tiếp viện  thực phẩm, UBND TP.HCM đã lập tức triển khai hàng triệu "túi an sinh" cho người dân. "Túi an sinh" gồm các nhu yếu phẩm hàng ngày như: gạo, dầu ăn, nước tương, khẩu trang, thuốc  bệnh…

Tháng 8 ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa tình người cùng vượt đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng - Ảnh 5.

Đại diện Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ LĐTB8XH đến tận phòng trọ tại một con hẻm trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.Gò Vấp) để trao túi an sinh cho người lao động. Ảnh: Quang Phương

Bộ LĐ&TB-XH cũng đã lập Tổ công tác đặc biệt phía Nam để trực tiếp đến từng khu trọ, trực tiếp đến những góc phố trao "túi an sinh" cho người lao động nghèo, người vô gia cư.  

Ông Phạm Anh Thắng, thành viên Tổ công tác đặc biệt chia sẻ: "Có đi đến tận khu trọ, có gặp người ở trọ, có đến tận góc phố, lề đường gặp, trò chuyện với người vô gia cư mới thấu hết cái khổ của họ trong đại dịch".

Chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh anh Huỳnh Văn Hùng cùng 8 hộ dân sống tại đường 14B, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) đã mừng rơi nước mắt khi nhận được "túi an sinh". 

Anh Hùng xúc động nói: "Chúng tôi toàn dân lao động nghèo, dịch buộc phải ở nhà, không dám ra đường nên nhiều nhà đã khó càng thêm khó, nhiều nhà đã hết gạo để nấu cơm. Được tiếp tế gạo, bánh chưng, nước sát khuẩn thế này mừng không gì tả nổi".

Tháng 8 ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa tình người cùng vượt đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng - Ảnh 6.

Lực lượng bộ đội tham gia phát nhu yếu phẩm đến tận tay người dân. Trong ảnh là bộ đội trao túi an sinh cho người dân tại một con hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh. Ảnh: Quang Phương.

Những ngày của tuần cuối tháng 8, tình hình dịch tại TP.HCM vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. TP.HCM nâng mức giãn cách xã hội thêm một "nấc": người dân "ai ở đâu ở yên đó". Lực lượng bộ đội được tăng cường về tận phường, xã để hỗ trợ người dân.

Chúng tôi lại theo chân họ để len lỏi vào những con hẻm, dãy trọ, đến cả những nhà dân đang nằm trong "vùng cam", "vùng đỏ" để trao "túi an sinh".  Với những gia đình có điều kiện hơn, đặt mua hàng qua siêu thị, bộ đội vận chuyển đến tận cổng nhà trao cho người mua để họ yên tâm ở nhà chống dịch.

Bộ đội cùng lực lượng tại địa phương len lỏi vào từng con hẻm để trao nhu yếu phẩm đến tận tay người dân giúp họ yên tâm ở nhà phòng chống dịch Covid-19. Trong clip là cảnh bộ đội đi trao quà tại một con hẻm nhỏ ở phường 24, quận Bình Thạnh. Clip: Quang Phương.

Tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm giúp dân tại phường Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức), trung sĩ Phạm Quốc Khánh (Sư đoàn bộ Binh 5, Quân khu 7), chia sẻ: "Được giúp đỡ người dân như thế này thấy ấm lòng lắm. Vì mình giúp họ yên tâm ở nhà, là cộng đồng giảm đi nguy  cơ, tập trung lo chống dịch Covid-19".

Tháng 8, đúng một tháng thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM đã trôi qua. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tình người ấm áp vẫn đang tiếp tục lan tỏa ngày càng sâu, rộng. Hy vọng, điều đó sẽ sớm giúp TP.HCM chiến thắng, vượt qua đại dịch Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem