Thiếu nguồn nhân lực trẻ ở làng nghề đan lát trăm tuổi TP.HCM

Mai Ánh Thứ tư, ngày 17/08/2022 14:08 PM (GMT+7)
Làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) có tuổi đời hơn 100 năm đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu nguồn nhân lực trẻ.
Bình luận 0

Để giữ nghề đan lát không bị mai một đòi hỏi phải có người kế thừa. Nhưng hiện nay, ở làng nghề đan lát Thái Mỹ có rất ít người trẻ tham gia làm. Hơn nữa, thu nhập mà nghề đan lát mang lại tùy theo số lượng sản phẩm của người thợ làm ra. Trong khi đó, quy trình để cho ra một sản phẩm đan lát hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn thủ công như chặt trúc, cưa thành đoạn, chẻ nan, đan,... .

Vì thế, một bộ phận lớn thanh niên tại địa phương đã lựa chọn làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bà Nguyễn Thị Nhắn ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã hơn 20 năm làm nghề đan lát các sản phẩm từ tre, trúc tâm sự, hiện tại, các hộ gia đình ở xã Thái Mỹ nhận làm gia công từng công đoạn. Bà Nhắn thường nhận chẻ nan và đan thành phẩm, còn hộ gia đình khác sẽ làm vành rồi hoàn thiện sản phẩm. Sau đó, thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom sản phẩm đem tiêu thụ ở các địa phương lân cận khác.

“Ở làng nghề này không có người trẻ ngồi ở nhà làm công việc này đâu. Người trẻ đi làm công nhân có thu nhập cao, ổn định hơn, một tháng kiếm 5 - 6 triệu đồng. Còn làm cái nghề này cao lắm thì tháng kiếm được khoảng 1 triệu đồng thôi”, bà Nhắn giải thích.

Thiếu nguồn nhân lực trẻ ở làng nghề đan lát trăm tuổi   - Ảnh 2.

Xưởng mây tre lá Thiên Long (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) tồn tại hơn 24 năm. Ảnh: Mai Ánh

Tại cơ sở mây tre lá Thiên Long của bà Lê Thị Huých (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) có 10 nhân công chuyên làm các công đoạn cuối để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Họ cũng nằm trong độ tuổi từ 40 đến 50. Bà Huých cho biết ở xã Thái Mỹ hơn 50% hộ dân đã không còn làm cái nghề đan lát này nữa. Bởi nguyên liệu đầu vào là tre, trúc bị giảm về số lượng, hơn nữa thiếu nhan lực trẻ và thị trường yêu cầu chất lượng, mẫu mã cũng khắt khe hơn. 

Làng nghề đan đát Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) có 1 cở sở đan đát, 7 tổ hợp tác và 195 hộ tham gia sản xuất (trong đó, 32 hộ là thành viên của 07 tổ hợp tác). Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 390 lao động với các sản phẩm đặc trưng như nia, tràng, thúng, rổ, rá.

Làng nghề còn đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, diện tích trồng tre, trúc tại địa phương đang dần bị thu hẹp, các hộ dân phải mua nguyên liệu phục vụ sản xuất từ các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh,... .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem