Thời điểm quyết định đối với doanh nghiệp bất động sản, sống hay "chết trên đống tài sản"

Hồng Trâm Thứ năm, ngày 09/02/2023 10:34 AM (GMT+7)
Thời gian qua, việc thắt chặt dòng vốn tín dụng cùng điểm nghẽn pháp lý đã khiến nhiều dự tê liệt, nằm đắp chiếu. Theo đó, TP.HCM hiện có 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư đã ngưng thi công.
Bình luận 0

Nhiều dự án bất động sản nằm "đắp chiếu"

Thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua nhìn chung khá ảm đạm khi loạt dự án đình trệ vì doanh nghiệp thiếu vốn. 

Ghi nhận tại TP.HCM, thực tế có không ít các công trình nhà ở đang được xây dựng dở dang. Một số công trình bên trong chỉ lác đác vài công nhân thi công cầm chừng. Bên ngoài, hàng rào tôn được dựng lên đã bạc màu theo thời gian.

Theo báo cáo về tình hình phát triển đô thị năm 2022 mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi Cục Phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng, hiện nay TP.HCM có 138 dự án trong tổng số 354 dự án đã hết thời gian thực hiện theo quy định tại quyết định chấp thuận đầu tư.

Thiếu vốn, hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM dừng thi công - Ảnh 1.

Nhiều dự án bất động sản dừng thi công vì thiếu vốn. Ảnh: H.T

Trong đó, có 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư đã ngưng thi công. Đơn cử, Khu nhà ở cao tầng và khách sạn, thương mại, dịch vụ 1 Bis – 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu của Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy; 3 dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh; dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ số 76 đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 của Công ty TNHH đầu tư Sabeco HP; Khu phức hợp cao ốc văn phòng, thương mại, khách sạn và chung cư số 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5 của Công ty CP đầu tư bất động sản Sài Gòn Vina.

Dự án cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ Lakeside Tower (Tháp Bên Hồ), quận 7 của Công ty CP xây dựng thương mại Đất Phương Nam; chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ văn phòng (Samland Riverside) tại 147 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh của Công ty CP địa ốc Samco; khu nhà ở D2 tại Khu Y tế kỹ thuật cao, quận Bình Tân do Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 5 làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư Đông Mê Kông, huyện Nhà Bè của Công ty TNHH dịch vụ thương mại SXXD Đông Mê Kông…

Bên cạnh đó, hiện TP.HCM có 56 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa thi công xây dựng. 

Đơn cử, dự án cao ốc thương mại, dịch vụ kết hợp căn hộ chung cư số 104 Nguyễn Văn Cừ, quận 1 của Tổng Công ty Bến Thành TNHH Một Thành Viên; Căn hộ và thương mại dịch vụ số 2 Trần Não, TP.Thủ Đức của Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An; dự án khu thương mại và nhà cao tầng Golden Gate, quận 7 của Công ty CP Thương mại và xây dựng Thành Hiếu…

Để hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong giai đoạn khó khăn, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã kiến nghị Bộ Xây dựng (Cục Phát triển đô thị) về việc Sở sẽ tham mưu UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh tiến độ các dự án tại quyết định chấp thuận đầu tư theo Nghị định 11/2013.

Thiếu vốn, hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM dừng thi công - Ảnh 3.

Thắt chặt tín dụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án. Ảnh: H.T

Đồng thời, Sở Xây dựng cũng sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với những dự án không thuộc các trường hợp theo Khoản 3, Điều 41, Luật Đầu tư 2020. Cụ thể, điều chỉnh một số chỉ tiêu kiến trúc của dự án (như: mật độ xây dựng, tầng cao, tầng hầm, phương án tổng thể mặt bằng…) và tiến độ dự án nhưng không làm thay đổi mục tiêu, không thay đổi quy mô sử dụng đất trên 10% hoặc trên 30ha, không thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên (theo suất vốn đầu tư hàng năm do Bộ Xây dựng ban hành).

Thời điểm quyết định đối với thị trường bất động sản

Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết, từ nửa cuối năm 2022,  doanh nghiệp đã lâm vào cảnh khó khăn vì không xoay được dòng vốn ngân hàng. Trong khi đó, các chi phí hoàn thiện sản phẩm như vật liệu xây dựng, nhân công, tiền đất... thì liên tục tăng. Các khách hàng mua sản phẩm cũng gặp khó khăn mà không thể đóng tiền đúng tiến độ. Do vậy, dự án của công ty đã phải tạm ngưng thi công vào quý 4/2022 để chờ cơ cấu dòng vốn.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp bất động sản, thị trường sau Tết được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà đang thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng. Áp lực phải có dòng tiền để vận hành, duy trì tiến độ dự án ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp địa ốc khi thị trường trầm lắng. Tình trạng này thách thức rất nhiều doanh nghiệp, đặt họ vào thế co cụm, cơ cấu lại dự án, lùi thời điểm bán hàng để tiết kiệm chi phí.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng năm 2023 là thời điểm "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản, cần được hỗ trợ giải quyết "nút thắt" về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua khó khăn.

Thiếu vốn, hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM dừng thi công - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ "chết trên đống tài sản" vì thiếu dòng tiền. Ảnh: H.T

Theo đó, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có Giấy phép xây dựng thì mới được vay vốn tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có "chấp thuận chủ trương đầu tư" và "tài sản bảo đảm cho khoản vay" là đúng quy định pháp luật. 

"Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng còn đưa ra nhiều điều kiện vay quá khắc khe, như yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép xây dựng, giống như "giấy phép con", làm khó doanh nghiệp bất động sản. Do đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có giấy phép xây dựng mới được vay vốn", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.

Đối với doanh nghiệp có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành nợ xấu thuộc nhóm 2, nhóm 3 có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án, HoREA đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét giải quyết trong trường hợp dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư và có tính khả thi, có tài sản bảo đảm và được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN) giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng.

Theo ông Châu, nếu cơ quan quản lý không kịp thời có biện pháp hỗ trợ thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ "chết trên đống tài sản". Đồng thời, HoREA kiến nghị NHNN hỗ trợ người mua nhà được vay vốn tín dụng, để giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem