Ngày 29-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022. Các thành viên Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam bước sang quý II/2022 trong bối cảnh xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, giá cả nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, giá vận tải thế giới tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, chuỗi cung ứng lao động, giao thông vận tải xảy ra đứt gãy ở một số nước. 

Thủ tướng nhắc dịch đợt 4 bùng phát dịp nghỉ lễ 30-4, yêu cầu không chủ quan - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, một số thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam có tăng trưởng GDP sụt giảm. Một số vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp.

Ở trong nước, lãnh đạo Chính phủ cho biết dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ do có thể xuất hiện những biến chủng mới trên thế giới. Các cấp, các ngành quyết liệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội...

Ngoài ra, nhiều vấn đề tồn đọng liên quan tới các tổ chức tín dụng yếu kém được tiếp tục giải quyết trong tháng 4, cùng với đó là tháo gỡ khó khăn các dự án yếu kém. Thủ tướng cũng nhắc đến chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng vừa qua đã ghi nhận tình trạng chậm tiến độ tại dự án nhiệt điện Long Phú 1 đang chậm tiến độ, cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thời gian tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tại ý nghĩa của hội nghị về phát triển thị trường vốn tổ chức ngày 22-4, với tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế nhưng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. 

Về tình tình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Vị thế và uy tín đất nước ta trên thị trường quốc tế được nâng lên.

Nhắc lại đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4-2021 trong dịp nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, trong bối cảnh Việt Nam có độ bao phủ vắc-xin lớn nhưng độ mở cửa cũng rất lớn.

Về nhiệm vụ tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý đến công tác chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, SEA Games 31…


Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tại phiên họp, tình hình tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm; nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.

Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 4 khá sôi động. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỉ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.

Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 ngàn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.

Công tác an sinh xã hội, các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh.