Tiền Giang: Trồng cây cho trái chưng mâm ngũ quả, ông nông dân thu nửa tỷ mỗi năm

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 10/12/2021 19:02 PM (GMT+7)
Đam mê trồng bưởi da xanh, ông Phạm Hoàng Minh (xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thu nửa tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Hiện, ông Phạm Hoàng Minh (xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang chăm sóc hơn 1.000 gốc bưởi da xanh chuẩn bị cho vụ bưởi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tiền Giang: Đam mê trồng loại cây cho trái chưng mâm ngũ quả, ông nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Phạm Hoàng Minh (xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) tỉa tót, chăm chút vườn bưởi da xanh cho vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Trần Đáng.

Thắng - thua vụ bưởi da xanh Tết

Trong vườn của ông Minh lúc này chỉ thấy bưởi treo lúc lắc. Hỏi vì sau không trồng cây khác xen vào? Ông cười: "Tôi đam mê trồng bưởi da xanh. Bưởi cho giá trị cao, nên không cần trồng xen cây khác".

Với ông Minh, trồng bưởi thắng – thua chỉ mỗi vụ Tết. Vì thế, ông rất tập trung chăm bón vụ này.

"Tết Nguyên đán là thời điểm bưởi da xanh có giá cao nên nông dân chú trọng xử lý ra hoa cho trái", ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, ngay từ những ngày đầu làm trái, ông phải cắt tỉa cành, tước lá, điều chỉnh bón phân và tưới nước cho thu hoạch đúng dịp Tết.

Điều quan trọng là, dù đây là vụ chính trong năm nhưng không vì thế làm suy cây bưởi.

Tiền Giang: Đam mê trồng loại cây cho trái chưng mâm ngũ quả, ông nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Để có bưởi da xanh bán Tết, ông Minh phải chọn từng trái và chăm bón rất kỹ. Ảnh: Trần Đáng.

Theo đó, vào đầu tháng 4 âm lịch bón cho mỗi gốc khoảng 1 - 1,5kg phân NPK. Sau đó tưới nước giữ ẩm thường xuyên cho gốc. Sau khi bón phân tưới nước 3 ngày thì xịt thuốc kích thích ra hoa.

Đến đầu tháng 10 âm lịch thì bón phân lần cuối. Lần bón này dùng 2/3 phân DAP trộn đều với 1/3 phân kali, rồi bón cho mỗi gốc khoảng 0,5kg hỗn hợp này.

Từ khi tượng trái, cứ khoảng mỗi tháng phun phân bón lá 1 lần.

"Làm như vậy cây bưởi sẽ cho trái bán đúng vào dịp Tết Nguyên Đán", ông Minh thổ lộ.

Tất nhiên, không phải 100% trái trong vườn đều trở thành bưởi Tết.

Bưởi Tết không giống như bưởi ngày thường. Bưởi Tết là để bày trí trên mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ tổ tiên, nên ngoài chất lượng ngon còn phải có mẫu mã to tròn, màu sắc đẹp, bóng láng.

Tiền Giang: Đam mê trồng loại cây cho trái chưng mâm ngũ quả, ông nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Vụ bưởi da xanh Tết chưa đến, nhưng đã có thương lái đến tận vườn ông Minh hỏi mua. Ảnh: Trần Đáng.

Bưởi Tết cũng không phải là bưởi cặp mà là bưởi rời, cuống lá tươi tốt.

Vì vậy, trong quá trình trồng, ông Minh phải chọn ra những trái bưởi đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Tết.

Mong vụ bưởi da xanh được mùa, được giá

Thực tế, chưa vụ bưởi Tết nào khiến ông Minh lo như năm nay.

Sau giãn cách chống dịch Covid-19 vừa qua, vườn bưởi của ông xơ xác, cỏ mọc um tùm.

Chưa kể, năm nay phân, thuốc tăng chóng mặt, dự báo sức mua thị trường Tết cũng không sáng sủa.

Tiền Giang: Đam mê trồng loại cây cho trái chưng mâm ngũ quả, ông nông dân thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Vườn bưởi da xanh trĩu quả của ông Minh. Ảnh: Trần Đáng.

Với bưởi thường, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Khi bước vào vụ bười Tết, giá bưởi da xanh đội lên 50.000 – 70.000 đồng/kg.

"Mọi năm, tôi kiếm được khoảng nửa tỷ đồng nhờ trồng bưởi. Chỉ mong vụ Tết này, thị trường hút hàng, nông dân bán hết bưởi để có cái Tết sung túc bù cho một mùa dịch Covid-19 đầy khó khăn", ông Minh bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem