TP.HCM: Các trường ĐH, CĐ đua nhau cho sinh viên… nợ học phí

Quốc Hải Thứ ba, ngày 07/09/2021 13:56 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các trường ĐH, CĐ thậm chí còn phải tăng chi phí đầu tư cơ sở, hạ tầng để dạy online nhưng vẫn dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên trong năm học 2021-2022. Đặc biệt, nhiều trường còn cho sinh viên nợ học phí để khỏi “đứt gánh” giữa đường…
Bình luận 0

Thông thường, khoản học phí đầu năm học sẽ được các trường ĐH, CĐ sử dụng vào mục đích tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, trả lương cho cán bộ giảng viên, chi phí mặt bằng, điện nước… 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều trường đã quyết định cho sinh viên nợ hàng chục tỷ đồng học phí với suy nghĩ đơn giản: "Chỉ mong san sẻ để sinh viên không… 'đứt gánh' giữa đường vì gánh nặng học phí".

TP.HCM: Các trường ĐH, CĐ đua nhau cho sinh viên… nợ học phí - Ảnh 1.

Sinh viên được hỗ trợ cho nợ học phí, giảm học phí và các chính sách học bổng hấp dẫn. Ảnh: UFE

Lan tỏa chính sách nhân văn trong mùa dịch

Đi đầu trong "cuộc đua" cho sinh viên nợ học phí là Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết, ngay khi Bộ GD-ĐT phát động ngành giáo dục vào cuộc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trường đã quyết định cho phép những sinh viên còn nợ học phí học kỳ cũ vẫn được đăng ký môn học cho học kỳ mới.

"Trước đây, sinh viên phải hoàn tất các khoản nợ trước mới có thể đăng ký. Hiện nay, do dịch bệnh, trường cũng gặp khó khăn song nhiều gia đình còn khó khăn hơn. Nếu chỉ vì chưa kịp đóng học phí do dịch Covid-19 mà sinh viên bị chậm tiến độ học tập thì rất thiệt thòi cho sinh viên, nên trường muốn tạo điều kiện cho các em" - thầy Lý chia sẻ.

Sau khi Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM triển khai chính sách này, hàng loạt trường ĐH, CĐ khác tại TP.HCM đã quyết định áp dụng theo.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng quyết định gia hạn đóng học phí cho khoảng 10.000 sinh viên. 

"Bình thường, sinh viên sẽ phải đóng học phí từ tháng 8 khi năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, trường quyết định cho các em kéo dài thời gian đóng học phí đến khi thi giữa kỳ, dự kiến là cuối tháng 9. Tổng số học phí được gia hạn vào khoảng 100 tỷ đồng", TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay.

TP.HCM: Các trường ĐH, CĐ đua nhau cho sinh viên… nợ học phí - Ảnh 2.

Các trường cho sinh viên nợ học phí góp phần giúp các em và gia đình an tâm hơn trong mùa dịch. Ảnh: Hutech

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng quyết định cho 2.416 sinh viên nợ học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 tới ngày 30/9, thay vì phải đóng ngay đầu năm học mới. Tổng giá trị gia hạn lần này hơn 30 tỷ đồng.

Cũng có cách làm tương tự, các trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; ĐH Gia Định, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Văn Hiến, CĐ Đại Việt… cũng "bắt chước" theo chính sách này.

TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - cho hay, với các trường ngoài công lập, việc cho sinh viên nợ học phí sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là vì nguồn thu học phí sẽ được chi vào các khoản như lương, phụ cấp cho giảng viên, vận hành hệ thống quản lý, chi phí mặt bằng, điện nước,... Tuy nhiên, không thể vì thế mà trường không hỗ trợ sinh viên, "ép" sinh viên đóng đủ học phí mới được học.

"Học tập là quyền lợi của các em sinh viên, quan điểm của nhà trường là phải tạo điều kiện tốt nhất để các em không bị 'đứt gánh' giữa đường vì chuyện học phí, dù có thể vì việc này mà trường phải tính đến chuyện vay ngân hàng để có nguồn bù đắp", ông Lê Lâm tâm sự.

Được biết, không chỉ cho sinh viên nợ học phí, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn còn giảm 15% học phí năm nay để san sẻ gánh nặng tài chính với người học. Đặc biệt, thay vì phải đóng một lần ngay đầu tháng 8, trường cho sinh viên đóng làm 2-3 lần, cho đến trước khi thi học kỳ 1 của năm học 2021 - 2022.

"Có khoảng 1.500 sinh viên của trường này được gia hạn học phí, với tổng học phí "nợ" là khoảng gần 10 tỷ đồng", ông Lâm cho biết.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ tân sinh viên

Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch Covid-19, có thể thấy nhiều chính sách, cách làm mới đầy nhân văn của các trường ĐH, CĐ đã góp phần giúp cho hàng chục nghìn sinh viên và gia đình giảm bớt gánh nặng lo toan trong mùa dịch. Trong đó, có nhiều chính sách khá "lạ" nhưng cực kỳ hiệu quả, chẳng hạn như chương trình "Nhập học 0 đồng, hỗ trợ sinh viên vượt qua Covid-19" mà Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng áp dụng cho 5 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Gia Định, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông).

Cụ thể, sinh viên theo học tại 5 trường này được "trả góp" học phí trong 12 tháng lãi suất 0% (qua thẻ ngân hàng) trong năm học 2021-2022. Thủ tục được xử lý trong tối đa 48 giờ, phụ huynh không cần có tài sản thế chấp, không cần chứng minh thu nhập. Hạn mức vay lãi suất 0% cho gói học phí lên đến 500 triệu đồng.

TP.HCM: Các trường ĐH, CĐ đua nhau cho sinh viên… nợ học phí - Ảnh 4.

Sinh viên trong giờ học thực hành về sinh vật - Ảnh: Hutech

Hoặc, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng áp dụng cho sinh viên toàn hệ thống (các trường thành viên) được hỗ trợ vay ưu đãi học tập lãi suất 0%, tối đa 10 triệu đồng/học kỳ. Chương trình do Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện, nhằm hỗ trợ kịp thời cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trường Đại học Văn Hiến cũng công bố thông tin Quỹ Trái tim Hùng Hậu áp dụng gói 50 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho thí sinh và sinh viên được vay học phí học tập với lãi suất 0%. Đặc biệt, đối với thí sinh không may bị F0 hoặc người thân (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) bị F0, Nhà trường sẽ hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1.

"Năm nay, dịch bệnh lại càng khó khăn nên trường tiếp tục chia sẻ bớt gánh nặng với phụ huynh bằng hàng loạt chính sách học bổng mới, cũng như hỗ trợ 50% học phí học kỳ I cho tân sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cũng trao học bổng từ 50 - 100% học phí cho sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng 1 vào trường" - ông Trần Minh Hậu - Giám đốc Điều hành Trường ĐH Văn Hiến, chia sẻ.

Nhiều trường ĐH, CĐ khác thì triển khai các gói học bổng lên đến hàng chục tỷ đồng cho sinh viên. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dành 40 tỷ đồng để trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên trong năm nay với trị giá 100%, 75%, 50% và 30% học phí; thực hiện xét học bổng theo từng học kỳ để sinh viên có động lực học tập và nghiên cứu.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng dành hơn 40,6 tỷ đồng hỗ trợ học bổng, học phí cho sinh viên năm học 2021-2022.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng vừa triển khai gói hỗ trợ người học trị giá 25 tỷ đồng, với chương trình giảm 5% học phí học kỳ giữa, học kỳ cuối 2021 cho người học và 1.000 suất học bổng hỗ trợ người học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem