TP.HCM cần hơn 1.100 tỷ đồng "nới" đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Hồng Trâm Thứ ba, ngày 28/02/2023 10:03 AM (GMT+7)
TP.HCM dự kiến mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú tới đường Vành đai 2, để giải quyết tình trạng nút thắt cổ chai, giảm ùn tắc giao thông.
Bình luận 0

Ùn tắc đường dẫn vào cao tốc

Với vai trò là tuyến đường kết nối TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) đã quá tải, thường xuyên ùn tắc sau nhiều năm đưa vào khai thác.

Được biết, với tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng giai đoạn một, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết, đi Vũng Tàu và đi từ TP.HCM đến ngã ba Dầu Giây - Đồng Nai. 

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC- chủ đầu tư) cho biết lưu lượng xe qua tuyến năm 2015 khoảng 10 triệu lượt, đến năm 2021 đã tăng lên hơn 16 triệu. Hiện nay, mỗi ngày tuyến cao tốc này phục vụ khoảng 50.000 lượt xe (lễ, Tết 60.000 lượt xe), trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe.

TP.HCM kiến nghị đầu tư hơn 1.100 tỷ "khơi thông" đường dẫn vào cao tốc - Ảnh 1.

Đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc. Ảnh: H.T

Các chuyên gia đánh giá, việc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quá tải nhanh như vậy là do cao tốc thiết kế chỉ có 4 làn xe. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng khách khiến tuyến cao tốc này thường diễn ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, là không đồng bộ các điểm kết nối.

Đơn cử, nút thắt ùn tắc của cao tốc này là nút giao An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và nút giao với Quốc lộ 51 (Đồng Nai). Đáng chú ý là nút giao An Phú, nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, khiến áp lực giao thông rất lớn.

Anh Nguyễn Văn Toàn (tài xế xe tải) - hàng ngày đi làm qua khu vực đường dẫn vào cao tốc này, chia sẻ: "Trên cao tốc thì nhiều làn xe chạy rất thông thoáng, nhưng khi đến khu vực đường dẫn nút thắt cổ chai là kẹt cứng không lối thoát. Có những hôm tôi phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới nhích ra được khỏi khu vực trên".

Hơn 1.100 tỷ đồng mở rộng đường dẫn cao tốc

TP.HCM xác định việc mở rộng đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là nhiệm vụ cấp bách.  Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM, về việc mở rộng đường dẫn cao tốc này.

TP.HCM kiến nghị đầu tư hơn 1.100 tỷ "khơi thông" đường dẫn vào cao tốc - Ảnh 3.

Đề nghị mở rộng 4km đường dẫn vào cao tốc. Ảnh: H.T

Theo Sở GTVT, tuyến TP.HCM - Dầu Giây dài hơn 55km đã khai thác từ năm 2016, với quy mô 4 làn xe. Hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng phương án mở rộng đoạn từ sau nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong đó, VEC kiến nghị giao UBND TP.HCM đầu tư mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú tới đường Vành đai 2, vì đây là đường trong đô thị, đang thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố.

Theo Sở GTVT, đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 dài hơn 3,7km. Để đồng bộ với nút giao An Phú (khởi công từ cuối năm 2022) cùng với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn cần mở rộng lên 8 làn xe, bề rộng nền đường 36m.

Phạm vi mở rộng cao tốc là 21,92km, từ km 4 đến km 25+920 (nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).

Trong đó, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (km 4 đến km 8+770) sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 8+770 đến km 25+920) sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe theo quy hoạch.

TP.HCM kiến nghị đầu tư hơn 1.100 tỷ "khơi thông" đường dẫn vào cao tốc - Ảnh 4.

Phá nút thắt cổ chai, các phương tiện sẽ giảm ùn tắc khi qua khu vực đường dẫn. Ảnh: H.T

Về phương thức đầu tư, đường dẫn cao tốc đang thuộc thẩm quyền quản lý của TP.HCM, đồng thời Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất theo đề xuất của VEC, kiến nghị giao UBND thành phố thực hiện.

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc sử dụng ngân sách thành phố để triển khai dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là phù hợp. Hiện đoạn đường dẫn TP.HCM đã giải phóng mặt bằng theo hành lang rộng 116m (bao gồm cả tuyến đường sắt nhẹ).

Về tiến độ dự kiến, theo Sở GTVT, năm 2023 sẽ lập và phê duyệt chủ trương đầu tư; thi công từ quý 2/2025 và hoàn thành công trình năm 2027. Tổng vốn đầu tư dự án mở rộng đường dẫn cao tốc này  khoảng 1.123,9 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem