TP.HCM chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: 1 đồng hỗ trợ lãi vay có thêm 14 đồng đầu tư

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 11/12/2022 09:57 AM (GMT+7)
Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, TP.HCM đã thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Bình luận 0

Từ năm 2001, nông nghiệp TP.HCM đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu thông qua Chương trình giống chất lượng cao với các đột phá 2 cây - 2 con (rau an toàn, dứa cayenne, bò sữa, tôm sú); đến năm 2004 bổ sung thêm cây, hoa kiểng và cá cảnh.

Chuyển dịch mạnh mẽ nông nghiệp đô thị 

Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, giai đoạn từ năm 2005-2010, nông nghiệp thành phố đã thực hiện chuyển dịch diện tích trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả hơn, như: Rau, hoa kiểng, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt 158,2 triệu đồng/ha/năm (năm 2010).

Giai đoạn 2011 - 2014, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã có bước chuyển biến mới về năng suất, chất lượng, một số cây trồng, vật nuôi chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, sản xuất theo hướng VietGAP tiếp tục phát huy tác dụng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, bước đầu đã mở ra được thị trường xuất khẩu.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: 1 đồng hỗ trợ lãi vay  có thêm 14 đồng đầu tư - Ảnh 1.

Nuôi cá cảnh ở Bình Chánh. Ảnh: Trần Đáng

Theo thạc sĩ Bùi Thanh Giang, việc thu hút vốn đi đôi với đảm bảo hiệu quả đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp TP.HCM tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Trong giai đoạn 2015-2018, TP.HCM đã phát triển nhiều mô hình hiệu quả. Chuyển từ trồng lúa với lợi nhuận bình quân 17 triệu đồng/ha/năm sang trồng rau các loại có lợi nhuận 300 - 600 triệu đồng/ha/năm; trồng lan các loại lợi nhuận đạt 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm và nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh với lợi nhuận gấp 10 - 25 lần trồng lúa.

Khảo sát tại 5 huyện ngoại thành, giai đoạn 2014 - 2017, có 8.383 hộ nông nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Bình quân, mỗi năm có 2.169 hộ chuyển đổi.

Theo thạc sĩ Bùi Thanh Giang (giảng viên Khoa Hành chính và Pháp luật, Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP.HCM), thành phố đang chuyển dịch cơ cấu sang các loại cây, con mới phù hợp với đặc thù của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.

Đảm bảo hiệu quả đầu tư

Có thể thấy, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, những năm qua TP.HCM đã ban hành nhiều chính hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân, doanh nghiệp, HTX. Trong đó, rõ nhất là Quyết định 655 của UBND TP.HCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn. 

Theo đó, tùy theo hạng mục đầu tư, thành phố sẽ hỗ trợ 60 - 100% lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với hạn mức hơn 10 tỷ đồng.

Theo Sở NNPTNT, giai đoạn 2011 - 2021, đã có 24.611 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 13.847.771 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi vay 8.403.278 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư là 562 triệu đồng/phương án và vốn vay là 341 triệu đồng/phương án. 

Kết quả thực hiện cho thấy, ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi vay 1 đồng vốn, đã huy động được 14,5 đồng vốn đầu tư trong dân và tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Theo thạc sĩ Bùi Thanh Giang, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phải sử dụng máy móc hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp là đúng đắn nhưng phải đảm bảo về hiệu quả đầu tư. Hiệu quả sử dụng vốn thấp sẽ gây lãng phí nguồn vốn và làm cho tình trạng thiếu hụt vốn sẽ càng nặng hơn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem