TP.HCM đi trước và về trước: Hiện thực hóa giấc mơ đô thị du lịch hàng đầu châu Á (bài 2)

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 01/05/2022 06:30 AM (GMT+7)
TP.HCM đang trên đường hiện thực hóa kỳ vọng trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, lối sống trong một thành phố năng động, an toàn, thông minh.
Bình luận 0

Mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3, ngành du lịch TP.HCM đang dần khởi sắc và lấy lại phong độ. Khách du lịch quốc tế đã có mặt tại rất nhiều điểm tham quan để trải nghiệm một TP.HCM năng động, hấp dẫn.

Du lịch TP.HCM lấy lại phong độ

Sau nhiều đoàn khách quốc tế nhỏ lẻ và khách đi tự túc, đầu tháng 4, TP.HCM chính thức đón đoàn khoảng 130 khách quốc tịch Mỹ. Đây là đoàn khách quốc tế có quy mô lớn nhất đến TP.HCM sau 2 năm Covid-19. 

TP.HCM đi trước và về trước: Hiện thực hóa giấc mơ đô thị du lịch hàng đầu châu Á (bài 2) - Ảnh 1.

Khách du lịch quốc tế đến TP.HCM sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Ảnh Hồng Phúc

Tín hiệu càng khả quan hơn khi từ đó đến nay, khách du lịch quốc tế xuất hiện nhiều hơn tại các điểm tham quan nổi tiếng như Dinh Độc lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Phố Tây Bùi Viện… hay thả hồn với du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ông Leo Liu - Chủ tịch Công ty Citslinc, một doanh nghiệp du lịch lữ hành hàng đầu tại Bắc Mỹ, cho biết sau đoàn khách đầu tiên đến TP.HCM, công ty sẽ trở lại và đưa thêm nhiều du khách Mỹ, Canada đến tham quan, trải nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thành phố. 

"Chúng tôi khởi động kinh tế ban đêm, tăng cường công nghệ thực tế ảo, kỳ vọng đưa nền tảng này phát triển lên một bậc mới để đưa hình ảnh du lịch thành phố đến với du khách".

Ông Lê Trương Hiền Hòa - PGĐ Sở Du lịch TP.HCM

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết sắp tới sẽ đón những đoàn 4.000-5.000 khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) từ nhiều thị trường khác nhau. Các công ty du lịch lữ hành và hàng không cũng phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường du lịch inbound (tổ chức đưa khách nước ngoài đến Việt Nam).

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị một loạt sản phẩm để quảng bá, sẵn sàng đón khách quốc tế khi đến TP.HCM. "Với nhóm khách MICE, chúng tôi đã thiết kế các hành trình riêng cho khách quốc tế, tổ chức đến các địa điểm du lịch kết hợp hội nghị dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức hay nhóm gia đình"- bà Hoàng nói. 

Đại diện Hãng hàng không Vietjet Air cho biết năm 2022 sẽ khôi phục tất cả đường bay và cam kết đưa 15 triệu khách đến TP.HCM, trong đó khách quốc tế khoảng 3-4 triệu lượt người.

TP.HCM: Điểm đến hàng đầu châu Á

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM. Trước khi có dịch Covid-19, du lịch đóng góp bình quân từ 10-12% GRDP của thành phố. Khách du lịch quốc tế của TP.HCM chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. 

Mục tiêu của ngành du lịch thành phố sau khi kiểm soát được dịch bệnh là xây dựng TP.HCM trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, lối sống trong một thành phố năng động, an toàn, thông minh.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết để đón khách quốc tế, TP.HCM đã chuẩn bị kỹ về đào tạo, hướng dẫn cho các cơ sở lưu trú, cập nhật các chính sách mới.

TP.HCM đi trước và về trước: Hiện thực hóa giấc mơ đô thị du lịch hàng đầu châu Á (bài 2) - Ảnh 3.

Mục tiêu của ngành du lịch TP.HCM là xây dựng TP.HCM trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á. Ảnh: Hồng Phúc

Đặc biệt, TP.HCM đang triển khai chương trình chiến dịch truyền thông lớn: "TP.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City". Đây được xem là lời chào, là tình cảm và sự sẵn sàng của thành phố gửi đến khách quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Không chỉ các sản phẩm du lịch về đường bộ, đường thủy như ngắm sông Sài Gòn, đi du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM đang chuẩn bị tung ra sản phẩm ngắm thành phố từ trên cao với máy bay trực thăng. Phạm vi trải nghiệm được mở rộng từ TP.HCM năng động rồi chuyển tiếp sang vùng sông nước, nông nghiệp của tỉnh Long An. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ là một trải nghiệm mới lạ, độc đáo và cao cấp để đón đầu thị trường khách quốc tế.

Ông Nguyễn Tất Thành - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Australia, đánh giá TP.HCM là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam, ngành du lịch từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp đều rất sáng tạo để thu hút khách. 

Để phát triển hơn nữa, ông kiến nghị ngành du lịch TP.HCM cần tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước đang chọn cạnh tranh nhau về giá thì chất lượng phải là yếu tố mang tính quyết định.

"Hồi sinh" chợ Bến Thành

Những ngày cuối tháng 4, chợ Bến Thành - ngôi chợ nổi tiếng nhất TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp với khá đông du khách trong và ngoài nước.

Bốn cửa nằm ở 4 hướng Bắc, Nam, Đông, Tây ra vào chợ đều có khách, trái với không khí ảm đạm những ngày sau Tết Nguyên đán. Các công ty lữ hành cũng đưa những đoàn khách đến cả trăm người đến tham quan chợ. Nhờ vậy, các ngành hàng ngóng khách nhất suốt hai năm qua như đồ lưu niệm, thời trang, ăn uống đều đang "sống dậy".

img

Khách mua quà lưu niệm tại chợ Bến Thành tháng 4/2022. Ảnh: Hồng Phúc

Nhanh tay lấy thước dây "đo ni" may quần áo cho khách, bà Đặng Thị Lệ Thu - chủ sạp 506 trong chợ vui mừng kể: "Một Việt kiều mới về nước, anh ấy ghé chợ và may 6 bộ vest. Lần trước ghé chợ, anh ấy cũng may 6-7 bộ. Chợ đã có khách nước ngoài và Việt kiều về nước thì đây là một tín hiệu rất vui đối với chúng tôi"- bà Thu khoe.

Chị Ngọc Mai - chủ quầy lưu niệm Ngọc Mai liên tục giới thiệu nón lá, khăn rằn, đồ thủ công mỹ nghệ được làm từ tre khi khách nước ngoài ghé gian hàng. Khách của chị không chỉ có người ngoại quốc mà còn từ các tỉnh thành khác đến du lịch tại TP.HCM.

Tại khu ẩm thực, đã lâu lắm rồi cảnh khách ngồi vây quanh gian hàng cơm tấm, hủ tiếu, bún riêu, chè… mới trở lại với chợ Bến Thành. Quầy chè hơn nửa thế kỷ nằm ở lối đi chính hướng ra cửa Tây, đông đúc khách du lịch trong nước, Việt kiều và khách quốc tế. Một số quầy cơm tấm, bánh bột lọc kế bên cũng kín ghế, 3-4 người phục vụ không xuể.

Bà Trương Thị Tuyết Trinh - Trưởng ngành hàng ẩm thực chợ Bến Thành cho biết, chợ là ngôi nhà thứ hai của bà và cả nghìn tiểu thương. Hầu hết tiểu thương đều là những người buôn bán lâu năm, thậm chí con cháu nối nghiệp cha ông đều ra chợ, như trường hợp của bà.

img

Các tiểu thương kinh doanh ngành hàng ăn uống ở chợ Bến Thành đã nhộn nhịp khách. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Trinh nhớ rõ chợ Bến Thành đông vui nhất là giai đoạn những năm 1997-2005. Khi đó, khách từ khắp mọi miền Việt Nam đến khắp thế giới, đủ mọi thành phần. Sau 2 năm Covid-19 gần như kiệt quệ hoàn toàn, họ đang cảm nhận rõ sự hồi sinh của chợ. Dù số lượng khách và sức mua chưa thể bằng trước đây nhưng một sức sống mới đang trở lại chợ Bến Thành.

Ông Lê Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết số lượng tiểu thương ra chợ đã nhiều với phong phú các mặt hàng. Ông cho biết đặc thù của chợ Bến Thành là gắn với du lịch nên khi nào ngành du lịch phục hồi tốt thì hoạt động của chợ sẽ tốt theo. Tiểu thương cũng đang xem xét tình hình, cân nhắc ra chợ khi hoạt động du lịch ấm dần.

Phúc Minh

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem