TP.HCM giảm diện tích trồng mía, lúa chuyển sang trồng rau, cây kiểng

Quang Sung Thứ ba, ngày 15/11/2022 18:19 PM (GMT+7)
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, UBND thành phố đã định hướng phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm diện tích trồng mía, lúa chuyển sang trồng rau, cây kiểng.
Bình luận 0

Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của UBND TP.HCM, đã đưa ra định hướng phát triển cho các lĩnh vực cụ thể. Riêng lĩnh vực trồng trọt, UBND TP.HCM đưa ra định hướng trọng tâm về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp, sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố.

Ưu tiên phát triển rau và cây kiểng

Theo đó, lĩnh vực trồng trọt UBND TP.HCM định hướng tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh. Lĩnh vực trồng trọt thành phố tiếp tục xây dựng và chuyển giao đồng bộ các mô hình chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả thấp (lúa, mía, cao su), sang trồng cây có hiệu quả cao hơn (rau, hoa).

TP.HCM giảm diện tích trồng mía, lúa chuyển sang trồng rau, cây kiểng - Ảnh 1.

Trồng rau xanh tại HTX rau an toàn Hải Nông (huyện Củ Chi, TP.HCM). Các HTX đang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Đối với cây trồng là lúa, mía, UBND TP.HCM khuyến khích chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị cao như: hoa, cây kiểng. Theo đó UBND thành phố định hướng diện tích canh tác rau đến cuối năm 2020 là 4.500 ha. Trong đó, diện tích canh tác rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là 700 ha. Định hướng năm 2025 diện tích canh tác rau đạt 5.200 ha. Trong đó, diện tích canh tác rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là 1.000 ha.

Đối với lĩnh vực hoa, cây kiểng, UBND thành phố định hướng đến cuối năm 2020, diện tích canh tác hoa, cây kiểng đạt 1.920 ha. Định hướng năm 2025, điện tích canh tác hoa, cây kiểng đạt 2.200 ha.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao

Về việc thực hiện chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, UBND TP.HCM định hướng giảm diện tích canh tác và chuyển đổi loại cây trồng.

Cụ thể đối với cây lúa, UBND thành phố định hướng đến cuối năm 2020, diện tích canh tác lúa giảm còn 3.000 ha. Trong đó, chuyển đổi 1.320 ha đất lúa sang cây hàng năm. Định hướng năm 2025, diện tích canh tác lúa giảm còn 1.000 ha, địa bàn bố trí nằm ở hai huyện Củ Chi và Bình Chánh.

TP.HCM giảm diện tích trồng mía, lúa chuyển sang trồng rau, cây kiểng - Ảnh 3.

Cây kiểng nói chung và hoa mai nói riêng, đang là lĩnh vực được UBND TP.HCM khuyến khích phát triển trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Ảnh: Quang Sung

Đối với cây mía, UBND thành phố định hướng đến cuối năm 2020, diện tích canh tác mía giảm còn 300 ha. Trong đó diện tích canh tác mía giảm, chuyển sang trồng mai là 179,5 ha và 100 ha bắp sinh khối. Đến năm 2025, diện tích canh tác mía không còn. Trong đó, diện tích canh tác mía giảm chuyển sang trồng mai là 150 ha, bắp sinh khối 100 ha, cây dược liệu và cây trồng khác là 50 ha.

Đối với cây cao su, thành phố định hướng đến cuối năm 2020 diện tích canh tác giảm còn 2.500 ha. Định hướng năm 2025, diện tích canh tác cao su giảm còn 1.500 ha.

TP.HCM giảm diện tích trồng mía, lúa chuyển sang trồng rau, cây kiểng - Ảnh 4.

Làng nghề cây kiểng Xuân - An - Lộc (quận 12, TP.HCM) là một trong những khu vực có nghề trồng hoa, cây kiểng nổi tiếng ở TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Đối với một số khu đất nông nghiệp có diện tích lớn, UBND TP.HCM cũng đã đưa ra định hướng phát triển cụ thể. Theo đó, khu chuyển đổi 495 ha (khoảng 400 hộ) tại xã Phú Hòa Đông và xã Trung An, huyện Củ Chi, định hướng phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện dự án làng hoa, cá kiểng quy mô 20 - 40 ha.

Khu đất xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, có khoảng 321 ha đất trồng mía. Đây là vùng đất phèn, trồng mía kém hiệu quả. Do đó UBND thành phố định hướng chuyển đổi sang trồng mai vàng khoảng 180 ha và 100 ha trồng bưởi da xanh. Đây là hai giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn mía.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem