TP.HCM: Người lao động mong chờ nhà giá rẻ nhưng đầu tư nhà ở xã hội vẫn "tắc" từ khâu đầu tiên

Hồng Trâm Thứ bảy, ngày 11/03/2023 10:56 AM (GMT+7)
Dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM được tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần nhưng do vướng ở điểm "không phù hợp quy hoạch" nên không qua được bước chấp thuận đầu tư.
Bình luận 0

Vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ở xã hội

Tại hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 diễn ra ngày 10/3 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho hay giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn. Nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.

Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 15.000 căn hộ. Diện tích sàn nhà ở xã hội toàn thành phố tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 là 1,78 triệu m2 sàn). 9 tháng đầu năm 2022, TP cũng hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 260 căn hộ.

TP.HCM: Người lao động mong chờ nhà giá rẻ nhưng đầu tư nhà ở xã hội vẫn "tắc" từ khâu đầu tiên - Ảnh 1.

Nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn thiếu. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá thành phố hiện vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở phù hợp khả năng chi trả. Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Sở Xây dựng lưu ý chương trình phát triển nhà ở gắn với chỉnh trang đô thị, tập trung tháo gỡ khó khăn và kiến nghị trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, 16 chung cư cấp D; phát triển nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, lãnh đạo UBND TP.HCM đề cập đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại Sở Kế hoạch - Đầu tư vì tất cả các dự án bị "tắc" ở khâu này đầu tiên. Trong đó, dự án nhà ở xã hội có chỉ tiêu quy hoạch được tăng 1,5 lần nhưng do vướng ở điểm "không phù hợp quy hoạch", chưa được điều chỉnh quy hoạch phân khu nên không qua được bước "chấp thuận đầu tư".

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư cần tham mưu, đề xuất liên quan tới thủ tục chấp thuận đầu tư. Sẽ có cuộc họp chuyên đề để tìm ra cách thức phối hợp giữa các sở ngành như nào, lấy ý kiến những gì trong quá trình thực hiện. Từ đó, đảm bảo thời gian, nội dung thực hiện chủ trương đầu tư. Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao tập trung phối hợp để điều chỉnh quy hoạch, ưu tiên xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đề xuất xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê thay vì bán

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM nên chuyển hướng xây nhà ở xã hội để cho thuê thay vì bán, bởi nhu cầu đi thuê là có thật và hợp lý với thu nhập hằng tháng của người lao động.

Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các khu chế xuất và công nghiệp thành phố.

TP.HCM: Người lao động mong chờ nhà giá rẻ nhưng đầu tư nhà ở xã hội vẫn "tắc" từ khâu đầu tiên - Ảnh 3.

Đa số các dự án gặp vướng trong khâu chấp thuận chủ trương đầu tư. Ảnh: H.T

Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp, nhu cầu thuê nhà ở xã hội là hơn 51.000 người, trong khi nhu cầu mua là 29.000 người. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM, nhà ở xã hội dù có mức giá dưới 1 tỷ đồng vẫn ngoài tầm với đối với người thu nhập thấp.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 70 – 80% giá trị căn hộ, tức một căn hộ giá 1 tỷ đồng thì người mua phải có ít nhất 200 triệu đồng. "Nhưng số tiền này đối với người thu nhập thấp lại vô cùng khó khăn. Những căn nhà từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng đã rất rẻ nhưng vẫn khó tiếp cận những đối tượng này" – ông Lệnh nói.

Từ đó, ông Lệnh cho rằng, về lâu dài nên cung ứng hình thức nhà ở xã hội theo hình thức thuê thì sẽ hiệu quả hơn. "Nếu cứ kiên định với việc sở hữu một căn nhà ở xã hội thì rất khó khăn để giải quyết" – ông Lệnh thông tin.

TP.HCM: Người lao động mong chờ nhà giá rẻ nhưng đầu tư nhà ở xã hội vẫn "tắc" từ khâu đầu tiên - Ảnh 4.

Người lao động chờ mong được mua nhà ở xã hội. Ảnh: H.T

Đồng quan điểm, ông Trần Đoàn Trung -  Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao đông TP.HCM cho biết, hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa nhu cầu và mong muốn về nhà ở xã hội. Khảo sát người lao động, khi được hỏi ai cũng nói mong muốn có nhà ở xã hội. Nhưng việc họ có mua được nhà ở xã hội không lại là chuyện khác. 

Theo ông Trung, hơn 70% người lao động tại TP.HCM là nhập cư. Thời gian gắn bó của người lao động với doanh nghiệp cụ thể, địa bàn cụ thể không cao. Vì vậy, người mua nhà ở xã hội nếu đang trả góp đứng trước nguy cơ không có khả năng thanh toán. Cần làm rõ nhu cầu chỗ ở và sở hữu nhà ở để phục vụ công tác phát triển nhà ở xã hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem