TP.HCM đang ráo riết tìm nguồn vật liệu kịp khởi công Vành đai 3, dự kiến đến 15 triệu m3

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 17/03/2023 11:17 AM (GMT+7)
Dự án đường Vành đai 3 đang gần tiến tới mốc khởi công trong tháng 6/2023. Tuy nhiên, TP.HCM đang lo nguồn vật liệu sẽ gây khó khăn cho đảm bảo tiến độ dự án. Theo tính toán, để xây dựng tuyến đường này, TP.HCM cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu.
Bình luận 0

Nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm, khó cung cấp theo tiến độ Vành đai 3

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết kết quả khảo sát, làm việc với các địa phương trong vùng cho thấy nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm, khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM.

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai dự án thành phần 1, dự án Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc khảo sát vật liệu xây dựng trước ngày 25/3. Bên cạnh đó, phải hoàn thành khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu sẽ khởi công trong tháng 6/2023. 

TP.HCM "thúc" gỡ khó nguồn vật liệu làm đường Vành đai 3 - Ảnh 1.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu. Ảnh: I.T

Riêng công tác lựa chọn nhà thầu phải hoàn thành trước ngày 23/6, để sẵn sàng thi công ngay tháng 6/2023. Theo kế hoạch do UBND TP ban hành, dự án Vành đai 3 vẫn giữ nguyên tiến độ khởi công trong tháng 6/2023.

Để tiến độ dự án được đảm bảo, UBND TP.HCM giao Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương liên quan đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ cho toàn dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục liên thu hồi đất, bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với các địa phương khảo sát, điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo cung cấp theo tiến độ dự án.

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) cũng phối hợp với các địa phương để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án. Ban Giao thông kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Các quận huyện có tuyến Vành đai 3 đi qua cần hoàn thành công tác bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng theo kế hoạch. Từ đó, góp ý đối với thiết kế kỹ thuật, dự toán các hạng mục công trình thuộc chức năng quản lý trên địa bàn. Bên cạnh đó là phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phục vụ công tác chuẩn bị khởi công dự án, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

TP.HCM "thúc" gỡ khó nguồn vật liệu làm đường Vành đai 3 - Ảnh 3.

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc khảo sát vật liệu xây dựng trước ngày 25/3. Ảnh: H.T

Vành đai 3 TP.HCM cần gần 15 triệu m3 vật liệu

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,3 km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần trên từng địa phương.

Dự án khi hoàn thành sẽ có quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h, đường song hành 2 bên (đường đô thị 2-3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Dự kiến tiến độ thực hiện sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, khai thác, vận hành từ năm 2026.

Theo tính toán, để xây dựng Vành đai 3, TP.HCM cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3, cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3, cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3. Trong số này, nguồn cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3 được dự báo khó khăn nhất.

TP.HCM "thúc" gỡ khó nguồn vật liệu làm đường Vành đai 3 - Ảnh 4.

Đường Vành đai 3 TP.HCM cần khối lượng vật liệu "khủng". Ảnh: H.T

Hiện nguồn vật liệu đá xây dựng và đất đắp nền đường cơ bản đã đáp ứng nhu cầu. Riêng đối với nguồn cát xây dựng và cát đắp nền đường vẫn còn thiếu so với nhu cầu vật liệu xây dựng của dự án đường Vành đai 3.

Cụ thể, qua rà soát, nguồn cát xây dựng có khả năng thiếu khoảng 30%. Đối với 30% nguồn cát này lại dự kiến lấy ở An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng các địa phương này cũng đang khan hiếm nguồn cát.

Về cát san lấp, TP.HCM dự kiến khai thác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Tuy nhiên, để khai thác khoáng sản phục vụ dự án, cần được chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh.

Đối với 50% nhu cầu cát đắp nền còn lại, dự kiến sẽ lấy tại Đồng Tháp (khoảng 20%) và An Giang (khoảng 30%). Tuy nhiên, hai địa phương trên từ chối cung cấp, với lý do ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại tỉnh.

Với vai trò là địa phương được trung ương giao làm cơ quan đầu mối tổ chức đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, UBND TP.HCM đã có công văn gửi UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, về hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem