TP.HCM: Trường học đưa GYM vào giảng dạy như thế nào?

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 01/04/2023 09:39 AM (GMT+7)
Trường THPT Marie Curie bắt đầu đưa nội dung GYM vào giảng dạy với thời lượng 2 tiết/tuần, ban đầu thí điểm ở một số lớp 10, 11.
Bình luận 0

Ngày 1/4, thông tin từ Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) cho biết, nhà trường chính thức đưa GYM (tập thể dục, thể hình) vào chương trình giảng dạy tại trường. Ban đầu, nhà trường dạy thí điểm ở một số lớp 10 và 11. Sau đó, nhà trường sẽ tính toán mở rộng để giảng dạy đại trà, luân phiên từng khối lớp.

TP.HCM: Trường học đưa GYM vào giảng dạy như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh được hướng dẫn sử dụng các thiết bị tại phòng GYM để tập luyện. Ảnh: MQ

Đây là hoạt động nhằm đa dạng hoạt động trải nghiệm cho học sinh khi thực hiện chương trình GDPT 2018. Chương trình được bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2022-2023, lồng ghép trong bộ môn giáo dục thể chất.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xem đây như nội dung giáo dục bổ trợ nằm trong chương trình nhà trường nhằm giúp các em phát triển kỹ năng, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời tạo thêm không gian để các em tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này, hỗ trợ hiệu quả việc triển khai chương trình GDPT 2018 tại trường.

Thầy Nguyễn Văn Hào, giáo viên giáo dục thể chất của Trường THPT Marie Curie cho biết, hiện tại nhà trường thiết kế chương trình học trong khoảng 8 tuần (từ nay đến hết năm học). Chương trình học cũng được giáo viên và các huấn luyện viên phòng GYM thiết kế sao cho phù hợp nhất với lứa tuổi học sinh.

TP.HCM: Trường học đưa GYM vào giảng dạy như thế nào? - Ảnh 3.

Phòng GYM được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Ảnh: M.Q

Phòng GYM được trang bị với nhiều thiết bị hiện đại như máy chạy bộ, máy tập hỗ trợ các nhóm cơ như cơ đùi, cơ ngực, cơ tay, cơ mông…

Theo đó, các buổi đầu tiên, học sinh sẽ được hướng dẫn và làm quen với thiết bị ở phòng GYM. Sau đó, các em sẽ được tập, giáo viên và huấn luyện viên phòng GYM quan sát, hướng dẫn học sinh thực hiện đúng động tác.

Thầy Hào nhận định, khi được đa dạng hóa các hình thức vận động sẽ giúp học sinh phát triển đều hơn. Thầy đưa ra ví dụ, nếu tập thể dục ở ngoài trời với bộ môn bóng rổ, bóng chuyền, học sinh sẽ phát triển được kỹ năng, kỹ thuật, sự dẻo dai; đối với GYM, các em sẽ phát triển được sức mạnh, thể lực, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần.

TP.HCM: Trường học đưa GYM vào giảng dạy như thế nào? - Ảnh 4.

Chương trình học được thiết kế phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: M.Q

"Dù mới triển khai thí điểm ở một số lớp, nhưng chúng tôi nhận thấy hiệu quả rất tích cực về mặt tâm lý. Học sinh hào hứng, thích thú với tiết học, tích cực trong các bài học được giáo viên và huấn luyện viên hướng dẫn", thầy Hào chia sẻ.

Kim Ngân, học sinh lớp 11A5 Trường THPT Marie Curie cho biết, được trải nghiệm với các thiết bị hiện đại ở phòng GYM ngay trong giờ học thể dục tại trường là điều học sinh không ngờ đến. Bởi theo Ngân, từ trước tới nay, các hoạt động giáo dục thể chất ở nhiều trường chỉ gói gọn trong các bộ môn như bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội…; nay được tập ở phòng GYM khiến học sinh thích thú, hào hứng hơn hẳn.

"Chúng em không chỉ thích học thể dục hơn, mà còn thấy việc học nhẹ nhàng, bớt áp lực. Thật sự chúng em rất tự hào về trường của mình", Ngân nói.

TP.HCM: Trường học đưa GYM vào giảng dạy như thế nào? - Ảnh 5.

Giáo viên và huấn luyện viên theo sát để hướng dẫn học sinh trong tiết học. Ảnh: MQ

Lãnh đạo nhà trường cho biết, hiện tại, mô hình GYM đang được trường triển khai theo hình thức kết hợp chủ trương xã hội hóa, tận dụng nguồn lực phòng GYM đặt trong trường, để làm sao khai thác, tận dụng tối đa mọi cơ sở vật chất, thiết chế trong trường hướng đến phục vụ giáo dục, rèn luyện học sinh.

Ban đầu khi triển khai, học sinh học GYM không mất phí. Về sau, nếu tính toán lại thì khả năng trường chỉ thu thêm tiền điện, chi phí bảo trì thiết bị, còn tiền học sẽ không phải đóng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem