Trăm ngàn lời nói không bằng làn khói Honda

Hoàng Ba Đình Thứ sáu, ngày 24/09/2021 13:28 PM (GMT+7)
Nếu như "làn khói thuốc" có thể hơ dịu tình đau, thì có một loại khói khiến cho nhiều ông thất tình phải ức chế. Đó chính là làn khói xe Honda, bởi "ngàn lời anh nói, không bằng một làn khói Honda".
Bình luận 0

"Một làn khói trắng

Ru đời vào quên lãng

Nâng sầu thành hơi ấm

Hơ dịu tình đau"

Đấy là trích từ bài hát bài Không tên số 7 của Vũ Thành An. Từ xưa tới giờ nhiều người đã suy diễn rằng đấy là làn khói của "nàng tiên nâu". Vụ này tác giả đã đính chính rồi, tác giả nào có bệ rạc như thế, đấy chẳng qua là khói thuốc lá mà các ông thất tình ngày xưa thường mượn để "hơ dịu tình đau" thôi.

Nếu như "làn khói thuốc" có thể hơ dịu tình đau, thì có một loại khói khiến cho nhiều ông thất tình phải ức chế. Đó chính là làn khói xe Honda, bởi "ngàn lời anh nói, không bằng một làn khói Honda". 

Làm cả ngàn bài thơ để tỏ tình, tập đàn đến các ngón tay ứa máu... mà nàng không đổ. Ấy mà một thằng ất ơ nào đó đi cùng con Honda đến, vậy là họ trở nên một cặp trai tài gái sắc, giai nhân tài tử. Không ức sao được. Tức cô gái một, thì tức chiếc Honda đến 10. Nhưng Honda là chiếc xe nào? Ở Sài Gòn, bất kỳ chiếc xe gắn máy nào cũng có thể gọi bằng "Honda" cả.

Trăm ngàn lời nói không bằng làn khói Honda - Ảnh 1.

Chợ Tân Thành (quận 5) chuyên phụ tùng Honda

Lần giở ký ức thời trước 75, Sài Gòn có nhiều trào lưu xe gắn máy khác nhau. Đầu tiên phải kể đến thế hệ xe của Pháp là Mobylette và Velosolex. Hai dòng xe này nhìn y chang chiếc xe đạp máy đầm, nhưng được gắn thêm động cơ. 

Muốn nổ máy phải dựng chống đứng lên, đạp kịch liệt đến khi nào động cơ nổ thì thôi. Xe chạy bằng xăng pha nhớt. Được cái, nếu lỡ hết xăng có thể đạp xe y như xe đạp vậy. Giống như kiểu ngày nay mấy ông đi xe đạp điện, có hết bình vẫn đạp được như thường.

Trăm ngàn lời nói không bằng làn khói Honda - Ảnh 2.

Velosolex trên đường phố Sài Gòn xưa. Ảnh: Nhacxua.vn.

Sau dòng xe Pháp, đến dòng xe Ý với đại diện tiêu biểu là Vespa và Lambretta. Ngoài ra cũng phải kể đến những trào lưu xe Đức như Goebel, Puch, Sach... Điểm chung của các dòng xe này, khá đắt tiền, phải cỡ đại gia mới có thể sắm được một con xe như thế.

Cho đến một ngày, tất cả các loại xe Đức, Pháp, Ý phải dạt sang hết một bên khi Honda xuất hiện với hai mẫu phổ biến Honda SS50 dành cho nam và Honda Dame dành cho nữ. Honda SS50 sau được cải tiến thành dòng Honda 67; Honda Dame có một tên gọi quen thuộc khác là xe cub. Mới đầu, các dòng của Honda cũng không nhiều người để ý, người Sài Gòn nói "xe gì mà bằng mủ, kỳ thấy mồ".

Trăm ngàn lời nói không bằng làn khói Honda - Ảnh 3.

Một bãi giữ xe hồi trước 1975, nhìn sơ đã thấy Honda chiếm đa số.

Ấy, chính nhờ một số phụ tùng bằng nhựa, nên giá thành rẻ hơn hẳn. Lại thêm, đây là thời gian Nhật Bản ra sức quảng bá hàng hóa của họ, nên chất lượng xe cực tốt, lại ít tốn xăng, thành thử chẳng mấy chốc, xe Honda chiếm gần hết thị trường Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Từ đó, bất kỳ chiếc xe gắn máy nào, cũng được gọi bằng Honda hết, cho dù đó là xe Yamaha, Suzuki, Kawasaki.

Đây cũng là điều khá thú vị trong ngôn ngữ. Cứ cái gì ấn tượng nhất, người ta lấy tên gọi của cái đấy gọi chung hết cho mấy cái sau. Giống như, hiện nay bất cứ máy tính bảng dù của hãng nào cũng gọi bằng iPad, trong khi iPad của Apple. Hoặc loại mận chua phía Bắc, dân Sài Gòn cứ gọi rằng "mận Hà Nội" trong khi chưa chắc xuất xứ từ Hà Nội.

Trở lại với xe Honda, thời tới rồi, bùng lên thôi. Đi đâu cũng thấy anh trai Sài Gòn lượn lờ Honda 67, tiểu thư Sài Gòn diện áo dài chạy Honda Dame. 

Mấy ông mới lớn, được nhà sắm cho con 67, bèn vác ngay ra đường giựt le, đi đâu cũng rồ ga uỳnh uỳnh, thậm chí tụ tập đua xe náo loạn đường phố với tốc độ bàn thờ. Do vậy, mới có từ "yên hùng xa lộ" dành cho giới trẻ trâu thời đấy.

Không làm yên hùng xa lộ, vậy chí ít cũng phải lấy điểm với chị em chứ. Ngày nay có câu "không chê anh nghèo thì lên xe anh đèo", chứ ngày ấy phải bảo rằng "ngàn lời anh nói không bằng một làn khói Honda". 

Chạy xe Honda 67, với yên nệm ngon lành, phuộc nhún êm ái... khiến các em gái ngồi phía sau ôm cứng ngắc. Ngồi một bên sau xe, các thiếu nữ tựa đầu vào vai chàng trai ở trước, rồi chàng nhấn ga làm tóc nàng bay theo chiều gió. Dạo hết các phố Sài Gòn, đói bụng lượn vô khu Chợ Lớn ăn mì La cai, rồi trở về coi xi-nê bằng thích.

Hôm nào có hứng, chạy ra hướng Thủ Đức để đổi gió. Xe vừa qua cầu Sài Gòn, các chị bắt đầu run, chẳng hiểu thằng này nó đưa mình đi xa thế này là nó định giở trò gì, rồi nghĩ đủ chuyện linh tinh... Ai dè đến nơi, nó chỉ xuống sông mà bảo "sông Sài Gòn đẹp quá em". Bố khỉ cái thằng phải gió, làm bà hết hồn. 

Đến khi hai anh chị nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái, chiếc xe Honda vẫn tiếp tục gắn bó. Vợ chồng con cái đi chơi, thì đứa con ngồi ngay trên cái bình xăng phía trước chiếc Honda 67. Vợ ở nhà, chạy xe Honda Dame, chồng gắn thêm cái giỏ phía trước để đi chợ cho tiện.

Trăm ngàn lời nói không bằng làn khói Honda - Ảnh 5.

Hình ảnh trong phim Mắt Biếc với Dũng, Hà Lan, Ngạn. Ảnh: TL.

Không chỉ đi vào đời sống thường nhật hàng ngày, xe Honda còn lên phim nữa. Nếu ai đã coi phim "Biệt động Sài Gòn", không thể quên những cảnh hành động: một chiến sĩ chạy xe 67, buông hẳn tay lái, nằm ngửa trên xe, quay súng bắn trả "pằng pằng", rồi quăng người lại cầm lái và mất hút trong đám đông qua đường. 

Hoặc trong bộ phim đình đám "Mắt biếc", đã xây dựng hình ảnh nhân vật Dũng chạy 67 chất chơi, tán đổ em Hà Lan xinh đẹp. Trong khi ông Ngạn lù đù đi xe đạp vác cây đàn chỉ biết đứng ấm ức về nhà ôm đàn mà khóc rằng:

"Một làn khói trắng

Ru đời vào quên lãng

Nâng sầu thành hơi ấm

Hơ dịu tình đau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem