Tranh cãi về tỷ lệ cổ phiếu Sacombank nước ngoài đang nắm giữ

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/02/2023 16:49 PM (GMT+7)
Hiện tỷ lệ cổ phiếu STB của Sacombank do nước ngoài nắm giữ vẫn đang gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn chứng khoán.
Bình luận 0
Tranh cãi về tỷ lệ cổ phiếu Sacombank nước ngoài đang nắm giữ - Ảnh 1.

Hiện, tỷ lệ cổ phiếu STB của Sacombank do nước ngoài nắm giữ vẫn đang gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn chứng khoán. Ảnh: STB

Trên các diễn đàn chứng khoán, xuất hiện một văn bản (số 06/2023/CV-HĐQT) ngày 14/2/2023, có ký tên và đóng dấu của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nước ngoài (room ngoại).

Theo văn bản này, ngày 12/11/2015, Sacombank đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 09/2006/GCNCP-VSD-9 đối với 400.000.000 cổ phiếu phát hành so sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank. Theo đó, vốn cổ phần của Sacombank tăng từ 1.485.215.716 cổ phần trước khi nhận sáp nhập đã tăng lên 1.885.215.716 cổ phần.

Do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400.000.000 cổ phiếu nêu trên, VSD đã ra thông báo: Từ ngày 19/9/2016, tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 23,63468% trên tổng số cổ phiếu sau sáp nhập là 1.885.215.716 cổ phiếu.

Từ ngày có thông báo nêu trên, Sacombank chưa có bất cứ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông Sacombank.

Tuy nhiên, theo thông tin về số liệu sở hữu nước ngoài do VSD cung cấp, tại ngày 10/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 565.288.708 cổ phiếu STB, chiếm 29,99% tổng số cổ phiếu niêm yết của Sacombank.

Tranh cãi về tỷ lệ cổ phiếu Sacombank nước ngoài đang nắm giữ - Ảnh 2.

Văn bản xuất hiện trên các diễn đàn chứng khoán gây xôn xao hôm nay (15/2). Ảnh: IT

Vì vậy, Sacombank đề nghị các đơn vị trên kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nước ngoài theo đúng thông báo ngày 19/9/2016 là 23,63468%.

"Thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài vào thời điểm phù hợp và sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định", văn bản nêu.

Tuy nhiên, tính xác thực của văn bản này cũng chưa được phía Sacombank xác nhận. 

Trước đó, theo một thông cáo phát ra từ Sacombank, nhà băng này cho biết, sau khi hoàn thành việc niêm yết bổ sung số lượng chứng khoán phát hành thêm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (mã chứng khoán STB) từ việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, từ ngày 19/9/2016 tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm từ 30% xuống 23,63468% (trên số lượng 1.885.215.716 cổ phiếu) cho đến thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, theo một báo cáo công bố trên HoSE ngày hôm nay 15/2, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài của cổ phiếu STB là 564.235.014 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 29,93%).

Nói thêm về kết quả đề án tái cơ cấu của Sacombank, chỉ sau hơn 5 năm triển khai tái cơ cấu, nhà băng này đã đạt được những bước tiến vững chắc của đề án tái cơ cấu như xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng rất hiệu quả. Theo đó, dự kiến, trong năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất tái cơ cấu thay vì đến năm 2025 như đề án cho phép.

Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Cầu Group ngày 19/1/2023 đã thông báo tổ chức bán đấu giá khoản nợ do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) đề nghị bán đấu giá.

Cụ thể, khoản nợ mang ra bán đấu giá là toàn bộ 18 khoản nợ (không tách rời) được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án KCN Phong Phú nằm tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tổng dư nợ của các khoản nợ này tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ bán đấu giá 7.934 tỷ đồng.

Cụ thể, Sacombank đã giảm thành công tài sản tồn đọng từ 87 nghìn tỷ đồng (tương đương 23,7% tổng tài sản) năm 2017 xuống 16,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,1% tổng tài sản) vào quý 2/2022, dựa trên ước tính của SSI Research.

Ngoài ra, dự kiến ngân hàng sẽ bán thành công tài sản thế chấp trong năm (khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của Sacombank được cầm cố làm tài sản thế chấp cho VAMC).

Theo ước tính của SSI Research, giá trị của các tài sản này dao động trong khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng, đủ để xử lý khoản tài sản có vấn đề còn lại.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm qua.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. 

Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem