Trẻ đi học trở lại, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng

Bạch Dương Thứ tư, ngày 04/05/2022 15:41 PM (GMT+7)
Các bác sĩ cảnh báo, thời tiết nắng nóng kết hợp cùng việc trẻ mầm non, tiểu học đi học trở lại nên tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM dự báo sẽ tăng.
Bình luận 0
Trẻ đi học trở lại, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: B.D

Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện đang điều trị nội trú cho khoảng 16 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 1 ca chuyển nặng. Theo bác sĩ Quy, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến khám ngoại trú, trong đó có 4-5 ca phải nhập viện điều trị.

"Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên so với cùng thời điểm năm ngoái, tỷ lệ mắc tay chân miệng trẻ nhập viện điều trị cao" - bác sĩ Quy nói.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50-70 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và 15-20 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp diễn tiến nặng phải thở máy.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết mới đây bệnh viện đã cứu sống bé gái (3 tuổi, ngụ tỉnh Long An) nguy kịch vì mắc tay chân miệng.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều vì loét họng. Lòng bàn tay, chân không có hồng ban bóng nước, những biểu hiện thường thấy ở bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng tay chân miệng.

Bệnh nhi nhanh chóng được các y bác sĩ cho thở máy, chống gồng giật tốt, truyền Gammaglobulin kịp thời... Sau 2 ngày điều trị tích cực, bé gái dần hồi phục và sức khỏe ổn định.

Các bác sĩ nhận định, bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc, hiện trẻ đi học trở lại nên tỷ lệ bệnh có tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đang là mùa trẻ dễ bị bệnh liên quan đến hô hấp nên số trẻ nhập viện thường không phải do bệnh tay chân miệng tiến triển nặng mà do trẻ kèm theo viêm phế quản, viêm phổi...

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4.

Trẻ đi học trở lại, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng - Ảnh 3.

Một trường hợp tay chân miệng điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Ly

"Trẻ gặp biến chứng nặng khi mắc tay chân miệng không phải do bệnh lý nền kèm theo mà do cơ địa của mỗi trẻ. Do đó, quan trọng nhất là theo dõi biểu hiện lâm sàng, nếu càng lộ bóng nước hồng ban ra ngoài càng nhiều thì bệnh càng nhẹ, tuy nhiên, càng kín đáo mà sốt cao thì trẻ càng nặng" - bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Bác sĩ Tiến lưu ý khi trẻ bị sốt thì phải nghĩ ngay tới tay chân miệng bởi đây là một loại bệnh dễ mắc, dễ diễn tiến nặng, có thể dẫn đến tử vong. 

"Nếu sau 1 ngày, trẻ vẫn sốt cao thì nên đưa trẻ đi khám. Tại cơ sở y tế, trẻ có thể được làm test nhanh SARS-CoV-2, làm test nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết để loại trừ. Song song đó, bác sĩ thăm khám xem trẻ có loét họng, có biểu hiện bóng nước hồng ban lòng bàn tay, chân, mông, gối để kịp thời phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, điều trị kịp thời, tránh tình trạng trở nặng" - bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Trẻ đi học trở lại, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng - Ảnh 4.

Nổi bóng nước là biểu hiện rõ nhất của bệnh tay chân miệng. Ảnh: P.V

Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Bệnh có 2 mùa bùng phát. Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5. Đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 12.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ lành bệnh. Bên cạnh đó, vệ sinh sạch sẽ răng miệng, thân thể, tăng cường bổ sung các loại nước trái cây, vitamin C, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu, ưu tiên đồ ăn trẻ yêu thích. 

"Đặc biệt quan trọng khi chăm sóc trẻ ở nhà, phụ huynh cần theo dõi chuyển độ ở trẻ như trẻ sốt cao liên tục không hạ, giật mình chới với. Đây là 2 dấu hiệu thường gặp khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, trẻ nôn ói, quấy khóc liên tục, tay chân yếu liệt, run rẩy... thì nên đưa đi viện sớm để điều trị kịp thời" - bác sĩ Quy khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem