Vùng đất ở Tiền Giang nông dân biến cây ăn trái thành cây cảnh độc lạ giá tiền tỷ

Thứ ba, ngày 19/04/2022 19:07 PM (GMT+7)
Phong trào chơi kiểng (cây cảnh) ở Tiền Giang từ lâu đã không còn gói gọn ở các giống cây kiểng truyền thống: Tùng, mai chiếu thủy…mà đã mở rộng sang các loại cây ăn trái gần gũi, mộc mạc như: cây ổi, cây me, cây khế, cây vú sữa… nhưng vẫn toát lên được vẻ đẹp theo “mộc ý” của người chơi.
Bình luận 0

Đa dạng cây ăn trái “biến” thành cây kiểng

Phong trào chơi kiểng từ gốc cây ăn trái không phải chỉ mới có gần đây mà đã có từ hàng chục năm trước đây. Tuy nhiên, trước đây, người chơi chỉ chọn cây khế hoặc cây me để tạo dáng kiểng, do hai loại cây này thường có thế gốc kiểng cổ đẹp, cành nhánh dễ tạo tán bonsai.

Vùng đất ở Tiền Giang nông dân biến cây ăn trái thành cây cảnh độc lạ giá tiền tỷ - Ảnh 1.

Các loại cây ăn trái sau khi được các nghệ nhân cắt cành, tỉa tán đẹp mắt không kém gì các loại cây kiểng truyền thống.

Thời gian gần đây, người chơi kiểng bắt đầu mở rộng sang những loại cây “bình dân” gần gũi với cuộc sống hằng ngày như: Nhãn, mận, vú sữa, sơ ri… thậm chí là cả cây dừa để tạo thêm nét mới cho thú chơi này. 

Việc chơi cây kiểng từ cây ăn trái cũng giống như những loại cây khác, người chơi cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và có sự kiên nhẫn để tạo nên những dáng cây kiểng đẹp mà mình thích.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết, về cơ bản việc người chơi chọn cây phôi từ gốc cây ăn trái để tạo dáng kiểng đều dựa trên các nguyên tắc cơ bản về thế đứng, dáng cây, hình tán của cây kiểng bonsai. 

Tuy nhiên, việc chơi kiểng từ gốc cây ăn trái buộc người chơi phải đầu tư thời gian và công sức hơn so với các loại cây kiểng truyền thống, do đa phần các loại cây ăn trái có thân gỗ cứng, giòn, dễ gãy, khó uốn tạo dáng.

Mặt khác, phần lớn người chơi kiểng từ gốc cây ăn trái hiện nay đa phần chọn dáng cây cổ thụ, cây to, lâu năm để chơi kiểng lớn, kiểng sân vườn với tán lớn hơn là chơi thế bonsai. Dù vậy, nhiều người chơi kiên trì cũng tạo được nhiều thế cây bonsai từ cây ổi, cây mận, cây sơ ri… đẹp mắt không kém cạnh các loại cây kiểng truyền thống.

Thú chơi cây ăn trái cũng lắm công phu

Chúng tôi có dịp đến tham quan vườn kiểng 5 Thoại của ông Nguyễn Văn Toản (ấp Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, TX. Cai Lậy), ngoài hàng trăm gốc tùng trị giá hàng chục tỷ đồng, thì ở đây còn có hàng chục cây kiểng được tạo dáng từ cây ăn trái như vú sữa, lê ki ma, ổi, nhãn… với tỉa tán, uốn cành đẹp mắt.

Vùng đất ở Tiền Giang nông dân biến cây ăn trái thành cây cảnh độc lạ giá tiền tỷ - Ảnh 3.

Người chơi kiểng từ cây ăn trái không chỉ có cây đẹp mà còn có thể thu hoạch trái.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, cây ăn trái được chọn làm kiểng chủ yếu để “chơi” tán hoặc thế của cây đẹp, vì lá của các loại cây ăn trái thường to, mà trong lĩnh vực cây kiểng người ta quý cây có lá kim hơn. 

Vùng đất ở Tiền Giang nông dân biến cây ăn trái thành cây cảnh độc lạ giá tiền tỷ - Ảnh 4.

Ông Toản bên cây trâm cổ thụ trị giá 1,5 tỷ đồng của mình.

Do đó, theo ông Toản,việc tìm cây phôi cũng hiếm hơn so với kiểng truyền thống vì phải chọn cây có dáng đẹp tự nhiên. Đặc biệt, người chơi thường ưu tiên chọn các loại cây phát triển từ hạt hơn, bởi đó là những cây có “sức sống” và “độ bền” tốt hơn so với cây trồng từ chiết cành.

Cây ăn trái dù quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của mọi người nhưng khi tạo dáng kiểng lại khó hơn so với các loại kiểng truyền thống rất nhiều, cần phải có cách chăm sóc đặc biệt.

“Cây ăn trái có nhiều loại rất khó tạo dáng như cây hồng quân ít lá, tán cây không rộng nên chủ yếu chọn cây có thế đẹp. Ngoài ra, cây ăn trái còn dễ bị bỏ cành (cành chết) khi uốn hay tạo dáng, nhất là ở cây vú sữa, đòi hỏi người chăm sóc phải rất kỳ công” - ông Toản cho biết thêm.

Dù chỉ là những loại cây mộc mạc, gần gũi nhưng cây ăn trái sau khi được tạo dáng, chỉnh tán có giá trị rất cao. Cụ thể như tại vườn kiểng 5 Thoại hiện đang có gốc trâm cổ thụ hàng trăm năm tuổi được trưng bày nổi bật cả một góc vườn. 

Loài cây dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân Nam bộ này sau khi chỉnh tán, tạo thế đẹp mắt có giá trị lên đến 1,5 tỷ đồng. Dù có giá trị cao, nhưng theo chủ các vườn kiểng, cây ăn trái khi làm cây kiểng vẫn có mặt bằng giá thấp hơn so với các loại kiểng truyền thống.

Ngoài số ít cây có thể tạo dáng bonsai như ổi, sơ ri… thì thị trường và thị hiếu của người mua cây kiểng từ cây ăn trái cũng khác so với các loại kiểng truyền thống. 

Ông Nguyễn Trung Hải (chủ một vườn kiểng ở ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), cho biết: “Cây ăn trái thường có dáng lớn, thân hoành to, nên người mua chủ yếu sử dụng trang trí sân vườn, công viên, những nơi có không gian rộng, thoáng mát. Nhiều người không chỉ muốn mua các loại kiểng từ cây ăn trái về trang trí, mà còn để tạo bóng mát và đặc biệt là có thể thu hoạch trái cây, do đó gần đây cây ăn trái làm kiểng được nhiều người ưa chuộng”.

Không chỉ có các loại cây ăn trái làm kiểng kể trên, vào những dịp tết, nhiều nhà vườn còn làm các chậu cây cảnh từ các loại cây tắc, quýt, thanh long… trĩu quả, được nhiều người ưa chuộng mua về chưng trong những ngày tết. 

Cây ăn trái gần gũi, mộc mạc tưởng chừng chỉ có thể thu hoạch trái đã được các nghệ nhân, người chơi kiểng “thổi hồn” tạo nên những hình dáng sinh động, bắt mắt, giúp cho thị trường cây kiểng trở nên đa dạng và độc đáo hơn.

Cao Thắng (Báo Ấp bắc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem