Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp nhiều thách thức

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 12/03/2023 18:11 PM (GMT+7)
Hiện, Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính trong xuất khẩu may mặc của Việt Nam tại thị trường Mỹ, vì vậy, việc quốc gia này mở cửa trở lại nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp may mặc Việt trong năm 2023.
Bình luận 0

Báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may năm 2023 vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, có hai yếu tố cần theo dõi trong năm 2023 là xu hướng lạm phát tại Mỹ và tốc độ mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc mở cửa, ngành dệt may Việt "có lợi nhưng cũng có hại"

Theo VNDirect, việc lạm phát tại Mỹ giảm xuống mức 3% sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ tích cực hơn và vì thế, nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may có khả năng phục hồi tại Mỹ.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đối với mặt hàng tiêu dùng không bền trong tháng 1 tăng 0,8% so với tháng trước (tháng 12/22 giảm -0,7% so với tháng 11/22). Điều này cho thấy người tiêu dùng Mỹ bắt đầu mua nhiều hàng tiêu dùng không bền trở lại, trong đó có quần áo và các sản phẩm dệt may.

Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp nhiều thách thức - Ảnh 1.

Trung Quốc mở cửa cũng là "con dao hai lưỡi" với ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023. Ảnh: Quốc Hải

Trong khảo sát "BoF-McKinsey State of Fashion 2023" do McKinsey thực hiện, 61% nhà lãnh đạo trong ngành thời trang Mỹ kỳ vọng triển vọng của ngành sẽ giữ nguyên hoặc tốt hơn trong năm 2023 so với năm 2022 do Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, theo VnDirect, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể là "con dao hai lưỡi" với ngành dệt may Việt Nam. 

Cụ thể, chỉ số PMI tại Trung Quốc đã tăng lên 52,6 trong tháng 2. Đây là lần đầu tiên hoạt động sản xuất tăng trở lại kể từ tháng 7 năm ngoái và là mức cao nhất trong 8 tháng sau khi thay đổi chính sách Covid. VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào quý II. 

Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp nhiều thách thức - Ảnh 2.

Tỷ trọng xuất khẩu dệt may tại các thị trường trọng điểm. Nguồn: VNDirect

"Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến việc xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023", chuyên gia phân tích của VNDirect dự báo.

Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất sợi có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như Công ty CP Đam San (ADS) sẽ tận dụng được lợi thế.

"VITAS dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45~47 tỷ USD (tăng 7~11% so với cùng kỳ) trong năm 2023. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mục tiêu này khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quý 4 năm 2022, và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023", chuyên gia SSI Research, nêu.

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc được lưu thông trở lại có thể giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp may mặc như VGT, HTG, PPH.

Nhưng theo VNDirect, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp may mặc trong năm 2023. 

Hiện Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Theo OTEXA, giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ năm 2022 đạt 132,2 tỷ USD (+16,9% svck). Với 25,65% thị phần, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ, theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần. 

"Các doanh nghiệp may mặc có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Mỹ như MSH, GIL, TCM, VGT sẽ gặp khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2023 bởi đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc", VNDirect nhận định.

Triển vọng nào cho ngành dệt may Việt Nam năm 2023?

Trước đó, trong báo cáo phân tích về ngành dệt may, SSI Research cũng đưa ra nhận định về triển vọng không mấy lạc quan của ngành trong năm 2023. Theo đơn vị này, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường. 

Nền kinh tế Mỹ mặc dù dự kiến sẽ chậm lại, nhưng được dự báo vẫn sẽ là thị trường có quy mô lớn hơn các nền kinh tế lớn khác.

"Quá trình xử lý giảm lượng hàng tồn kho đã được tiến hành tại các nhà bán lẻ lớn, diễn biến tích cực nhất được ghi nhận tại các doanh nghiệp kinh doanh đồ thể thao. Tuy nhiên, dữ liệu từ Hoa Kỳ vẫn cho thấy mức tồn kho cao trong toàn ngành dự kiến sẽ kéo dài đến quý II năm 2023. 

Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp nhiều thách thức - Ảnh 4.

Nhu cầu của các thị trường. Nguồn: Vinatex, SSI Research

Các đơn đặt hàng sẽ bắt đầu tăng tốc (theo quý) trong quý III, mặc dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (theo năm) vẫn không chắc chắn trong nửa cuối năm 2023", chuyên gia SSI Research nêu.

Định giá ngành dệt may có thể giảm xuống mức P/E thấp nhất trong lịch sử của ngành, ở mức khoảng 4~5x như trong giai đoạn 2010~2012, cũng do suy thoái kinh tế toàn cầu) cho đến quý III năm 2023.

"Vì lợi nhuận của hầu hết các công ty đã đạt đỉnh trong quý III năm 2022 (về giá trị tuyệt đối), chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm mạnh nhất trong quý III năm 2023 và định giá sẽ dần phục hồi về mức P/E trung bình lịch sử của ngành là 8 lần, vì các dấu hiệu phục hồi sẽ xuất hiện từ quý 4", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm 20,4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc giảm 10,2% so với cùng kỳ xuống còn 8,5 tỷ USD, trong khi giá trị xuất khẩu xơ và sợi giảm 50,5% so với cùng kỳ do nhu cầu yếu tại các thị trường lớn (do kỳ vọng lạm phát cao đang diễn ra và rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ, EU).

Nhìn chung, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2022 tăng 12,8% so với cùng kỳ, đạt 44 tỷ USD, hoàn thành 100% kế hoạch của chính phủ cho năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem