Trung ương lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Tạo ra sức mạnh lớn trong Đảng

Hoàng Thành (Thực hiện) Thứ năm, ngày 18/05/2023 06:55 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương, sau đó lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị sẽ tạo ra sức mạnh trong Đảng, bởi các lãnh đạo thấy mình được luôn giám sát, đánh giá.
Bình luận 0

Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc (ngày 17/5).

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Tạo ra sức mạnh lớn trong Đảng - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ảnh VGP

Tại Hội nghị, Trung ương đã xem xét về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Đáng chú ý, Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII theo quy định mới của Đảng – Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (thay thế Quy định 262).

Đây là lần thứ 3 Trung ương thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI vào tháng 1/2015 và Hội nghị Trung ương 9 khóa XII vào tháng 12/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo này.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Tạo ra sức mạnh lớn trong Đảng - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ảnh: Nhật Bắc.

Về việc này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. PGS Lý nhấn mạnh, kết quả lấy phiếu, cán bộ nào được tín nhiệm cao thì tiếp tục phát huy, người nào có nhiều phiếu tín nhiệm thấp theo quy định thì nên tự nguyện rời khỏi vị trí. Bởi qua lần lấy phiếu này, một lần nữa Đảng củng cố, siết lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, để từ đó làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đưa đất nước tiến lên phía trước.

Không vì được tín nhiệm cao lại tự mãn

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, điều này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Đây là hội nghị rất có ý nghĩa, trong đó việc Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là việc đặc biệt quan trọng.

Như chúng ta đã biết, Đảng ta rất coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Do đó, đây chính là lúc để mọi người đánh giá, góp ý, nhận xét và phê bình đối với các đồng chí đảng viên cao cấp.

Dựa trên kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, nếu đồng chí nào nhận được tín nhiệm thấp thì nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân xem còn những tồn tại, khuyết điểm nào để tự rèn luyện, sửa đổi, sửa chữa bằng những thực tế tốt hơn. Những người được tín nhiệm cao thì tiếp tục phát huy, không vì thấy được tín nhiệm cao lại tự mãn, không phấn đấu, không đặt mục đích vì nhân dân, vì quốc gia, dân tộc, vì đảng lên hàng đầu.

Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cá nhân được lấy phiếu thấy được sự tín nhiệm của mình trong Trung ương, thấy sự đóng góp của mình được Trung ương nhìn nhận, đánh giá như thế nào và từ đó hoàn thiện mình để làm tốt hơn nữa. Ngoài ra, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đây là một dịp "tự soi, tự sửa" để từng cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm tốt hơn nữa trong quá trình lãnh đạo Đảng ta và đất nước ta tốt hơn nữa, đạt được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Tạo ra sức mạnh lớn trong Đảng - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Nhận tín nhiệm thấp nên từ chức

Vậy thưa ông, nếu đồng chí nào có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì có nên từ chức?

- Quy định 96 đã nêu rất rõ nếu đồng chí nào có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ lần này, chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội toàn quốc XIV của Đảng.

Thực sự mà nói, nếu có đồng chí nào nhận dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp không nói ra thì ai cũng biết chắc chắn là người này hoạt động kém, có uy tín thấp, có nhiều vấn đề không tốt trong dư luận xã hội.

Theo đó, những người nhận dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì phải tự nhận thức khuyết điểm, tự kiểm điểm và phải nghiêm túc chủ động từ chức, rút lui, tìm vị trí phù hợp để sửa chữa và hoàn thiện mình hơn nữa. Vì nếu bị 2/3 các ủy viên Trung ương đánh giá như vậy thì không phải ngẫu nhiên.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng phải kiên quyết xem xét cho những đồng chí này thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức. Như vậy mới có cơ hội để đào tạo những người đang phấn đấu tốt đứng vào hàng ngũ lãnh đạo.

Còn nếu chúng ta lo rằng nếu "kỷ luật" hết thì không có người làm thì tôi cho rằng chưa đúng. Trong đội ngũ hơn 5 triệu đảng viên của chúng ta còn rất nhiều những người có đạo đức, năng lực, trình độ tốt, kiên định với lập trường, lý tưởng của Đảng mong muốn có điều kiện để cống hiến cho đảng, cho nhân dân tốt hơn.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Tạo ra sức mạnh lớn trong Đảng - Ảnh 4.

PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành An.

Củng cố sức mạnh của Đảng

Việc này chính là củng cố vị trí, vai trò của Đảng và tạo ra sức mạnh của Đảng ta, thưa ông?

- Đúng vậy! Thông qua việc này tạo ra sức mạnh lớn hơn của Đảng. Các đảng viên, đặc biệt là những đảng viên là lãnh đạo, quản lý luôn luôn cảm thấy có người giám sát, đánh giá về mình, từ đó bản thân phải phấn đấu, rèn luyện nâng cao đạo đức, phẩm chất cách mạng, không xa rời nguyên tắc, lý tưởng của Đảng, không xa rời nhân dân. Như Bác Hồ đã nói, lý tưởng của Đảng là làm vì dân, làm cho dân được ấm no hạnh phúc, cho nên nếu anh không làm được điều đấy thì không nên tiếp tục ngồi ở vị trí đấy làm việc.

Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương là thước đo sự chuẩn chỉnh trong việc lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong thời gian tới, thưa ông?

- Thông qua việc này, chúng ta xem xét được Trung ương thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào, kinh nghiệm, bài học từ việc này là gì.

qua việc lấy phiếu tín nhiệm có thể đánh giá được sức chiến đấu Đảng ta hiện nay như thế nào, để từ đó xây dựng Đảng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng ngày một tốt hơn, sẵn sàng loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng lực lượng cán bộ yếu kém.

Ông tin tưởng rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm này sẽ thực sự công tâm và không có chuyện vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ?

- Hội nghị lần này sẽ tạo ra một xung lực mới, động lực mới để mọi người phấn đấu tốt hơn và làm gương cho những đồng chí đảng viên, cán bộ ở cấp dưới. Do đó, tôi tin rằng, Trung ương sẽ bỏ phiếu một các công tâm, liêm chính vì đây là cuộc họp để chúng ta nhìn lại nửa nhiệm kỳ từ sau Đại hội XIII của Đảng. Trong gần 3 năm qua chúng ta đã làm được gì, để thấy rằng nếu ai có vấn đề xao nhãng, có sai lầm thì tự chấn chỉnh mình. Còn đối với những người làm tốt, phấn đấu tốt chắc chắn sẽ đạt được nhiều phiếu tín nhiệm cao.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Quốc Lý!

Quy trình công khai lấy phiếu tín nhiệm

PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, về quy trình công khai lấy phiếu tín nhiệm, Quy định 96 nêu rất rõ: Đối với ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư thì công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Đối với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem