Ưu tiên phát triển xe buýt, đã đủ để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất?

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 26/08/2022 17:26 PM (GMT+7)
Sân bay Tân Sơn Nhất liên tục ùn tắc vì quá tải hạ tầng. Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ khi kết thúc thế "độc đạo" dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất mới gỡ được ách tắc.
Bình luận 0

Tập trung phát triển xe buýt tại Tân Sơn Nhất

Thời gian qua, tình trạng xe taxi chèo kéo, ép giá hành khách, gây ra cảnh lộn xộn, bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất đã gây bức xúc dư luận, tạo hình ảnh không đẹp về Thành phố trong mắt du khách. Để khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan quản lý liên quan thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, vấn nạn này đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Một trong các giải pháp được nhà chức trách, đơn vị quản lý hàng không ưu tiên hàng đầu là phát triển hệ thống xe buýt. Đây là phương tiện được đánh giá có năng lực giải tỏa số lượng hành khách lớn, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.

Ưu tiên phát triển xe buýt, đã đủ để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Ảnh: H.T

Theo đó, trong công văn gửi UBND TP.HCM mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu thành phố chỉ đạo Sở GTVT TP.HCM phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác sân bay Tân Sơn Nhất tăng cường tuyên truyền, thông tin tới hành khách về lộ trình, giờ hoạt động, tần suất hoạt động của các tuyến buýt hiện có. Đồng thời, rà soát để điều chỉnh lộ trình, tăng tần suất của các tuyến xe buýt hiện có phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, phân tích, khảo sát nhu cầu đi lại bằng xe buýt của hành khách đi máy bay, xây dựng phương án phù hợp trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết nối với khu vực lân cận Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất.

Đối với tuyến xe buýt mở mới kết nối trực tiếp với cảng hàng không, cần khảo sát cụ thể phương án đón, trả khách, tần suất, đặc biệt lưu ý phù hợp với hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... tránh trường hợp mở nhiều tuyến nhưng không đạt mục tiêu phục vụ hành khách đi máy bay. Từ đó, gây áp lực về hạ tầng cho cảng hàng không, đảm bảo việc mở mới tuyến xe buýt kết nối sân bay thực hiện theo đúng quy định.

Ưu tiên phát triển xe buýt, đã đủ để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 3.

Phát triển xe buýt chưa đủ để giải bài toán giảm ùn tắc tại Tân Sơn Nhất. Ảnh: H.T

Được biết, trước yêu cầu trên của Bộ GTVT, TP.HCM đã có nhiều giải pháp. Theo đó, điểm đón xe buýt tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất được điều chỉnh tại vị trí thuận lợi hơn để hành khách đón xe. Bên cạnh đó, tuyến xe buýt sân bay 152 được điều chỉnh biểu đồ chạy, tăng số chuyến lên 120 chuyến/ngày (trước đó là 76 chuyến/ngày).

Đồng thời, tuyến xe buýt không trợ giá 109 (bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất) được khôi phục với số lượng 110 chuyến/ngày. Ngoài ra, trung tâm sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt có trợ giá số 103 (bến xe Chợ Lớn - bến xe Ngã Tư Ga) ra vào sân bay rước khách, hoạt động từ 5 giờ 30 đến 18 giờ 30 mỗi ngày, với khoảng 12-20 phút sẽ có một chuyến.

Mở thêm hướng tiếp cận Tân Sơn Nhất là điểm mấu chốt

Hiện nay, mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đang phục vụ khoảng 120.000 lượt hành khách đi đến, tương ứng với hơn 40 triệu lượt hành khách/năm (vượt 1.3 lần so với công suất thiết kế khoảng 30 triệu lượt hành khách/năm).

Mặc dù phục vụ lượng khách đông đúc nhưng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ tổ chức một cổng vào cho hành khách đến đi, do đó, tập trung lượng lớn người và phương tiện lưu thông trên đường Trường Sơn (chưa kể lượng phương tiện quá cảnh qua khu vực này).

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng tình trạng hạ tầng tại các cảng hàng không của Việt Nam đang quá tải, mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác vận tải hàng không.

Trong khi chờ nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục bổ sung, bố trí thêm khu vực phòng chờ cổng 8, 9 nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất để khai thác các chuyến bay nội địa.

Ưu tiên phát triển xe buýt, đã đủ để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 4.

Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ có 1 lối ra vào trên đường Trường Sơn. Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, cải tạo khu văn phòng tầng trệt tiếp giáp với các vị trí đỗ máy bay thành phòng chờ ra máy bay bằng xe buýt, tăng thêm cửa khởi hành cho nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất.

Đáng chú ý, lãnh đạo ngành hàng không đề xuất sớm triển khai xây dựng đường hầm hoặc cầu đi bộ kết nối nhà xe TCP với nhà ga trong nước trong năm 2023. Song song, mở thêm làn xe thu phí tại khu vực trồng cây cảnh giữa làn xe ưu tiên và làn thu phí thứ 4 của sân bay Tân Sơn Nhất để giải tỏa phương tiện.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các dự án "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất có rất nhiều nhưng hầu hết đều chỉ trên giấy. Các giải pháp được đánh giá là "trọng điểm" như nhà ga T3, 5 dự án kết nối giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất … vẫn ì ạch, chưa được khởi công sau nhiều năm. Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vẫn chưa đưa vào khai thác.

Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, tình trạng ùn tắc của sân bay này như hiện nay đã được các chuyên gia dự báo trước nên từ giai đoạn 2016 - 2017, TP đã cấp bách tính chuyện mở rộng sân bay.

Chuyên gia lo ngại ngay cả khi tất cả các dự án nêu trên hoàn thành thì có thể sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ùn tắc vì tất cả hoạt động ra vào sân bay chỉ dồn vào một chỗ phía Nam. Vì thế, nếu không tính phương án tiếp cận sân bay từ nhiều hướng, cả phía Bắc và phía Nam, thì dù có nhà ga T3 cũng sẽ tiếp tục quá tải.

Trước đó, từ năm 2018, nhóm nghiên cứu của TP.HCM đề xuất và tính toán kỹ lưỡng lộ trình mở rộng sân bay gồm 3 giai đoạn. Cụ thể:

Từ năm 2018 đến 2020: Xây nhà ga T3 với năng suất 10 triệu khách một năm, tại phía Nam, để đáp ứng nhu cầu trước mắt trong vài năm tới; quy hoạch và xây dựng đường vành đai xung quanh sân bay; thuê tư vấn quốc tế thiết kế cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt năng suất tối đa.

Năm 2020-2022: Xây nhà ga hành khách T4 ở phía bắc, năng suất 20 triệu khách mỗi năm; đường lăn, bãi đỗ theo phương án một nhưng dịch ra phía Bắc nhiều hơn để dành chỗ làm đường băng thứ ba; cải tạo và mở rộng các nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam, nâng tổng năng suất lên mức 55 triệu khách một năm.

Năm 2022- 2025: Xây đường băng thứ ba dài 2.300 m theo phương án hai. Hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ với đường băng thứ ba; mở rộng nhà ga hành khách T4 phía Bắc để có năng suất 35 triệu khách một năm - nhằm nâng tổng năng suất các nhà ga T1, T2, T3 và T4 lên mức 70 triệu khách một năm và hoàn thiện hệ thống các công trình phía Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem