Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM (bài 2): Trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 28/07/2022 14:35 PM (GMT+7)
Bàn về mức độ hiệu quả của trợ giá xe buýt tại TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng (Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) nhận định: “Trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu”.
Bình luận 0

Giải quyết bằng bài toán đấu thầu

Liên quan việc trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng nêu ví dụ: "Giữa một đơn vị không trợ giá, nhà nước không mất tiền, giá vé của đơn vị này 20-30 nghìn. Còn một đơn vị khác có trợ giá, nhà nước mất tiền, giá vé 5-7 nghìn. Vậy người dân chọn ai? Chắc chắn người dân sẽ chọn "anh" 5-7 nghìn".

Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM: Trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu - Ảnh 1.

Ông Võ Khánh Hưng (Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) bàn về mức độ hiệu quả của trợ giá xe buýt tại TP.HCM. Theo ông, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu. Ảnh: Quốc Quang

Ông Hưng thừa nhận: Xe buýt TP.HCM còn hạn chế, đôi khi chưa thật sự chú trọng chất lượng phục vụ, có kiểm soát nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Ở một số hợp tác xã, xe buýt loại hình không trợ giá, chất lượng xe buýt không được tốt...

Theo ông Hưng, hiện nay, có thể chưa loại bỏ được hết những loại xe kể trên, nhưng người quản lý có trách nhiệm phải nâng chất lượng của các hợp tác xã đó. Cuối cùng, dù trợ giá hay không, cũng phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu.

"Nếu chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào tiền và sản lượng, thì chưa đủ. Nó là bài toán của tổng thể từ mạng lưới, tốc độ lan tỏa và mức độ hài lòng của người dân. Do đó, chúng ta sẽ phải tiếp thu ý kiến người dân để phục vụ, mặt khác chúng tôi phải làm việc với đơn vị vận tải để hài hòa lợi ích", ông Hưng nói.

City buýt, metro phải trợ giá mới hoạt động được

Ông Lê Đỗ Mười (Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT) khẳng định rằng: City buýt, metro phải trợ giá mới hoạt động được. Đây là điều luôn luôn phải nhớ của các nhà lãnh đạo và các nhà khai thác xe buýt.

Theo ông Mười, với khái niệm vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên thế giới hiện nay nếu không trợ giá không làm được, nhưng trợ giá ở mức nào, doanh nghiệp và Nhà nước chịu ở mức nào là điều cần tính toán.

Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM: Trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu - Ảnh 3.

Ông Lê Đỗ Mười (Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT) khẳng định rằng: City buýt, metro phải trợ giá mới hoạt động được. Ảnh: Quốc Quang

Ông Mười cho biết, cần phải khuyến khích theo các chiều hướng: Nếu doanh nghiệp mạnh như Phương Trang vào đấu thầu mà Nhà nước không cần trợ giá nhiều thì hoan nghênh. Người dân không quan tâm ai khai thác tuyến buýt mà chỉ cần phương tiện tốt, dịch vụ tốt thì sử dụng.

VTHKCC là phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội cho một đô thị, cho một tỉnh, thành phố chứ không phải cho một doanh nghiệp. Mục tiêu VTHKCC hiện nay là mang lại lợi ích cho xã hội, tránh giảm ùn tắc và Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ lại doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp bỏ ít hay nhiều cùng Nhà còn tùy theo nguồn lực.

Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM: Trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu - Ảnh 4.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM

"Việc khai thác VTHKCC của chúng ta hiện nay phải lựa chọn doanh nghiệp làm sao cho vừa tầm, đúng, đủ để đạt được mục tiêu. Chúng ta phải nhận định phát triển VTHKCC thì người dân phải hưởng lợi đầu tiên, sau đó đến chính quyền thành phố và cuối cùng là doanh nghiệp", ông Mười nhận định.

Theo ông Mười, trợ giá nhiều hay ít là do doanh nghiệp đề xuất. Nhà nước luôn khuyến khích tiệm cận được tuyến nào không phải trợ giá là tốt, còn có tuyến nào phải trợ giá thì xem xét triển khai và tiếp cận sao cho trợ giá ít nhất, mang lại quyền lợi cho người dân tốt nhất.

Một tuyến liên tỉnh mà gọi là buýt kế cận thì không cần trợ giá nhưng tuyến buýt ngắn khoảng 15-20km không trợ giá sẽ lỗ và lỗ rất lớn. Tuy nhiên, cũng tuyến đó ra đấu thầu mà Phương Trang chỉ cần 15% trợ giá thôi mà vẫn vận hành tốt thì đồng ý cho khai thác. Lợi ích cho người dân đặt lên đầu tiên, giảm chi phí cho Nhà nước thì càng tốt.

"Chúng ta cần có phương án xây dựng theo lộ trình tốt hơn nhưng xin khẳng định VTHKCC phải được trợ giá, nếu không trợ giá sẽ vỡ trận hết các mục tiêu mà chúng ta đặt ra", ông Mười nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Bảo Yến (doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội đưa các tuyến xe buýt CNG - khí nén thiên nhiên vào hoạt động): Nếu xe buýt không có trợ giá, không doanh nghiệp nào sống nổi.

Theo ông Tuấn, vấn đề trợ giá hay không trợ giá, trước hết phải nhìn lại 2 mạng lưới VTHKCC ở cả TP.HCM và Hà Nội hiện có tốt không. Có thể thấy phương tiện tốt, con người tốt, mạng lưới phủ sóng gần hết nhưng thực tế cơ sở hạ tầng chưa thu hút người dân đi lại.C

Các nước trên thế giới đều có làn dành riêng cho xe buýt nên phương tiện này đi rất nhanh, việc đi lại cực kỳ thuận lợi. Ở Việt Nam, làn đường riêng rất ít. Trong khi đó, mỗi nhà ở Việt Nam có 3-5 xe máy và ô tô cá nhân. Như thế, chỉ 3-5 năm nữa thì thậm chí không có đường mà đi nếu không nghĩ đến một giải pháp cho VTHKCC.

Trên thế giới và gần hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản đều ưu tiên phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Ông Tuấn khẳng định, nếu xe buýt không có trợ giá thì không doanh nghiệp nào sống nổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem