Vì sao hàng không quốc tế ì ạch phục hồi?

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 13/02/2023 11:10 AM (GMT+7)
Hàng không quốc tế vẫn phục hồi yếu do nhiều thị trường lớn vẫn chưa hoàn toàn mở cửa. Đồng thời, hành khách có xu hướng du lịch nội địa khi chưa hoàn toàn yên tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác.
Bình luận 0

Nhiều yếu tố khiến hàng không quốc tế phục hồi chậm

Thời gian qua, du lịch nội địa bùng nổ cùng nhu cầu di chuyển như chiếc lò xo bật dậy sau đại dịch kéo thị trường hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ về lượng khách nội địa. 

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, hết năm 2022, hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Trong khi đó, thị trường quốc tế có mức hồi phục chậm hơn và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.

Theo IATA, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.

Vì sao hàng không quốc tế ì ạch phục hồi?  - Ảnh 1.

Hàng không nội địa tăng trưởng vượt dự báo thì thị trường quốc tế có mức hồi phục chậm hơn. Ảnh: H.T

Cụ thể, với vận chuyển nội địa, dự báo đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Đối với hàng hóa, dự báo tăng 230.000 tấn, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019.

Với vận chuyển quốc tế, dự báo đạt 34 triệu khách, gấp 3 lần so năm 2022 và 83,5% so với năm 2019. Về hàng hóa, dự báo vận chuyển 1,23 triệu tấn hàng hóa, tăng 10% so với năm 2022 và 22,4% so với năm 2019. Với mức dự báo tăng trưởng này, phải cuối năm 2023, thị trường quốc tế mới khôi phục lại hoạt động như trước thời điểm dịch bệnh diễn ra.

Đánh giá của các chuyên gia, hàng không quốc tế chậm phục hồi là vì vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, hành khách có xu hướng du lịch nội địa khi chưa hoàn toàn yên tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác. 

Ngoài ra, các khó khăn nội tại như kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân… Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại quốc tế chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh...  hoạt động du lịch vẫn chưa được đẩy mạnh.

Một số nước như Nhật Bản cũng tập trung khuyến khích du lịch nội địa bằng các chính sách mạnh để kích cầu. Các thị trường lớn như Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid; Nga xung đột chính trị...  Những hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không vẫn là các rào cản khiến hàng không quốc tế khó tăng tốc. Trong bối cảnh như vậy, dự báo hàng không quốc tế vẫn cần nhiều thời gian để phục hồi thật sự.

Các hãng hàng không tích cực mở rộng mạng bay

Tuy nhiên, đầu năm 2023, thị trường hàng không quốc tế đã dần có những tín hiệu khởi sắc. Việc điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8/1 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này.

Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện nối lại hoạt động du lịch nước ngoài cho công dân Trung Quốc, lượng khách đi đến từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Vì sao hàng không quốc tế ì ạch phục hồi?  - Ảnh 3.

Hành khách có xu hướng du lịch nội địa khi chưa hoàn toàn yên tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác. Ảnh: H.T

Về phía các hãng hàng không, để tích cực kích cầu bay quốc tế, nhiều chính sách khôi phục mạng lưới đường bay đã được triển khai. Vietnam Airlines cho biết sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, qua đó khôi phục 9/10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Cụ thể, từ tháng 3/2023, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay một tuần. Đồng thời, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải – mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến bay một tuần. Đây là mức tăng tần suất đáng kể khi so sánh với hiện tại, hãng chỉ khai thác từ 1-2 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.

Vì sao hàng không quốc tế ì ạch phục hồi?  - Ảnh 4.

Hàng không quốc tế được dự báo phục hồi vào cuối năm 2023. Ảnh: H.T

Từ tháng 4/2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, với tần suất 2 chuyến bay một tuần trên mỗi đường bay. Ngoài ra, từ tháng 9/2023, Vietnam Airlines có kế hoạch đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP.HCM và Thượng Hải.

Một đại diện khác hãng hàng không Vietjet đã mở lại đường bay thẳng kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Hồng Kông (Trung Quốc), đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách sau thời gian gián đoạn.

Các hãng hàng không cho biết, việc mở lại và tăng tần suất bay tới Trung Quốc của đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch giữa hai nước được dự báo sẽ phục hồi tích cực từ tháng 3/2023. Dù số lượng trung bình chưa nhiều do đây là giai đoạn đầu mở lại, lượng khách dự báo vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hàng không quốc tế phục hồi.

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12/2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12/2022. Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 4,85 triệu khách (tăng 13,4% so với tháng 12/2022) với 1,1 triệu khách quốc tế (tăng 8,5%) và 3,75 triệu khách nội địa (tăng 15%). Điều này cho thấy thị trường quốc tế đã dần "tăng tốc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem