Vì sao sân khấu Sài Gòn ít kịch thiếu nhi?

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 30/07/2022 06:35 AM (GMT+7)
Sân khấu kịch TPHCM đang trải qua giai đoạn khó khăn với việc đóng cửa hay tạm ngưng hoạt động hàng loạt sân khấu lớn, kịch thiếu nhi hè 2022 vẫn có tín hiệu khởi sắc, dù số lượng vô cùng hạn hẹp.
Bình luận 0

Kịch thiếu nhi được chào đón sau hai năm ngưng diễn vì dịch

Từ giữa tháng 5, Nhà hát kịch 5B đã ra mắt vở kịch thiếu nhi "Bộ lạc nanh trắng", diễn vào sáng thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần.

Chương trình kịch thiếu nhi vào mỗi sáng cuối tuần của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B thắng lớn là điều bất ngờ đối với cả chính các nghệ sĩ. Với hai vở diễn "Vương quốc những người xấu xí" và "Bộ lạc nanh trắng" (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Huy Hoàng) truyền đạt thông điệp nhẹ nhàng về việc bảo vệ môi trường sống, các đức tính tốt đẹp cần có cho thiếu nhi.

Chương trình đã thu hút được sự chú ý của các bậc phụ huynh mong muốn tìm sân chơi lành mạnh cho con em trong dịp hè. Với sự hưởng ứng ngày càng nồng nhiệt của các khán giả nhí và phụ huynh, trong tháng 8 tới, ngoài các suất diễn vào mỗi sáng Chủ Nhật, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B cũng tăng thêm bốn suất diễn vào buổi chiều lúc 16 giờ để các bậc phụ huynh, thầy cô có thêm lựa chọn giải trí cho con em mình.

Vì sao sân khấu Sài Gòn ít kịch thiếu nhi? - Ảnh 1.

Kịch thiếu nhi của chuỗi chương trình "Ngày xửa ngày xưa" rất tâm huyết khi đầu tư trang phục cho nhân vật. Ảnh: Lân Trần

Sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh, thương hiệu sân khấu thiếu nhi nổi tiếng "Ngày xửa ngày xưa" của sân khấu Idecaf đã trở lại ngoạn mục với vở kịch vui nhộn "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad", "Đại chiến nàng tiên cá" (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn). Vở náo kịch đầy màu sắc phiêu lưu này đã lập tức "cháy vé" cho tất cả các suất diễn cho hai đợt diễn hè và trung thu. 

Nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu của khán giả thiếu nhi, Giám đốc Sân khấu Idecaf, Huỳnh Anh Tuấn quyết định tăng cường thêm các suất diễn từ ngày 9 đến 11/9. 5.000 vé mở bán online đều đã được đặt hết.

Nhiều năm nay, thành công của chuỗi chương trình "Thế giới tuổi thơ" tại sân khấu Idecaf cho thấy nhu cầu xem kịch của thiếu nhi luôn cao. Nhưng đến nay, lượng vở diễn dành cho đối tượng này khá ít ỏi.

"Những ngày cuối tuần, tôi muốn cùng con cháu xem kịch mà khó kiếm được một vở diễn hợp với cả trẻ con và người lớn", một phụ huynh chia sẻ. Nhiều khán giả nhận định, sau hai mùa hè không có suất diễn nào vì dịch, kịch thiếu nhi năm nay ít hơn hẳn về số lượng và nội dung kịch cũng không đa dạng.

Các sân khấu "né" khó khi dựng kịch thiếu nhi.

Theo nhiều đạo diễn và ông bầu sân khấu, dựng kịch cho thiếu nhi rủi ro cao về lợi nhuận bởi kinh phí đầu tư một vở cho khán giả nhí cao hơn hẳn so với kịch người lớn. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, có vở Idecaf đầu tư lên tới 500 triệu đồng, trong khi kịch thông thường chỉ dao động ở mức từ 60 đến hơn 100 triệu đồng.

Bà bầu Thúy Nguyễn của sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết: "Làm kịch cho thiếu nhi phải rực rỡ, sinh động nên đòi hỏi vốn đầu tư lớn về trang phục và cảnh trí. Chỉ tính phục trang, có vở chúng tôi phải thiết kế mới hơn 100 bộ quần áo. Sau đó là tiền đặt hàng bài hát riêngcho vở kịch".

Vì sao sân khấu Sài Gòn ít kịch thiếu nhi? - Ảnh 3.

Khán giả nhí lấp kín sân khấu kịch 5B với vở "Vương quốc những người xấu xí".

Ngoại trừ chương trình "Thế giới tuổi thơ" lâu năm của Idecaf, các sân khấu từng dựng kịch thiếu nhi đều mong hòa vốn là may. "Dựng kịch cho thiếu nhi không hy vọng có lãi, nhưng với trách nhiệm của một sân khấu, chúng tôi vẫn muốn đáp ứng nhu cầu của khán giả nhí và phụ huynh", đại diện sân khấu Hoàng Thái Thanh từng chia sẻ.

Không chỉ số lượng, tần suất các vở kịch thiếu nhi cũng khá thưa. Ba tháng hè, cùng lắm thêm Tết trung thu, khán giả nhí mới có cơ hội đón nhận vở diễn mới. "Trong năm, không sân khấu nào mạo hiểm làm kịch thiếu nhi bởi lịch học của các em dày đặc. Làm ra không có khán giả, vở diễn cầm chắc khả năng khó thu hồi vốn", đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cho biết.

Vì sao sân khấu Sài Gòn ít kịch thiếu nhi? - Ảnh 4.

Trích đoạn kịch thiếu nhi "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad" - sân khấu kịch Idecaf. Ảnh: Lân Trần

Bên cạnh chuyện khán giả nhí kín lịch học không có thời gian dành cho giải trí, việc xuất hiện hàng loạt gameshow truyền hình dành cho thiếu nhi khiến thị phần cho kịch giảm mạnh. "Chúng tôi không thể cạnh tranh với những chương trình mà các em chỉ việc ngồi nhà, không mất tiền vé và vẫn được thỏa mãn nhu cầu giải trí. Bởi vậy, sân khấu nào mạnh dạn đầu tư kịch thiếu nhi, dù chỉ là đầu tư vào dịp hè cũng đều vì đam mê hơn là lợi nhuận", đại diện sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem